Nghị quyết 88 của Quốc hội ra đời năm 2014 với mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông, chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực cho học sinh.

Những người thầy giỏi, tâm huyết đã đánh giá Nghị quyết 88 là bước “cởi trói” cho ngành Giáo dục. Quan điểm phát triển năng lực người học mở ra hy vọng thầy cô được tự do sáng tạo, không phải chăm chăm vào một bộ SGK mà có thể dạy học dựa trên nhiều tài liệu học tập.

Cách dạy học lấy chương trình là pháp lệnh và chỉ coi SGK là tài liệu vốn đã được những người thầy giỏi thực hiện từ lâu, không chờ đến khi đổi mới. Bởi vậy, chương trình 2018 vừa cởi trói cho họ vừa là cú hích đổi mới đối với đa số thầy cô chỉ quen dạy những gì có trong SGK.

Nhưng khi triển khai đổi mới, những triết lý, mục tiêu của Chương trình 2018 đã không được thông tin một cách đầy đủ và thuyết phục, thậm chí còn khiến phụ huynh và xã hội cảm thấy mơ hồ, phải đặt câu hỏi những vòng cải cách cứ lặp đi lặp lại phải chăng rồi sẽ lại chẳng đi đến đâu?

Trên thực tế, quá trình triển khai chương trình mới đã không suôn sẻ: từ bất cập trong triển khai dạy học tích hợp, thiếu trang thiết bị cho dạy học, năng lực của đội ngũ nhà giáo đến những hạt sạn trong nội dung SGK và cả những vấn đề trong quá trình phân phối, lựa chọn SGK…

Báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua cũng đã chỉ ra những bất cập trong biên soạn, thẩm định SGK, quy định về lựa chọn SGK chưa chặt chẽ, thống nhất, mức chiết khấu đối với SGK, sách tham khảo hiện nay quá cao nên giá SGK chưa hợp lý…

Bởi vậy, cùng với các giải pháp khác thì Báo cáo của Đoàn giám sát cũng như kết luận tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu tinh thần của Nghị quyết số 88 là Bộ GD-ĐT phải tổ chức biên soạn một bộ SGK đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12 bên cạnh các bộ SGK xã hội hóa. Sau đó, Công điện số 747/CĐ-TTg ngày 16/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT phải chuẩn bị nội dung một bộ SGK của Nhà nước.

Thời gian để viết một bộ SGK mới có thể đến 5 năm. Đã có những giải pháp được gợi ý như nên chăng, Bộ GD-ĐT mua lại bản quyền một bộ SGK của NXB Giáo dục rồi chỉnh sửa.

Giải pháp có thể có. Nhưng băn khoăn lớn nhất vẫn là khi đã có một bộ SGK của Nhà nước thì liệu còn địa phương nào, nhà trường nào chọn các bộ SGK xã hội hóa khi bệnh sợ trách nhiệm đang hiện hữu?

Và khi không được lựa chọn, số phận của những bộ SGK khác phải chăng đúng như cơ chế thị trường “tự sinh tự diệt”, để sự tồn tại cho một bộ sách độc quyền? Khi đó, chủ trương “một chương trình nhiều bộ SGK” đã được coi là đúng đắn rất có thể sẽ thất bại.

Cũng có thể có giải pháp cho thời điểm đã có thêm một bộ SGK của Nhà nước như yêu cầu các địa phương phải lựa chọn tối thiểu nhiều hơn một bộ sách hoặc những giải pháp nào khác nữa để chống thế độc quyền.

Nhưng ở thời điểm hiện nay, những nỗi lo không phải là không có cơ sở. Cùng với việc chuẩn bị một bộ SGK của Nhà nước thì đây là điều cần phải tính đến.

Con đường đổi mới đang nhiều chông gai, đôi lúc phải tìm thêm lối rẽ thì mới tiến được đến đích. Nhưng không lẽ vì những chông gai mà “Lối cũ ta về”?