“Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi” - đó là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt và cũng là mệnh lệnh của Đảng ta qua các thời kỳ. Điều này thêm một lần nữa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021: văn hóa soi đường - và hơn thế, văn hoá còn có nhiệm vụ chấn hưng đất nước.
Vậy soi đường thế nào, chấn hưng đất nước ra sao đây? Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà quá trình hội nhập và phát triển đất nước đã và đang kéo theo sự thay đổi nhanh chóng cùng những tác động to lớn tới hệ giá trị con người Việt Nam. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp tiếp tục được củng cố và phát huy thì những hành vi “lệch chuẩn” cũng xuất hiện ngày càng nhiều, dẫn đến xuống cấp về đạo đức, băng hoại về lối sống, nhân cách… Đến mức, không ít người bày tỏ sự quan ngại: Phải chăng chúng ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng các giá trị?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, trong đó có việc “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hoá, phản văn hoá; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ”.
Thực tế, các hành động nhằm bài trừ “rác” văn hoá, loại bỏ cái xấu, cái ác ra khỏi đời sống xã hội đã diễn ra mạnh mẽ trong năm qua. Hàng loạt sản phẩm “rác” văn hoá (đặc biệt trên không gian mạng) bị cơ quan chức năng xử phạt, mới đây nhất là vụ xử phạt chủ tài khoản Tiktoker Nờ Ô Nô ở TP.HCM về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”. (Trước đó, tài khoản Tiktoker có hơn 600.000 lượt theo dõi này đã bị khóa vì có nhiều clip gây phẫn nộ). Hay trước đó nữa, một loạt nghệ sĩ đăng bài quảng cáo các hoạt động mê tín dị đoan, sản phẩm kém chất lượng… cũng đã buộc phải gỡ bỏ thông tin trước làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận.
Đó thực sự là điều đáng mừng, khi mà các cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách quyết liệt, đúng với tinh thần “đấu tranh không khoan nhượng”.
Song, điều đáng mừng hơn cả chính là ở thái độ của công chúng, của người dùng mạng xã hội. Thay vì bàng quan, hời hợt, nhiều người đã chọn kiên quyết với những lệch chuẩn. Bởi lẽ, chỉ khi dọn dẹp một môi trường trong sạch, có văn hóa, chúng ta mới có thể xây dựng một thế hệ con người Việt Nam mới với những chuẩn giá trị mới, từ đó tạo ra các chuẩn mực xã hội.
Một năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, chặng đường không phải là dài và cũng chưa thể nói được nhiều điều, song đã cho thấy những chuyển biến hết sức tích cực, trước hết ở nhận thức của mỗi người đối với vấn đề văn hóa. Văn hóa không thể xem là thứ yếu. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị… Bởi nếu không, văn hóa sẽ không thể “soi đường cho quốc dân đi”, không thể trở thành sức mạnh nội sinh để chấn hưng đất nước.
Có lẽ chưa bao giờ, thông điệp về văn hóa lại mạnh mẽ, bền bỉ và sâu sắc đến như vậy. Văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần, do vậy cần có một tầm nhìn xa, chiến lược, thay vì trông chờ vào những thành quả từ nguồn đầu tư ngắn hạn. Nói như Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng tại Hội nghị tổng kết năm của ngành văn hóa: “Quả chín trên cây là quả chín dần dà. Hãy nhẫn nại, cần mẫn như con ong làm mật, cùng quyết tâm - để cùng về đích”.