Những năm gần đây, thực trạng ngôn ngữ (cụ thể là tiếng Việt) đang có nhiều biểu hiện lộn xộn, lệch lạc, làm ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt. Cảnh huống ngôn ngữ, thực trạng ngôn ngữ và nhu cầu hiện tại cho thấy, việc xây dựng và ban hành Luật Ngôn ngữ là cần thiết.

Chúng ta đã có rất nhiều luật, nhưng một luật liên quan tới "quốc hồn, quốc tuý" là Luật Ngôn ngữ lại chưa có. Thực tế, cách đây hơn 1 năm (2019), từ đề xuất của Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (khóa XIV) đã triệu tập các cơ quan hữu quan (Hội Ngôn ngữ học, Viện Ngôn ngữ học, một số khoa ngữ văn, khoa ngôn ngữ của các trường đại học, một số cơ quan truyền thông tiêu biểu, một số chuyên gia...) để bàn, lên kế hoạch cho việc đề xuất, xây dựng Luật Ngôn ngữ để trình Quốc hội khóa XIV.

Tiếc là thời gian còn ngắn nên việc triển khai chưa thực hiện được. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên môn ngôn ngữ học cũng đã xúc tiến các công việc chuẩn bị. Để có một văn bản dự thảo trình Quốc hội, chắc chắn có rất nhiều công việc phải làm, từ khâu đề xuất đến việc lên kế hoạch, quy trình, các bước chuẩn bị. Những việc đó liên quan tới nhân sự, đến việc khảo sát thực tế (trong và ngoài nước), rồi tổ chức các hội thảo - toạ đàm, trao đổi, xin ý kiến và tiếp đó là soạn Dự thảo Luật trình Quốc hội (mỗi công đoạn đều mất nhiều thời gian, ngay cả khi đã lên được khung Dự thảo thì việc Quốc hội họp thông qua cũng không thể nhanh).

Nhiều người cho rằng, phải có Luật Ngôn ngữ để có căn cứ bắt lỗi ai đó trong cộng đồng sử dụng chưa đúng, chưa chuẩn khi nói năng. Họ yêu cầu phải có một "cẩm nang" ngôn từ để từ đó đối chiếu với hiện thực nói và viết tiếng Việt. Ai nói sai (mắc lỗi) sẽ bị phạt (như Công an giao thông phạt người đi đường phạm luật) thì mới đủ sức răn đe những người thiếu trách nhiệm, làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt, tránh được hiện tượng "mạnh ai người ấy nói". Ngay cả báo chí hiện nay cũng đang tồn tại cảnh "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Chẳng có cơ quan nào đứng ra làm "trọng tài" cho công việc này cả.

Nhưng Luật Ngôn ngữ không chỉ để tránh tình trạng "mạnh ai người ấy nói".

Thực tế, nội dung Luật Ngôn ngữ rộng, đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Đó là vấn đề liên quan tới chính sách ngôn ngữ và các quyền cơ bản liên quan tới ngôn ngữ nói chung.

Việt Nam có 54 dân tộc. Ít nhất là sẽ có 54 ngôn ngữ, tiếng nói (vì có ngôn ngữ tồn tại vài thứ tiếng riêng biệt, khác nhau). Do đó, có mấy vấn đề căn bản mà Luật Ngôn ngữ nước ta phải quan tâm:

Một là, phải thể hiện sự tôn trọng và quyền bình đẳng đối với mọi ngôn ngữ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cần nói rõ hiện nay Việt Nam có bao nhiêu ngôn ngữ, tên gọi chính xác là gì. Ví dụ, chọn biến thể nào trong các biến thể: Mèo, H'Mông, Hơ Mông, Mông; Khmer hay Khơ Me; Tày - Nùng hay Tày, Nùng... Nhà nước có trách nhiệm bảo tồn, phát triển sự đa dạng ngôn ngữ các dân tộc. Luật cũng quy định trong trường hợp nào được sử dụng ngôn ngữ dân tộc.

Hai là, trong một quốc gia nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ, phải lựa chọn và khẳng định, ngôn ngữ nào là Ngôn ngữ Quốc gia (Natinal Language), tức "quốc ngữ" (bao gồm tiếng nói và chữ viết), được sử dụng chính thức trong giao tiếp và trong mọi văn bản hành chính nhà nước, trong hệ thống giáo dục, trong sách vở, báo chí - truyền thông - quảng cáo, trong các văn bản khoa học, văn học nghệ thuật, v.v.

Điều 5, Khoản 3, Hiến pháp năm 2013 đã nêu: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.

Tuy nhiên, điều khoản này chưa được "luật hoá" thành Ngôn ngữ Quốc gia (vì chưa có Luật Ngôn ngữ).

Ba là, phải định chế rõ trách nhiệm và quyền lợi của mọi công dân trong việc thực thi Luật Ngôn ngữ. Thí dụ một người thuộc dân tộc thiểu số (người Bahnar chẳng hạn) có quyền nói ngôn ngữ dân tộc họ, nhưng khi đi học hoặc giao tiếp cộng đồng phải sử dụng ngôn ngữ chính thức là tiếng Việt, văn bản các cơ quan công quyền gửi tới đương sự cũng phải là tiếng Việt.

Bốn là, phải quy định, luật hoá và có các nội dung cần thực hiện các vấn đề liên quan tới ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt). Cụ thể là: bảng chữ cái tiếng Việt chuẩn, hệ thống từ vựng chuẩn, chính tả (cách viết chuẩn giữa chính âm và chính tả, dựa trên âm và giọng chuẩn mực), cách viết tên riêng (nhân danh, địa danh...), cách viết tên nước ngoài, cách viết tắt, v.v.

Năm là, phải luật hoá và đưa vào chế tài thực hiện Luật Ngôn ngữ đối với mọi công dân (và cả người nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam). Những chế tài này liên quan tới mức độ phạm lỗi và mức độ xử phạt (tuỳ theo, có thể bị phạt tiền hay bằng các hình thức nặng hơn). Trong đó, dĩ nhiên, phải nói rõ những cơ quan nào có chức trách và quyền hạn bắt lỗi và phạt lỗi.

Tất nhiên, có vấn đề được đưa vào nội dung văn bản luật và có những vấn đề (cụ thể, chi tiết) sẽ đưa vào văn bản dưới luật. Điều này sẽ được xem xét và thực hiện sao cho phù hợp trong quá trình xây dựng Luật Ngôn ngữ.

Cần khẳng định lại một lần nữa, việc cho ra đời Luật Ngôn ngữ là cần thiết. Hiện nay, các nhà ngôn ngữ đang cân nhắc để đề xuất tên gọi chính thức. Tên gọi đó có thể là Luật Ngôn ngữ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.