Nhà sản xuất oto Vinfast thuộc Vingroup, trên trang thông tin của mình đã viết: VINFAST KHÔNG NHƯỢNG BỘ TRƯỚC HÀNH VI GÂY HOANG MANG CHO NGƯỜI DÙNG. Cụ thể: “từ ngày 20/4/2021 đến ngày 28/4/2021, ông Trần Văn Hoàng, chủ kênh YouTube Gogo TV (455.000 người theo dõi) đã sản xuất và đăng tải clip có nội dung không đúng sự thật về chất lượng xe VinFast Lux A2.0, gây hoang mang cho người dùng và ảnh hưởng tới uy tín của VinFast”

Qua đó Vinfast cùng khẳng định “Hành vi sản xuất và lan truyền thông tin sai sự thật của ông Trần Văn Hoàng (chủ kênh YouTube Gogo TV) đã gây thiệt hại về uy tín và vật chất cho thương hiệu VinFast, đồng thời gây bất an cho những khách hàng khác của hãng. Mặc dù ông Trần Văn Hoàng đã tự gỡ bỏ các clip trên, nhưng chúng tôi đã lưu đầy đủ bằng chứng và gửi cùng đơn tố cáo ra cơ quan công an. Cơ quan Công an đã tiếp nhận đơn tố cáo và có lịch mời ông Hoàng lên làm việc.”

Lý do để Vinfast tố cáo khách hàng của mình tới công an bắt nguồn từ việc một người cung cấp nội dung lên Youtube tên Trần Văn Hoàng có mua một chiếc xe Vinfast Lux A2.0. Theo những clip youtuber này đã đăng tải, Hoàng là người bỏ tiền mua xe Vinfast vì thích và tự hào, thế nên có bức xúc khi chạy xe lại gặp nhiều lỗi. Có khoảng 8 lỗi và Hoàng đã đi bảo hành với Vin. Mà lần nào bị lỗi, đi bảo dưỡng đều có quay clip lại để dẫn chứng. Trong clip của mình, Hoàng chỉ nói về chiếc xe cụ thể (biển số 66A 13945) chứ không nói chung về xe Vinfast.

Trả lời phóng viên VOV2, Trần Văn Hoàng nói những gì mình muốn phản ánh đều nằm trên clip và từ chối bình luận gì thêm vì cho rằng hiện nay Công an đã vào cuộc. Hoàng cũng nói khi nào có kết luận từ phía cơ quan chức năng, sẽ tiếp tục nêu ý kiến của mình.

“Một lần nữa, VinFast khẳng định luôn lắng nghe và sẵn sàng kiểm tra, xử lý mọi vấn đề cho khách hàng trong quá trình sử dụng. Nhưng chúng tôi cũng kiên quyết làm rõ đến cùng các hành vi sai trái, gây ảnh hưởng tới thương hiệu, và đặc biệt là gây lo lắng, hoang mang cho cộng đồng người dùng. Đây là cách để VinFast thể hiện sự tôn trọng và mong muốn bảo vệ quyền lợi tối thượng của những khách hàng chân chính” – phía Vingroup tuyên bố.

Vụ việc có lẽ cũng không có gì rùm beng lắm nếu như Trần Văn Hoàng không phải là chủ kênh Youtube GoGo TV có hàng trăm ngàn lượt người theo dõi, và những lời chê bai dành cho xe Vinfast bị lan truyền trên mạng xã hội một cách thiếu thiện chí, vượt ra ngoài phạm vi những ý kiến đóng góp về chất lượng sản phẩm thông thường.

Nói một cách công bằng, Vinfast là thương hiệu mới nhưng chứa trong đó niềm hy vọng, sự kỳ vọng về một nền công nghiệp oto của người Việt Nam, do người Việt Nam. Khát vọng của ông chủ Vinfast Phạm Nhật Vượng đã được hiện thực hoá phần nào bằng những kết quả đầy cảm hứng về tốc độ triển khai. Nhà máy khổng lồ đã được xây dựng nhanh chóng và những mẫu xe đầu tiên đã xuất hiện không thể nhanh hơn. Khát vọng về một nền công nghiệp oto Việt Nam chỉ sớm thành hiện thực nếu có đầy đủ sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt, trong đó có sự ủng hộ cho những mẫu oto phần nào đã được sản xuất và lắp ráp ở Việt Nam, như Vinfast.

Nhưng bên cạnh sự ủng hộ lành mạnh và trân quý của rất nhiều người dành cho thương hiệu xe non trẻ này, cũng có không ít người đã quay lưng. Vì trong những yếu tố tạo nên quyền lựa chọn của họ, ưu tiên sản phẩm Việt không nằm ở những gạch đầu dòng đầu tiên. Trong khi đó, những chính sách thúc đẩy và ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam mới phần nhiều chỉ dừng ở chủ trương mà chưa có những chính sách và quy định pháp lý đủ hiệu quả. Như trong lĩnh vực oto, thì trong nhiều trường hợp thị trường phải tự hỏi có thật là oto sản xuất trong nước thực sự được ưu tiên hơn so với oto nhập khẩu hoặc các thương hiệu nước ngoài ?

Chưa hết, sự phát triển của nhận thức chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế xã hội, cộng với sự tự do quá trớn mà mạng xã hội tạo ra, được thúc đẩy bởi một số điểm xấu xí khó tránh trong quá trình tích tụ tư bản của các tỷ phú, tất cả các yếu tố đó đã tạo ra một nhóm những người phản đối tất cả, nói xấu tất cả, tiêu cực hoá tất cả, bóp méo tất cả. Trong đó Vingroup là một mục tiêu của cộng đồng thiếu thiện chí này.

Không biết sự phản ứng dường như là thái quá của Vinfast khi bị chê bai chất lượng sản phẩm lần này, liệu có phải là phản ứng do bị dồn nén quá lâu trước những áp lực vô căn cứ và thiếu thiện chí mà họ phải chịu đựng từ không gian mạng xã hội ?

Nhưng dù Vin có đúng thế nào về mặt pháp lý và quyền hành động đi nữa, thì phản ứng lần này với Youtuber Trần Văn Hoàng, cũng là một động thái gây nhiều suy nghĩ.

Những mẫu xe đầu tiên như của Vinfast, nếu bị lỗi cũng là không tránh khỏi. Ngay cả những hãng xe có tuổi đời từ nửa thế kỷ đến sở hữu kinh nghiệm hơn trăm năm, sản xuất hàng triệu xe mỗi năm, thì vẫn không tránh được lỗi sản phẩm. Lỗi như Vinfast là còn ít, và người tiêu dùng hoàn toàn có thể chia sẻ, nên có tâm thế khác với các lỗi của sản phẩm nếu có. Mặt khác, không thể không ghi nhận Vinfast khá có trách nhiệm trong việc ghi nhận các vấn đề của sản phẩm đồng thời nghiên cứu khắc phục ở những phiên bản sau.

Tiếc rằng với vai trò một người tiêu dùng đã lựa chọn Vinfast, Youtuber Trần Văn Hoàng đã không chế ngự và kiểm soát được những cảm xúc của cá nhân, đồng thời dường như đã ảo tưởng về sức mạnh của kênh youtube hơn 400 nghìn người theo dõi, để có những hành động thiếu ngôn khoan và thái quá.

Với Vin, dù có đúng đắn về pháp lý và động cơ hành động, thì việc đề nghị cơ quan chức năng điều tra như cách họ tuyên bố, cũng cho thấy nhà sản xuất này đã lựa chọn phương thức khá cứng rắn để giải quyết vấn đề, bảo vệ cho lợi ích và thương hiệu của họ trước các làn sóng thiếu tính xây dựng từ truyền thông xã hội. Nhưng mặt trái của cách này, là dù một bộ phận người tiêu dùng Việt không còn dám hoang mang về chất lượng xe, thì cũng có thể không dám yêu quý nó một cách tự nhiên không tính toán, như đã yêu quý và chia sẻ sự mãnh liệt của tinh thần Việt bấy lâu nay.