Lâu nay, chắc không ai còn lạ chuyện các nghệ sĩ lớn, có tên tuổi đứng ra làm từ thiện để kêu gọi sự chung tay của cộng đồng sau mỗi lần xảy ra thiên tai, dịch bệnh…

Hành động đó đáng trân quý biết bao…Họ như chiếc cầu nối, để công chúng, người hâm mộ gửi trọn niềm tin làm những việc tử tế, thiện nguyện….

Vâng, làm từ thiện là cho đi, nhưng trong thực tế, lại không đơn giản, dễ dàng. Nếu chỉ có tâm thôi thì chưa đủ.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, được công chúng gửi gắm, sau khi làm thiện nguyện đã dính tới những lùm xùm xung quanh chuyện công khai, minh bạch việc sử dụng nguồn tiền quyên góp được như thế nào, thậm chí có cả nghi ngờ việc họ “biển thủ” số tiền ấy cho cá nhân…

Danh hài Hoài Linh, vào thời điềm này, có lẽ là cái tên được dư luận cũng như cộng đồng mạng nhắc đến nhiều nhất. Nghệ sĩ này đã kêu gọi quyên góp từ người hâm mộ, cộng đồng mạng số tiền hơn 13 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ lịch sử năm ngoái.

Cứu trợ khẩn cấp là cần ngay lập tức. Bất cứ ai khi đặt niềm tin vào nghệ sỹ Hoài Linh để gửi trao những số tiền nhỏ cũng đều muốn được trao tận tay đồng bào trong lúc “nước sôi lửa bỏng”. Nhưng tiếc thay, hơn nửa năm trôi qua, khi mà người dân miền Trung đã vượt qua bao nghiệt ngã, ổn định cuộc sống thì số tiền cứu trợ ấy vẫn nằm im trong tài khoản của anh…

Cứu trợ khẩn cấp mà chậm chễ như vậy liệu còn bao nhiêu ý nghĩa?

Dù nghệ sĩ Hoài Linh đã chính thức lên tiếng giải thích lý do của việc giữ số tiền quyên góp ấy lâu như vậy nhưng đó là sự lên tiếng sau 6 tháng im lặng. Vì thế, khó lòng được dư luận chấp nhận hay cảm thông … Cũng chính sự im lặng, nhập nhèm này, khiến một lần nữa, công chúng đặt dấu hỏi nghi ngờ về tính minh bạch, về cái tâm thiện trong sáng và cả về niềm tin được trao gửi cho nhưng nghệ sỹ được ái mộ, tin tưởng như danh hài Hoài Linh.

Khỏi phải nói sự thất vọng của những người hâm mộ nghệ sỹ Hoài Linh đã lên đến đỉnh điểm như thế nào…Điều đó được chứng minh ngay tại phiên livestream của bà Phương Hằng tố cáo danh hài Hoài Linh “biển thủ” tiền từ thiện kéo dài trong hơn 3 tiếng đồng hồ đã thu hút số lượt người theo dõi vô cùng lớn. Chưa biết đúng sai thế nào nhưng sự việc này khiến cho niềm tin của công chúng bấy lâu nay bị tổn hại nghiêm trọng.

Thực ra những rắc rối tương tự không phải chưa từng xảy ra trong giới nghệ sỹ. Trước đó không lâu, ca sỹ Thủy Tiên cũng bị cộng đồng mạng "lên án" gay gắt về sự thiếu minh bạch và làm từ thiện không đúng cách trong chuyến đi cứu trợ miền Trung. Và hiện tại, câu chuyện nghệ sỹ Trấn Thành đã chuyển số tiền 4,7 tỷ cho ca sỹ Thủy Tiên để ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung hay chưa, cũng đang gây ồn ào trong dư luận.

Một câu hỏi đặt ra là, liệu khi đã có tên tuổi, tiền của không thiếu thì những người nổi tiếng ấy có cần tư lợi từ làm từ thiện hay không? Hay một nghệ sỹ lớn như Hoài Linh liệu có đáng không khi "bán rẻ" niềm tin của khán giả để “ăn chặn” số tiền hơn 13 tỷ đồng?

Có lẽ thật khó trả lời chính xác cho từng trường hợp. Nhưng một điều không thể phủ nhận, đó là hầu hết các nghệ sỹ tham gia các hoạt động thiện nguyện trong thời gian qua chủ yếu chỉ là theo kiểu tự phát, tùy hứng, thiếu kế hoạch và đặc biệt là thiếu sự chuyên nghiệp.

Đó là chưa kể, phía các cá nhân, nhà hảo tâm khi quyên góp tiền ủng hộ chỉ với một niềm tin đơn thuần mà chẳng cần xác minh hay kiểm chứng độ tin cậy của người mà mình trao gửi. Thậm chí, cũng chẳng có một thỏa thuận nào với người đứng ra quyên góp về việc sử dụng đồng tiền ủng hộ ra sao, thời điểm nào cần hoàn tất...Tất cả đều làm rất tùy hứng.

Phải chăng sự thiếu chuyên nghiệp từ cả người đứng ra quyên góp và người ủng hộ khiến câu chuyện nghệ sỹ làm từ thiện bị đặt trong những tình huống dở khóc, dở cười, hình ảnh của cá nhân nghệ sỹ bị tổn hại nhưng đáng buồn hơn, nó làm xói mòn lòng tin về những điều tốt đẹp, trong sáng.

Ở một góc độ nào đó cũng cần phải nói thêm, hoạt động từ thiện tự phát từ trước đến nay dường như đang bị thả nổi theo kiểu mạnh ai nấy là, mà không hề có sự kiểm soát từ các cơ quan chức năng.

Bởi vậy, đã đến lúc cần phải đặt vấn đề một cách nghiêm khắc hơn về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thiện nguyện cùng với hệ thống pháp luật, quy định đầy đủ, chuyên nghiệp. Có như vậy mới không ai có thể trục lợi từ lòng tốt của người khác và cũng không một nghệ sỹ nào dám mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi…

Chữ "tín - niềm tin", rất cần có để xóa tan mọi nghi ngờ và búa rìu của dư luận. Nhưng pháp lý lại chính là các thiết chế để bảo vệ lòng tin, đồng thời tạo cơ chế để bảo vệ quyền lợi và tránh được các rủi ro làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, niềm tin của các nghệ sĩ cũng như bất cứ ai đứng ra kêu gọi làm thiện nguyện.