Tết đến, Xuân về là dịp để mỗi người tạm gác lại công việc cùng những bộn bề lo toan “cơm, áo, gạo, tiền”, cũng là dịp để những người con xa quê được trở về đoàn tụ, quây quần bên gia đình, người thân, cúng giỗ tổ tiên và cùng nhau đón chào một năm mới an lành.
Năm ngoái, chỉ còn vài ngày là đón Tết Tân Sửu 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình và nhiều tỉnh thành khác. Thời điểm đó, mỗi ngày số ca mắc mới được ghi nhận chỉ từ vài chục đến vài trăm người nhưng vì vaccine chưa phủ rộng nên nhiều người tỏ ra hoang mang, lo sợ. Họ chọn cách ở lại thành phố, nơi làm việc đón Tết để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình cũng là điều dễ hiểu.
Thời điểm này, khi Tết Nhâm Dần 2022 cận kề, dịch Covid-19 cùng với sự xuất hiện của biến chủng mới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, mỗi ngày có hàng nghìn ca mắc mới. Lo sợ dịch sẽ bùng phát, hàng loạt địa phương đã có thư ngỏ vận động người dân làm việc ở nơi có dịch không trở về "khi không thật sự cần thiết", hoặc ra quy định yêu cầu lao động nên về sớm để cách ly…Nhưng việc làm này lại gây phản ứng trong dư luận.
Nhiều người cho rằng, nó là quá mức cần thiết và có thể nói, thể hiện căn bệnh cố hữu “sợ trách nhiệm” cũng như sự bị động của địa phương khi phòng chống dịch trong bối cảnh “bình thường mới” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Ban hành Nghị quyết này, Chính phủ đã xác định chúng ta phải thích nghi và kiểm soát linh hoạt, hiệu quả trước diễn biến của dịch Covid-19. Nhà nước cũng đã cố gắng tìm nguồn vaccine cho người dân được tiêm 2 mũi, rồi 3 mũi để cuộc sống trở lại bình thường, làm việc bình thường và sống chung với dịch. Không lẽ những nỗ lực này, rốt cuộc, vẫn là để người dân bị cách ly, bị hạn chế đi lại, nhất là vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc?
Hắn chúng ta còn nhớ, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn thế giới, theo yêu cầu của Chính phủ, hàng trăm chuyến bay đã được tổ chức để đưa gần 30 nghìn công dân Việt từ hơn 50 quốc gia và vũng lãnh thổ về nước, trong vòng tay che chở của quê nhà. Ngay cả trong đợt dịch được coi là nhiều tổn thất, mất mát nhất trong lịch sử vừa qua, khi hàng triệu người lao động nhập cư hồi hương bằng đủ thứ phương tiện có được vì lo sợ đến sự an nguy và kế sinh nhai, sau những đắn đo ban đầu, Chính phủ cũng đã yêu cầu các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi tiếp nhận người lao động, người dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam trở về.
Trong những thời điểm điểm khó khăn nhất là như vậy. Còn bây giờ, đã chuyển từ giai đoạn “Zero Covid” sang sống chung với dịch bệnh. Không những thế, vừa mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, theo đó, không phải căn cứ trên số ca mắc mà trên số bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong, số người mắc có bệnh nền và số người đã tiêm vaccine...
Không chủ quan nhưng tình hình thực tế đã rất khác trước. Lẽ nào chính quyền địa phương lại không có biện pháp chống dịch linh hoạt theo chỉ đạo của Chính phủ? Lẽ nào lại vô cảm với nguyện vọng chính đáng của những người con của quê hương mình?
Đành rằng đây mới chỉ là thư ngỏ, là khuyến cáo nhưng động thái này đủ khiến người lao động xa quê cảm thấy buồn tủi, cảm giác mình như đứa con bị bỏ rơi, bị chối từ. “Quê nhà tôi ơi”- có lẽ, với họ, khi thốt lên, có chút vị đắng đót.
Đằng đẵng bao tháng ngày xa quê hương, phải trụ lại thành phố vì thực hiện giãn cách xã hội, Tết là cơ hội được trở về vui vầy bên gia đình. Nếu không được về quê, với người lao động, sẽ là cảm giác buồn tủi, cô đơn và khó tránh được suy nghĩ tiêu cực. Với cộng đồng, có thể sẽ gây nên hiệu ứng lan truyền với tâm lý kỳ thị người ở xa quê trở về địa phương.
Chủ trương chống dịch hiện nay của Chính phủ là rất rõ ràng, kiểm soát rủi ro chứ không "ngăn sông, cấm chợ". Thay vì vận động hoặc ra quy định làm khó người dân, tại sao chính quyền địa phương không đưa ra những thông điệp, tìm những biện pháp phù hợp hơn, vừa đáp ứng phòng chống dịch mà vẫn “có lý, có tình”?! Người dân sẽ cảm thấy ấm lòng khi có quê hương ở phía sau, vừa truyền cảm hứng tích cực để mỗi người dân có ý thức hơn, chung tay cùng Chính phủ phòng chống Covid-19, để Tết đến, Xuân về không chỉ an toàn mà ấm áp tình người.