Lần đầu tiên ở nước ta, một Dự án luật liên quan đến quyền chuyển đổi giới tính của công dân được đưa vào bàn nghị sự của Quốc hội, đó là luật Bản dạng giới.
Đặc biệt hơn, Dự án luật này lại do một đại biểu Quốc hội trình bày tờ trình đề nghị xây dựng trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, khẳng định các dạng giới khác là một cấu phần tất yếu của xã hội bên cạnh hai giới tính truyền thống là nam và nữ.
Một Dự án luật có nội dung khó, "rất nhạy cảm” và ý kiến còn khác nhau nhiều về quan điểm, lại được đề nghị xây dựng ở thời điểm này, đủ thấy đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân, để đảm bảo cho họ được sống bình đẳng trong xã hội như mọi công dân với các dạng giới truyền thống thông thường khác.
Trên thực tế, những rào cản về văn hóa, xã hội và pháp lý đang đặt người chuyển giới thành nhóm dễ bị tổn thương, không dám công khai bản thân. Một nghiên cứu do mạng lưới Người chuyển giới châu Á - Thái Bình Dương đã được thực hiện tại Hà Nội cho thấy, người chuyển giới cảm nhận và tự xác định được bản dạng giới của mình ở độ tuổi rất trẻ, khoảng 12-14 tuổi. Nhưng phải đến ở độ tuổi trung bình là 17 tuổi, họ mới lần đầu dám chia sẻ về bản dạng giới với người khác.
Không được sống thật với bản dạng giới của chính mình, hầu hết người chuyển giới phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần như căng thẳng, mất ngủ kéo dài, rối loạn lo âu. Thậm chí, họ thường có suy nghĩ về việc tự tử khá sớm và tìm mọi cách để chấm dứt cuộc sống của mình.
Còn nhớ trong một chuyến công tác mới đây tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã từng gặp và trò chuyện với một người chuyển giới với cái tên rất đẹp, Nhất Linh. Chị là một người chuyển giới nhưng không phẫu thuật, không can thiệp về mặt y tế và cũng không sử dụng hoóc-môn.
Nhất Linh sinh ra với giới tính sinh học là nam, nhưng bắt đầu đến tuổi đi học, chị lại muốn được sống như một cô gái. Cứ như vậy tuổi thơ của chị là những chuỗi ngày sống trong dằn vặt, đau khổ để đi tìm câu trả lời “Tôi là ai?”… Tròn 18 tuổi, lần đầu chị thú nhận với mẹ rằng "Con muốn trở thành một cô gái". Nhưng cũng từ đây không những chị phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử, dị nghị của bà con lối xóm mà còn phải chịu đựng những trận đòn roi thừa sống thiếu chết từ chính cha đẻ của mình vì nghĩ chị bệnh hoạn. Cũng vì không chịu nổi những định kiến, phán xét như vậy đã tới 3 lần chị tìm cách tự tử, song không thành.
Nhờ có mẹ luôn bên cạnh an ủi, chia sẻ và đồng hành, chị đã từng bước trên hành trình trở về con người thật của mình. Nhưng với xã hội, để được mang cái tên con gái “Nhất Linh”, được để tóc dài, được diện những chiếc váy điệu đà lại không hề đơn giản. Hàng chục năm qua, cuộc đời của chị nước mắt nhiều hơn nụ cười và giờ đây ở cái tuổi gần 50, chị vẫn không công ăn việc làm, không nhà cửa, sống vạ vật ở một góc phố nhỏ... Chị chỉ có một ước mơ duy nhất là “Khi già chết đi mong nhận được giấy chứng tử là con gái…”.
Trong xã hội còn nhiều hơn thế những nỗi lòng của người chuyển giới. Với khát khao thay đổi cơ thể sinh học vốn có, không ít người lựa chọn phẫu thuật hoặc sử dụng hóoc môn và sẵn sàng chấp nhận biến chứng, thậm chí là cả tính mạng của mình để được sống đúng với giới tính thật. Nhưng việc để được là chính mình ấy, với họ cũng là muôn vàn trở ngại, khó khăn cả trong sinh hoạt lẫn lao động, học tập khi giữa ngoại hình và các giấy tờ tùy thân không có sự thống nhất.
Trước đây, khi Quốc hội khóa 13 thông qua bộ luật Dân sự vào năm 2015, thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính ở Việt Nam, cộng đồng người chuyển giới đã thật sự vui sướng và hy vọng. Nhưng đến nay, gần 10 năm trôi qua, những quy định ấy cũng vẫn chỉ dừng ở việc xác định nguyên tắc "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật". Người chuyển giới vẫn phải sống bên lề xã hội, không được học hành, không bằng cấp, không công ăn việc làm, không được chăm sóc sức khỏe....
Đã đến lúc cần thiết phải thừa nhận, không né tránh, trì hoãn trong việc xây dựng một dự án luật trên cơ sở cụ thể hóa quyền chuyển đổi giới tính nhằm đảm bảo quyền của một nhóm cộng đồng, dù nhỏ trong xã hội./.