Dịch bệnh căng thẳng, không ít địa phương trong cả nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong đó có cả hai đầu tầu kinh tế xã hội lớn của đất nước là thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội.

Giãn cách theo Chỉ thị 16 là gia đình cách ly với gia đình, là người dân chỉ ở yên trong nhà, hạn chế tối đa việc ra đường. Nhưng giãn cách để phòng chống dịch bệnh lây lan không đồng nghĩa với việc người dân không được phép có nhu cầu gì, đặc biệt là các nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Tôi còn nhớ, những ngày giãn cách xã hội toàn quốc khi dịch bệnh bùng phát năm 2020, tôi bị gãy cặp kính cận. Không có kính với một người cận nặng thật khó để sinh hoạt, làm việc bình thường. Kính cận khi đó, với tôi, quả là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu nhưng cả online, cả dạo phố, tôi vẫn không thể nào có được cặp kính mới để làm việc. Nhưng dù sao, đó chỉ là 1 cặp kính, không có thì khó đấy nhưng cũng có thể khắc phục bằng việc đeo cặp kính râm cận để làm việc trong nhà. Thế nhưng, những ngày giãn cách gần đây, người dân vừa hoang mang vừa bất bình trước những vụ việc nhận phiếu phạt, tịch thu phương tiện vì “lỗi” đi mua bánh mỳ, mua bao cao su bởi "không phải hàng hóa thiết yếu". Rồi nữa, đồ uống, sữa không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được chuyển đến đại lý, trong khi có thời hạn sử dụng ngắn...Nếu tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, hàng hóa không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, doanh nghiệp khó tránh được thiệt hại và chẳng biết kêu ai...

Khoản 3 điều 4 Luật Giá năm 2012 quy định: hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, định nghĩa về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu này chỉ là để giúp cơ quan nhà nước điều tiết, bình ổn giá còn trên thực tế, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể, chi tiết các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Đến nay, mới chỉ có Công văn số 2601/2020 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 16, nêu một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu. Dựa trên hướng dẫn này, từng địa phương theo tình hình thực tế sẽ ra danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chi tiết được phép kinh doanh, sản xuất.

Quy định là vậy, nhưng dĩ bất biến mà ứng vạn biến. Nếu lãnh đạo địa phương không bao quát, người thực hiện quy định không linh hoạt thì sẽ gây khó cho cả doanh nghiệp, cả người dân, dẫn đến bất bình không đáng có trong dư luận. Dịch bệnh bùng phát, điều cần nhất bây giờ là tất cả đoàn kết, bình tĩnh, đồng lòng để cùng nhau vượt qua nhưng chỉ cần một vướng mắc nhỏ không thông suốt là mọi công sức cũng có thể đổ ra sông, ra biển. Nhưng cũng chỉ cần sự nhạy bén, linh hoạt, sáng suốt của người lãnh đạo địa phương, mọi chuyện lại có thể thông đồng bén giọt.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ông Lâm Minh Thành chỉ đạo lưu thông hàng hóa không cần đúng danh mục. Theo ông Thành, danh mục là để tham khảo, chốt lập ra là để kiểm soát, ngăn chặn người cố tình đi lại không cần thiết. Việc đi chợ nào, mua cái gì, mua bao nhiêu là quyền của người dân. Họ phải ăn, uống mới sống được, cho nên không được cứng nhắc khi áp dụng, mà phải linh động, phải hiểu nhu cầu thực tế của người dân. Chống dịch chặt chẽ nhưng không được ngăn sông, cấm chợ, tinh thần đó của Chính phủ đã được thể hiện trong chỉ đạo linh hoạt, nhạy bén này của một người đứng đầu địa phương.

Thực tiễn sẽ giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo có thêm những bài học kinh nghiệm. Mỗi địa phương có hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, nhưng sự không máy móc, đầy sáng tạo và quyết đoán sẽ giúp ích cho cộng đồng vượt qua sự khó khăn vì dịch bệnh mà tiếp tục phát triển. Vậy nên hàng hóa có thiết yếu hay không, có lẽ phụ thuộc nhiều vào sự thiết thực bám sát thực tế của người lãnh đạo, quản lý. Còn với những cá nhân có ý thức công dân, đồng lòng cùng Chính phủ chống dịch, tôi tin rằng, nếu không có lý do chính đáng, sẽ chẳng ai ra đường để rồi không may nhiễm bệnh và lây lan cho người khác. Bạn như tôi, chắc hẳn không ai muốn mình trở thành bệnh nhân Covid-19 phải điều trị.