Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường”.

Điều đó có thể khẳng định, việc Quốc hội họp bất thường là việc bình thường và hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp. Những kỳ họp bất thường của Quốc hội chủ yếu để xem xét và giải quyết những vấn đề, nhiệm vụ cấp bách, những việc không thể trì hoãn, không thể chờ đến kỳ họp thường lệ.

Hai năm trước, Kỳ họp bất thường lần đầu tiên diễn ra trong bối cảnh cần giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid - 19. Đây là những vấn đề nếu để đến kỳ họp thường lệ vào tháng 5 mới bàn thảo thì rất có thể làm lỡ mọi thời cơ.

Thực tế cho thấy, những quyết sách kịp thời, đúng và trúng được thông qua tại phiên họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội đã góp phần quan trọng để biến "nguy" thành "cơ", đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức do hai năm cả nước dốc toàn lực phòng, chống dịch Covid - 19, đưa đất nước tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả rất đáng tự hào trong năm 2022, làm tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.

Kỳ họp bất thường lần đầu tiên được xem là quyết định lịch sử, khẳng định bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội, khẳng định Quốc hội luôn nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích nhân dân.

Từ thành công của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã tổ chức tới nay là 4 Kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các nội dung quan trọng, cấp bách, bảo đảm phản ứng kịp thời trước những yêu cầu đặt ra của đất nước.

Riêng năm 2023, Quốc hội đã tổ chức số lượng kỳ họp nhiều nhất trong một năm, với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường (lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4). 3 kỳ họp bất thường này đã xem xét, quyết định 84 vấn đề lớn, quan trọng, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, góp phần ổn định và phát triển đất nước, tạo tiền đề thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, công tác nhân sự tại Kỳ họp bất thường thứ ba và thứ tư của Quốc hội đã nhận được sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước.

Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ được khai mạc vào ngày 15/01/2024. Theo dự kiến, tại kỳ họp lần này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (theo trình tự, thủ tục rút gọn) và Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Và có lẽ, trong tương lai, Quốc hội sẽ tiếp tục tổ chức những kỳ họp bất thường như vậy, để hướng tới một Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp hơn nữa, thể hiện sự tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Quốc hội trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước, khẳng định Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan thường xuyên lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, không ngừng nỗ lực, quyết tâm đổi mới, lập pháp góp phần kiến tạo để phát triển nhằm kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra.

Dù bất thường, song công tác chuẩn bị luôn được tiến hành bài bản, khẩn trương theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Kỳ họp bất thường chỉ giải quyết những vấn đề cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng theo quy trình, quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận cao. Bất thường chỉ là tiến độ chứ không hy sinh chất lượng, coi nhẹ nội dung. Vấn đề cấp bách mà chưa chuẩn bị kịp thì đưa vào phiên thường kỳ, đó là nguyên tắc”.

Các kỳ họp bất thường cho thấy quyết tâm, quyết liệt thể hiện đúng tinh thần Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội đại diện cho ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường đã khẳng định thông điệp về một Quốc hội luôn đổi mới, hành động quyết liệt vì lợi ích của nhân dân.

Những kỳ họp "bất thường" đang dần trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, khi thực tiễn cuộc sống có những biến chuyển hết sức nhanh chóng thì việc tổ chức các kỳ họp bất thường là rất cần thiết để Quốc hội kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền, phục vụ tốt nhất lợi ích của đất nước và nhân dân.