Được dẫn lời trên truyền thông chia sẻ về quyết định chia tay sớm 1 năm của Quang Hải với Pau FC, Chủ tịch CLB, Bernard Laporte Fray, nhấn mạnh: "Mặc dù Quang Hải là một cầu thủ có những phẩm chất không thể phủ nhận, nhưng Ligue 2 là giải đấu đòi hỏi lớn về sức mạnh và sự quyết tâm. Thể hình của Quang Hải đã không giúp ích cho cậu ấy".

Trước hết, phải khẳng định rằng hợp đồng của Quang Hải với Pau FC dựa trên quan hệ win-win (hai bên cùng thắng)

Theo thống kê, Quang Hải có 12 lần ra sân ở Ligue 2 (thi đấu tổng cộng 255 phút) và ghi 1 bàn thắng. Pha lập công duy nhất của anh được ghi trong trận hòa 2-2 trước Rodez tại Ligue 2.

Ở cúp quốc gia Pháp, tuyển thủ Việt Nam ra sân 1 trận (thi đấu 14 phút) không có bàn thắng hay kiến tạo nào.

Như vậy, sau 1 mùa giải thi đấu cho đội bóng miền Nam nước Pháp, Quang Hải được ra sân 269 phút (tính riêng ở đội 1), ghi 1 bàn.

Trước đó, trang Salary Sport tiết lộ, ngôi sao sinh năm 1997 nhận mức lương 680 bảng/tuần (19,98 triệu đồng), tương đương hơn 1 tỷ VND/năm.

Ở khía cạnh chuyên môn, có lẽ, Pau FC đã phải trả giá khá đắt để mang về một cầu thủ không cống hiến được nhiều cho đội bóng. Điều này đặc biệt đau đầu với HLV Didier Tholot, trong bối cảnh, đội bóng ngay từ đầu mùa đã phải xác định mục tiêu: trụ hạng!

Đổi lại, Pau FC trở thành cái tên quen thuộc, ít nhất là ở Việt Nam, và trên bình diện rộng hơn một chút là khu vực Đông Nam Á.

Hiếm có một đội bóng hạng 2 (tương đương với giải hạng Nhất ở các quốc gia khác) nào như Pau FC được một nhà Đài truyền hình tại Việt Nam, mua bản quyền và tường thuật riêng các trận đấu, từ đầu cho tới cuối mùa ở Việt Nam, chỉ có PSG ngang hàng với Pau FC ở khía cạnh đó.

Không có một đội bóng hạng 2 nào như Pau FC bỗng nhiên có thêm cả triệu followers trên fan page sau 1 đêm, từ khi sở hữu Quang Hải.

Không có một đội bóng hạng 2 nào như Pau FC có riêng 1 tờ báo (giấy) chuyên đưa tin, 1 team truyền thông chuyên theo dõi và vô số tờ báo trực tuyến (châu Á và Âu) chuyên cập nhật mọi diễn biến tập luyện, thi đấu, kết quả cho tới sinh hoạt bên lề sân cỏ của cầu thủ đội bóng này, bằng hình thức text, ảnh, audio và video.

Nói như vậy để thấy, nếu coi hợp đồng Quang Hải- Pau FC chỉ mang tính chất thương mại, Pau FC mới là người thắng trong thương vụ này, khi hình ảnh, tên tuổi, thông tin, không chỉ riêng đội bóng mà từng cầu thủ, từng tuyến thi đấu, từng ngóc ngách lịch sử CLB được “đào xới” lên và trở thành một thương hiệu quen thuộc của người hâm mộ, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả tại Pháp.

Quay lại câu chuyện chuyên môn, cá nhân Quang Hải chịu thiệt thòi vì thất bại trong thương vụ này, ít nhất ở khía cạnh chuyên môn.

Từ ngôi sao số 1 của đội tuyển quốc gia, Quang Hải trở thành “không xứng đáng được triệu tập lên Tuyển” vào thời điểm này, như lời tân HLV Philippe Troussier mới đây chia sẻ.

Vấn đề là, như phân tích của một cựu danh thủ và hiện đang làm việc cùng nhiều chuyên gia bóng đá châu Âu, Quang Hải đúng là không có thể hình tốt, nhưng quan trọng nhất, anh chơi bóng trong một môi trường tốc độ, thể lực, đòi hỏi va chạm hơn là tư duy, nhãn quan chiến thuật và kỹ năng xử lý bóng.

Ligue 2 là nơi mỗi đội bóng luôn có 2/3 số cầu thủ gốc Phi hoặc da màu thi đấu. Với riêng Pau FC, ở hàng tiền vệ, đội chỉ có 2 cầu thủ có vóc dáng tương đương Quang Hải (1m68): Steeve Beusnard (1m70) và Eddy Sylvestre (1m73). Và đây cũng là những người hiếm hoi được HLV Tholot sử dụng: Beusnard (37 trận/3008 phút), Sylvestre (34 trận/2068 phút).

Trong con mắt người viết, cũng là người tường thuật trực tiếp các trận đấu của Pau FC, Quang Hải hơn các đồng nghiệp ở khía cạnh kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật.

Vấn đề là, anh không “được phục vụ” như ở tuyển Việt Nam!

Khi phải đặt lên bàn cân so sánh, trong bối cảnh xét từ yếu tố chuyên môn cho đến quốc tịch, phong cách chơi bóng, mối quan hệ trong phòng thay đồ, “định vị” hợp đồng cầu thủ… Quang Hải thất bại, ở góc độ… số phút thi đấu!

“Giá như Quang Hải đến chơi bóng tại giải hạng 2 Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Hà Lan, hoặc thấp hơn một chút là các giải Nhật Bản, Thái Lan – nơi những giải đấu trọng dụng các cầu thủ kỹ thuật, chơi bóng chậm hơn, đòi hỏi ít thể lực và tốc độ hơn, có lẽ, anh ấy đã thành công!”, một cựu danh thủ Việt Nam chia sẻ.

Lời cảm thán đó cũng chính là “định vi” cho các cầu thủ Việt Nam nuôi ý định xuất ngoại thì nên tìm đến và nắm lấy cơ hội ở những nơi có khả năng tỏa sáng.

Quang Hải vẫn có thu hoạch nhất định, ở góc độ trải nghiệm, tâm lý, thế giới quan, để tỏa sáng trở lại, dù ở bất kỳ đội bóng Việt Nam hay tại những “môi trường chơi bóng” mới, bởi phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi!

Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng?

Cứ tạm thất bại đi vì cuộc đời cho phép!

Đi thật xa để trở về....

Và hơn thế nữa!