Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất bản đầu tháng 2/2022 thu hút sự quan tâm sâu sắc của giới nghiên cứu, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Cuốn sách dày gần 500 trang tập hợp 29 bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong thời gian chuẩn bị các văn kiện của Đại hội XIII và hơn một năm sau Đại hội XIII thành công tốt đẹp. Đây là một công trình nghiên cứu rất có giá trị về lý luận và thực tiễn đề cập những vấn đề thiết yếu, quan trọng của Đảng, tập trung ở định hướng đúng đắn và sáng rõ về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tập trung trí tuệ, công sức để nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam cả trong giành quyền, đấu tranh chống thực dân đế quốc và xây dựng phát triển đất nước, tiếp thu tinh hoa từ lý luận và thực tiễn của các Đảng Cộng sản của nhiều nước, vận dụng sáng tạo vào điều kiện của Việt Nam để hình thành nên các công trình nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng, vai trò và trách nhiệm của Đảng lãnh đạo, hoàn thiện Nhà nước XHCN và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Chính vì thế, công trình này có tính sáng tạo và đặc thù của Việt Nam, có thể coi là một học thuyết về CNXH của Việt Nam.

Trong 29 bài viết trong tập sách đã xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập hầu hết các vấn đề thiết yếu của Đảng và đất nước hiện nay. Đó là vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng là khâu then chốt của then chốt, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, Đảng trong sạch vững mạnh là yếu tố quyết định mọi thắng lợi. Tổng Bí thư đã có sự tìm tòi sáng tạo đề cập các vấn đề về việc đổi mới và hoàn thiện thể chế chính trị của nước ta không rập khuôn của bất cứ mô hình nào, trọng tâm là xây dựng nhà nước pháp quyền XHCH do dân, của dân và vì dân. Về vấn đề rất mới là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nhiều người còn mơ hồ hoặc thiếu niềm tin, Tổng Bí thư đã đề cập các đặc trưng cơ bản, vấn đề cốt lõi là nền kinh tế thị trường vừa vận hành theo đúng quy luật tự nhiên, đồng thời phải bảo đảm phát triển kinh tế gắn với công bằng và an sinh xã hội, có sự điều tiết của Nhà nước ở từng thời điểm và từng lĩnh vực cụ thể. Về vấn đề bỏ qua chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ quá độ tiến lên CNXH, Tổng Bí thư chỉ ra, không phải là bỏ qua tất cả mà bỏ có chọn lọc, bỏ những điểm xấu, bất cập của chủ nghĩa tư bản mà vẫn tiếp thu những mặt tốt, tiến bộ của chủ nghĩa tư bản.

Cuốn sách dành phần quan trọng cho việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, coi văn hoá là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển và tiến bộ xã hội. Nhấn mạnh những thành tựu nổi bật của hơn 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư chỉ ra đổi mới là một sáng tạo của Đảng ta. Nhờ đổi mới đã đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn thử thách, ổn định chính trị, kinh tế phát triển, an ninh quốc phòng được giữ vững và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Trong xu thế hợp tác quốc tế và toàn cầu hoá, Đảng ta kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá và đa phương hoá, Việt Nam chủ động và tích cực, tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, thực hiện tốt các cam kết song phương và quốc tế.

Phần quan trọng nhất của các công trình nghiên cứu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bài viết về con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, các vấn đề về CNXH được chỉ ra đúng đắn, cụ thể, sáng rõ và đầy tính thuyết phục. Trong các bài viết của Tổng Bí thư đã giải quyết các vấn đề CNXH là gì, vì sao Việt Nam lựa chọn CNXH, làm thế nào và bằng cách nào, chúng ta từng bước xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Thực ra trong các văn kiện Đại hội Đảng, nhất là các văn kiện từ Đại hội VI mở đầu công cuộc đổi mới đến Đại hội XIII, Đảng ta đã nêu các quan điểm định hướng về CNXH. Tuy nhiên, nhận thức là một quá trình, phải xuất phát từ thực tiễn của công cuộc đổi mới và nhũng vấn đề đặt ra trong xây dựng và phát triển đất nước, nhận thức về CNXH, những đặc trưng cơ bản và định hướng, mục tiên và con đường đi đến CNXH mới đến độ chín và hoàn thiện.

Tương lai CNXH mà Việt Nam hướng tới là một xã hội có 5 tiêu chí: Tất cả sự phát triển là vì con người, con người là trung tâm của sự phát triển. Phát triển kinh tế đi đôi, gắn liền với công bằng và an sinh xã hội. Sống nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng hướng tới các giá trị tiến bộ và nhân văn. Phát triển hài hoà, bền vững với thiên nhiên, bảo đảm đời sống trong lành cả hiện tại và tương lai. Hệ thống chính trị mà quyền lực thuộc về nhân dân. Chúng ta xây dựng một xã hội như thế, đó chính là CNXH hiện thực ở Việt Nam.

Xây dựng CNXH là một quá trình lâu dài chia ra nhiều giai đoạn với những bước đi và các giải pháp thực hiện. Đảng ta đã xác định các mục tiêu cụ thể gắn với các mốc thời gian 5 năm, 10 năm và dài hạn, được định vị vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và 100 năm ngày khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà năm 2045.

Trần Nhung - nguyên Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh