Trong khoảng thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra 2 vụ việc bạo hành trẻ mầm non. Sau sự việc bé trai 17 tháng tuổi bị hai bảo mẫu tại huyện Thường Tín, Hà Nội đánh tử vong gây rúng động, xã hội lại phẫn nộ với clip 2 bảo mẫu ép trẻ ăn cơm ở Trung tâm giáo dục đặc biệt Tâm An ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Trẻ bị bóp mồm ép ăn là một trẻ tự kỷ, chậm nói.

Đây không phải lần đầu tiên trẻ mầm non bị bạo hành. Nhiều vụ việc gây ám ảnh đã từng xảy ra. Năm 2013, trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, TP. Hồ Chí Minh bị hành hạ, bị dúi đầu vào thùng nước. Năm 2017, 20 trẻ bị đánh đập dã man tại cơ sở mầm non Mầm Xanh, TP. Hồ Chí Minh hay năm 2018, trẻ bị hành hạ khi cho ăn tại cơ sở mầm non Mẹ Mười, Đà Nẵng.

Điểm chung những vụ việc đó đều xảy ra ở những nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tại những nơi mà mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường. Có những cơ sở còn hoạt động chui, không phép hoặc đã yêu cầu dừng mà vẫn hoạt động.

Ở những đô thị, thành phố lớn, trường mầm non công lập hiện mới chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu gửi trẻ. Khi các đô thị phát triển nhanh, việc chính quyền các địa phương không quyết liệt và thiếu sự quan tâm cho việc xây dựng trường lớp rõ ràng là một khoảng trống đối với giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng.

Tuy nhiên, còn một khoảng trống khác khiến các vụ bạo hành trẻ mầm non liên tiếp xảy ra, đó là chất lượng của giáo viên và những người trông trẻ.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, trong tổng số hơn 100 nghìn giáo viên còn thiếu của các cấp học, thì số giáo viên mầm non chiếm 41%, tương ứng 44.000 người. Đáng chú ý, mầm non là cấp học có nhiều giáo viên bỏ việc nhất, với hơn 6.000 người trong tổng số 17 nghìn giáo viên bỏ việc của tất cả các cấp học, chiếm hơn 37%.

Việc thiếu hụt giáo viên mầm non khiến các cơ sở giáo dục mầm non khó khăn trong tuyển dụng. Theo quy định, giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng, người chăm sóc trẻ ở nhóm trẻ tối đa 7 trẻ phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định. Nhưng vì “khát” nhân lực, nhiều cơ sở đã tuyển dụng những người trông trẻ và giáo viên không đạt chuẩn.

Điều đáng sợ hơn đó là sự thiếu vắng “chuẩn” về đạo đức của giáo viên, người trông trẻ. Tâm lý coi nghề mầm non là một nghề bất đắc dĩ phải làm và có thể dễ dàng làm khiến bất kể ai chỉ cần bỏ ra đôi ba triệu đồng, học 2, 3 tháng lấy chứng chỉ là đã có thể “hành nghề” trông trẻ.

Một nghề cần đến cái tâm với trẻ mà lại thiếu vắng sự yêu thương, một nghề cảm xúc cần được kiểm soát bằng những kỹ năng sư phạm mà lại thiếu vắng sự trui rèn. Bạo hành là điều có thể đoán trước.

Khi phụ huynh thu nhập thấp, gửi con với “giá rẻ” và trường công lập còn quá thiếu so với nhu cầu thì việc yêu cầu họ có đủ sự lựa chọn sáng suốt để tìm đến những cơ sở đảm bảo vẫn là chuyện “nói thì dễ”.

Trong lúc này, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non và kiên quyết xử lý khi có vi phạm chứ không thể “mắt nhắm mắt mở” và phạt “lấy lệ”.

Nhưng điều căn cốt phải làm đó là sớm rà soát quy hoạch, xây dựng thêm những trường mầm non ở các khu vực đông dân cư. Cùng với đó, cũng cần thêm những chính sách khuyến khích xã hội cùng chung tay đầu tư có chất lượng cho giáo dục mầm non, san sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Công điện hỏa tốc số 126 về việc tập trung kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng trường học tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp. Có thể sẽ sớm có thêm những trường, lớp học mầm non trong thời gian tới.

Nhưng vẫn cần thêm những chính sách tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng, sử dụng làm sao để bù đắp sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên, người chăm sóc trẻ có chất lượng, đủ về bằng cấp chứng chỉ và đủ cả tâm với nghề giáo dục mầm non. Làm sao để nghề mầm non không phải là nghề “bất đắc dĩ”?