Thương mẹ và cũng thương bản thân mình, cô gái đã viết thư gửi về chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi tâm sự:

Em năm nay 19 tuổi. Em đã phải đắn đo rất nhiều mới viết thư đến chương trình để hỏi về hoàn cảnh của gia đình mình.

Chuyện bắt đầu từ việc bố mẹ em lấy nhau không có tình yêu mà do sự sắp xếp của 2 bên gia đình. Đến ngày ăn hỏi, mẹ em mới biết mặt bố em nên càng không biết gì về tính tình của ông. Chính vì thế, mẹ em đã phải chịu khổ suốt từ ngày lên xe hoa về nhà chồng.

Kinh tế gia đình em khó khăn vì chỉ có mẹ em quanh năm lăn lộn, vất vả kiếm tiền để nuôi gia đình và lo cho chị em em ăn học. Mẹ em là người hiền lành, nhân hậu lại nhanh nhẹn, chịu thương chịu khó. Mẹ lúc nào cũng chỉ biết lam lũ lo cho gia đình, chiều chồng, yêu con hết mực. Còn bố em thì gần như không làm gì, thỉnh thoảng mới đụng chân đụng tay và chẳng bao giờ thấy đưa tiền về cho mẹ. Đa số thời gian bố em chỉ đi chơi, tụ tập với bạn bè, hàng xóm và nhậu nhẹt.

Cứ mỗi khi bố nhậu say về là mẹ con em, nhất là mẹ, lại phải hứng chịu những trận đòn vô cớ từ ông. Nhiều lần bố đánh đến nỗi mẹ em phải vào viện với những vết thương chằng chịt trên mình. Em thương mẹ vô cùng nhưng nếu em can ngăn thì thể nào bố cũng đánh mẹ nặng hơn, có lần còn đánh cả em vì cái “tội” dám cản bố đánh mẹ. Thế nên, là một đứa con gái chân yếu tay mềm, em chỉ có thể bất lực và khóc thương mẹ khi phải chứng kiến cảnh ba thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mẹ. Mà nào mẹ em có tội tình gì đâu cơ chứ? Người thân, họ hàng và cả hàng xóm đều khuyên mẹ nên ly hôn chứ không thể tiếp tục cuộc sống như thế này được. Nếu cứ tiếp tục ở với bố em như vậy thì bị đánh chết lúc nào không hay. Ông bà ngoại em cũng hối hận vì đã để con gái lấy chồng theo lời mai mối. Ông bà cũng khuyên mẹ em không nên tiếp tục chịu đựng. Thế nhưng mẹ vẫn cắn răng nhẫn nhịn vì sợ nếu làm lớn chuyện thì chị em em sẽ mất mặt với bạn bè, với mọi người.

Tình hình ngày càng tệ hơn khi mấy năm nay, bố em không hề làm lụng gì mà chỉ đi nhậu nhẹt suốt cả ngày. Không khí gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Cứ khi nào bố đi nhậu về là mẹ con em im re, không dám hó hé câu nào, chỉ sợ gây sự chú ý của bố, bố lại đánh đập. Ngày tháng cứ thế trôi đi trong sự nhẫn nhịn, chịu đựng của mẹ con em và những trận đòn ập xuống vô tội vạ. Nhìn mẹ ngày càng gầy guộc, ốm yếu, em thương mẹ nhưng không biết phải làm thế nào.

Mấy năm nay, mẹ con em hầu như phải ở nhà ngoại chứ rất ít khi ở nhà. Vì cứ ở nhà là bố em lại đánh đập, chửi bới mẹ con em. Đã nhiều lần em, mẹ và mọi người trong họ khuyên nhủ bố nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy, thậm chí càng ngày càng quá đáng hơn. Nhìn gia đình như vậy em thật sự chán nản. Nhiều lúc em đã ước giá như người đàn ông ấy không phải là cha của mình…

Em chưa từng dẫn bạn bè về nhà vì sợ họ sẽ ái ngại với hoàn cảnh của mình. Còn mỗi khi đến nhà bạn chơi, em phải cố kìm nước mắt khi thấy cảnh gia đình họ vui vẻ, hạnh phúc bên nhau, thấy bạn được bố yêu thương, chăm sóc. Em luôn ao ước gia đình mình được 1 phần của họ, thế là đã tốt lắm rồi. Nếu được vậy thì dù có khó khăn thế nào, em cũng sẵn lòng vượt qua. Nhưng tại sao gia đình em không thể được như vậy?

Hiện giờ em đã đi học đại học xa nhà và ở tại ký túc xá của trường. Ở đây, em thấy cuộc sống yên ổn hơn hẳn và không còn muốn về nhà nữa. Thế nhưng ở ngôi nhà ấy vẫn còn mẹ và em em. Em ở trường thì yên ổn phần em nhưng những người em yêu thương thì đâu đã được yên. Hơn nữa, em cũng chẳng thể ở lại trường suốt đời, rồi em cũng sẽ lại phải bước chân về ngôi nhà ấy. Em chẳng biết là mình còn có thể chịu đựng được cuộc sống này bao lâu nữa đây? Nhiều lúc em đã nghĩ, hay là lấy đại 1 người nào đó để thoát khỏi người cha bạo lực của mình. Thế nhưng em cũng sợ nếu mình vội vàng, kết hôn không có tình yêu thì sẽ lại phải chịu cảnh sống như mẹ mình suốt mấy chục năm qua. Với lại, chứng kiến bố mình như thế, em cũng chẳng còn niềm tin vào đàn ông nữa. Em thực sự muốn giúp mẹ, muốn bố thay đổi nhưng chẳng biết phải làm thế nào…

Các bạn hãy chia sẻ với cô gái bằng cách viết bình luận dưới câu chuyện này hoặc gọi điện về số máy 0243.9341139 trong giờ hành chính.