Lâu nay chúng ta vẫn hay nhắc tới cụm từ "minh bạch, liêm chính" trong các hoạt động công quyền của Nhà nước. Thế nhưng liêm chính trong ban hành văn bản pháp luật, trong xây dựng chính sách, tuy tình trạng tiêu cực không quá phổ biến và khó nhận diện, nhưng gây ra hậu quả không nhỏ cho việc xây dựng và thực thi Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế, xã hội.

Thời gian qua, đã có không ít văn bản vừa ban hành đã phải thu hồi do để lọt những quy định pháp luật mang tính lợi ích nhóm rõ ràng, phải sửa đổi nhiều lần. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã phải hoãn thi hành để sửa đổi bổ sung. Nhiều văn bản dưới luật mà tuổi đời chỉ có một vài ngày hoặc ban hành xong chưa kịp thực thi đã phải thu hồi, không phải là chuyện hiếm.

Năm 2018, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) - Bộ Tư pháp đã đưa ra con số giật mình: 5.639 văn bản trái pháp luật. Trong số này, 1.236 văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 574 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Năm 2019, riêng tại Bộ Tư pháp, Cục Kiểm tra VBQPPL cũng đã phát hiện, kết luận và kiến nghị xử lý đối với 165 văn bản có quy định trái pháp luật (13 văn bản cấp bộ và 152 văn bản cấp tỉnh).

Có thể nói, lợi ích nhóm là vấn đề nổi cộm. Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật và thực thi chính sách, lợi ích nhóm bản chất là hành vi tham nhũng và có mối quan hệ chặt chẽ với tham nhũng. Việc cố tình đưa vào các đạo luật những quy định mà khi thực hiện sẽ đem lại lợi ích không chính đáng cho một số tổ chức, cá nhân nhất định. Điều này đặc biệt nguy hiểm, vì nó tạo căn cứ pháp lý bảo vệ cho hành vi tham nhũng có hệ thống.

Thế nhưng, xây dựng chính sách liên quan tới nhiều cấp, nhiều nội dung, vấn đề trong một văn bản pháp luật, để nói rằng có lợi ích nhóm hay không và lợi ích nhóm như thế nào, không phải là chuyện đơn giản. Thực tế đã cho thấy, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật tuy không phải phổ biến nhưng xảy ra ngày càng nhiều hơn khi lợi ích kinh tế lớn hơn, các vấn đề điều chỉnh ngày càng phức tạp hơn khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Nếu thiếu và không có sự liêm chính, đặc biệt là không có sự liêm chính trong quá trình soạn thảo, thẩm tra, sẽ tạo ra những văn bản pháp luật nhiều khuyết tật, gây bức xúc trong cộng đồng và những vướng mắc không đáng có trong quá trình thực thi chính sách sau khi văn bản được ban hành.

Ban hành ra rồi lại thu hồi hay ban hành ra lại phải chỉ đạo, nghiên cứu, sửa chữa, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nguy hại hơn là làm mất lòng tin của doanh nghiệp, của người dân vào sự liêm chính của cơ quan Nhà nước.

Để khắc phục bất cập này, trước hết, Chính phủ và đặc biệt cơ quan soạn thảo cần có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Khâu phân tích chính sách trước khi thông qua các văn bản pháp luật là vô cùng quan trọng. Quốc hội cần nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra với yêu cầu tập trung trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần dám đấu tranh, dám phản biện của các đại biểu Quốc hội.

Ngoài ra, cần đề cao trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách, cương quyết xử lý những hành vi thông đồng, cố tình "cài cắm" vào các văn bản pháp luật những quy định để trục lợi cá nhân. Bên cạnh đó, cần đề cao hơn nữa việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, những chủ thể chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Đặc biệt, cũng cần sớm hoàn tất quá trình Chính phủ số, làm minh bạch hóa tất cả các quy trình để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình mà không phải trả những chi phí phi chính thức.

Liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội, thúc đẩy quan hệ xã hội phát triển ngày càng lành mạnh và tốt đẹp hơn.