Mới đây, hình ảnh một vị đại sứ Việt Nam chọn cho mình bộ trang phục áo dài, khăn xếp để mặc trong buổi trình quốc thư đã nhận được sự quan tâm từ dư luận với nhiều quan điểm khác nhau. Người khen - người chê, người ủng hộ - người phản đối. Và một lần nữa câu chuyện về Quốc phục Việt Nam lại được xới xáo. Quốc phục cho Việt Nam - nên hay không? Và giờ liệu đã phải là thời điểm thích hợp để đi tìm Quốc phục cho Việt Nam?

Thực tế là từ những năm 1996-1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng chỉ đạo Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) sớm ban hành quy định về Quốc phục. Rất nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu xung quanh vấn đề này đã được diễn ra. Nhiều người coi đây là vấn đề bức thiết, Việt Nam phải có Quốc phục. Song cũng có những ý kiến không đồng tình khi cho rằng, điều này là không cần thiết, là “phú quý sinh lễ nghĩa”… Rồi việc lựa chọn trang phục nào làm Quốc phục cho hợp lý, khi mà Việt Nam có tới 54 dân tộc anh em cùng chung sống?

Năm ngoái, vấn đề về Lễ phục, Quốc phục Nhà nước lại được xới lên vô cùng sôi động khi tại Nghị trường Quốc hội, bà Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu thành phố Hà Nội) đã có ý kiến về việc Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch nên nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội xem xét, xây dựng và ban hành luật về Quốc phục, Quốc hoa.

Nhiều người bảo, chẳng cần tìm kiếm đâu xa, Việt Nam đã có sẵn một bộ Quốc phục với đầy đủ những ý nghĩa lịch sử, hàm chứa nhiều giá trị về đời sống, con người Việt, đó chính là áo dài. Thực tế, chưa có bất cứ văn bản hay quy định nào công nhận áo dài là Quốc phục, vậy nhưng, như chúng ta đã thấy, trong bất cứ dịp lễ hội nào, hay trong những sự kiện quan trọng (cả trong nước và quốc tế) đều thấy sự xuất hiện của áo dài. Với người dân Việt Nam, áo dài thân quen và đầy tự hào, nên chẳng có gì lạ khi từ lâu nhiều người đã mặc nhiên xem áo dài như là Quốc phục.

Quốc phục chính là văn hóa, lịch sử, là niềm tự hào quốc gia và mang tính dân tộc cao. Quốc phục góp phần định danh văn hóa, cũng là cách để mỗi quốc gia quảng bá bản sắc, hình ảnh đất nước ra thế giới.

Quốc phục mang tính biểu trưng của quốc gia, vậy nên dẫu còn đó những băn khoăn, thì việc lựa chọn Quốc phục cho Việt Nam là điều cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay. Chỉ có điều, lựa chọn sao cho phù hợp mới là chuyện phải tính đến. Để thiết kế được một mẫu áo dài chuẩn cho cả nam và nữ lại là điều không hề đơn giản. Giữ nguyên các yếu tố mang tính cổ truyền hay thiết kế theo hướng vừa mang tính dân tộc, vừa có nét hiện đại... cho đến nay vẫn còn là những băn khoăn, tranh cãi.

Dẫu vậy, không thể vì khó quá mà bỏ qua. Phải chăng chúng ta chưa thực sự quyết tâm? Hay chúng ta đang thiếu cấp có thẩm quyền để đưa ra lựa chọn thuyết phục và khả thi? Có lẽ đã đến lúc cần phải tính toán nghiêm túc cho câu chuyện quốc phục, phải xây dựng các tiêu chí và lộ trình bài bản, nếu không, những bàn cãi sẽ vẫn mãi chỉ là trên giấy.