Chỉ sau 1 tuần đăng quang ngôi vị “Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023” (Miss World Vietnam 2023), hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi lại “đăng quang” nhiều “danh hiệu” không mong muốn khác như “Hoa hậu drama”, “Hoa hậu vạ miệng”, “Hoa hậu dẫn đầu số lượng anti-fan”… (Nhóm anti-fan Hoa hậu Ý Nhi trên mạng xã hội hiện đã lên tới hơn 260.000 thành viên và vẫn tiếp tục gia tăng).

Sở dĩ Huỳnh Trần Ý Nhi bất đắc dĩ bị nhận những ‘danh hiệu” này là do cô đã có những phát ngôn gây “vạ miệng” mà đỉnh điểm là câu nói: “Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa, thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu”. Không dừng lại ở đó, trong một phát ngôn khác cô lại tự cho mình là người nổi tiếng ở Bình Định, sánh ngang với các danh nhân... Nguy hại hơn, trong khi chưa hết khủng hoảng do những phát ngôn ngờ ngệch thì ngày 1/8, ban tổ chức tiếp tục làm nóng thêm dư luận khi đưa tân hoa hậu và 2 á hậu đi làm từ thiện ở một bệnh viện sang trọng như khách sạn 5 sao.

Ồn ào về những phát ngôn gây tranh cãi của Hoa hậu Ý Nhi khiến dư luận bức xúc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí “nóng” đến mức nhiều nghệ sĩ và khán giả đề nghị Ban tổ chức Miss World Vietnam 2023 tước bỏ danh hiệu của Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi vì cho rằng không xứng đáng, bất chấp việc cô và đại diện Ban tổ chức đã livestream trực tiếp xin lỗi khán giả.

Xưa nay, danh xưng hoa hậu vốn là biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam, từ ngoại hình đến trí tuệ, tâm hồn... Từ cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền phong đầu tiên năm 1988 đến nay đã có rất nhiều người xứng đáng với danh hiệu này, góp phần truyền cảm hứng cho cộng đồng. Bởi lẽ, người đoạt chiếc vương miện danh giá không chỉ là người chiến thắng về nhan sắc mà còn là người hội tụ nhiều yếu tố, đặc biệt là trí tuệ, tài năng… mới có thể lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng, cho xã hội, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, nét đẹp văn hóa. Còn nếu không thì chỉ là người xinh thôi chứ nhất định không phải là Hoa hậu. Xa hơn, nếu đạt thành tích cao tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế còn góp phần quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam.

Thế nhưng, tình trạng lạm dụng tổ chức thi sắc đẹp, “ra ngõ gặp hoa hậu” khiến những nghi ngại từ dư luận về chất lượng các cuộc thi hoa hậu là hoàn toàn có cơ sở. 30 cuộc thi hoa hậu lớn, nhỏ được tổ chức trong năm 2022 và năm 2023 này hứa hẹn sẽ còn tiếp tục “bùng nổ” – một con số có lẽ khiến bất cứ ai cũng phải giật mình.

Người đẹp này vừa đăng quang, người đẹp khác đã sẵn sàng chạm tay vào vương miện. Thậm chí có cá nhân từng sở hữu bản quyền hàng chục cuộc thi sắc đẹp khác nhau. Đọc tên gọi các cuộc thi cũng dễ nhận thấy sự chồng chéo, khó phân biệt. Các tiêu chí, giải thưởng thì na ná nhau, nào là Người đẹp tài năng, Người đẹp nhân ái, Người đẹp thể thao, Người đẹp thiện nguyện… Vậy nên, việc công chúng không thể nhớ nổi tên người đăng quang Hoa hậu chỉ sau một thời gian rất ngắn âu cũng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh một số cuộc thi uy tín thì còn lại bản chất của những cuộc thi này không khác nào một dự án thương mại. Nhiều người cho rằng kịch bản những cuộc thi nhan sắc chủ yếu để kêu gọi tài trợ, bán quảng cáo chứ không hẳn vì mục tiêu tôn vinh sắc đẹp, tôn vinh phẩm cách phụ nữ Việt Nam. Các cuộc thi thường được quảng bá với những mỹ từ tốt đẹp, những mục tiêu được “vẽ” nên rất hoành tráng, nào hoạt động từ thiện, nào bảo vệ môi trường, nào mang những giá trị cho cộng đồng... Nhưng hậu trao danh hiệu, những hoạt động này gần như bỏ ngỏ, không có sự giám sát nào.

Trở lại câu chuyện của Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi. Trước những phát ngôn kém tinh tế và được xem là thiếu hiểu biết xứng tầm Hoa hậu của cô, cộng đồng có lý do chính đáng để phản ứng. Có thể Nhi còn quá trẻ để có được những suy nghĩ và phát ngôn chín chắn? Có thể Nhi đang bị những ánh hào quang thêu dệt khiến cô lầm tưởng - thậm chí là ảo tưởng về giá trị bản thân? Dù hiểu theo cách nào thì những phát ngôn của tân hoa hậu cũng đã vô tình thổi bùng lên những tranh cãi, dấy lên sự nghi ngại và đo đếm về giá trị thực của các cuộc thi hoa hậu đang tổ chức “như nấm sau mưa”.

Tất nhiên, chẳng ai muốn mình là tâm điểm giữa làn sóng phản ứng của dư luận, nhưng có lẽ khi đứng trong “tâm bão” dư luận, Huỳnh Trần Ý Nhi cũng nên cảm ơn những người đã nhìn thấy cái thiếu khuyết của em. Người xưa có câu: "Người chê ta mà chê đúng là thầy của ta”. Mong rằng Huỳnh Trần Ý Nhi sẽ có đủ dũng cảm để vượt qua “vấp ngã nhưng không gục ngã”, đủ tỉnh táo để nhìn nhận, hoa hậu đâu chỉ là vẻ đẹp hình thể.

Có câu “muốn đội vương miện, phải chịu được sức nặng của nó”, để thấy giấc mơ có thể sẽ thành cơn ác mộng với những ai chưa thực sự thấu hiểu, chưa chuẩn bị kỹ càng cho việc “nhập cuộc” này, đặc biệt với những người đẹp giành được vương miện khi còn quá trẻ.

Chỉ khi nào hoa hậu ngoài vẻ đẹp hình thể còn hội tụ các yếu tố: tâm đức, tài sắc.. thật sự nổi trội hơn các chị, các em cùng thế hệ mới trở thành biểu tượng truyền cảm hứng cho một lối sống đẹp, một tâm hồn đẹp và một nhân cách đẹp, góp phần phát triển xã hội văn minh, hạnh phúc, khi đó chiếc vương miện mới thực sự tỏa sáng.