Người phụ nữ viết thư đến chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi khi tâm trạng đang rối bời, không biết làm cách nào để xoay xở:

Năm nay, tôi 45 tuổi. Năm 22 tuổi, tôi lấy chồng. Một năm sau, tôi sinh con gái đầu lòng. Ba năm sau, tôi sinh đôi hai cháu trai. Các cháu đều ngoan ngoãn, học giỏi.

Bảy năm trước, sau một loạt những mâu thuẫn không đầu, không đuôi rồi đến những xô xát không thể hàn gắn được, vợ chồng tôi đưa nhau ra tòa ly dị. Chồng tôi kết hôn với người khác, còn các con ở cùng với tôi. Khi ấy, một nách nuôi ba con ăn học, gia đình tôi rơi vào diện hộ nghèo. Vậy là tôi – người đàn bà gần 40 tuổi phải vật lộn với cuộc sống mà không có người đàn ông bên cạnh. Tôi theo người ta đi làm phu hồ, công việc thật nặng nhọc nhưng tôi vẫn cố gắng để có thu nhập. Bữa trưa, tôi ăn ở chỗ làm. Buổi tối thì về với các con. Nói ra thật xấu hổ, tôi phải xin thức ăn thừa ở chỗ làm về để làm bữa tối cho 4 mẹ con. Các con tôi lớn lên, việc học hành và chi tiêu cũng theo đó nhiều hơn. Không phụ công vất vả của mẹ, các con tôi học rất giỏi.

Cháu lớn đạt một loạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, rồi năm 2018, cháu đỗ đại học ở Hà Nội, chỉ còn nốt năm nay, cháu sẽ ra trường. Cùng thời điểm đó, hai cháu sinh đôi đỗ vào trường chuyên của tỉnh, cách nhà 50 cây số. Chi phí học hành của các con cứ dần tăng lên, đôi vai tôi ngày càng nặng gánh hơn. Càng ngày tôi càng sợ những ngày mưa không có việc làm hoặc những khi bị ốm, không thể làm việc được. Như thế, tôi sẽ không có tiền để gửi cho các con. Niềm vui lại đến với tôi khi cháu thứ ba thi đỗ vào một trường đại học có tiếng. Cháu thứ hai đạt giải học sinh giỏi cấp 3 toàn quốc và được tuyển thẳng vào trường ngành an ninh. Thế nhưng, bên cạnh đó còn là nỗi lo lớn. Cháu thứ hai nhà tôi bị cận thị, không phẫu thuật chữa cận thì cháu không thể vào được trường an ninh. Vậy là tôi phải vay ngân hàng 20 triệu cho cháu đi mổ cận.

Kể từ ngày tôi cầm trong tay quyết định ly hôn, chồng cũ của tôi và bố mẹ chồng, anh chị em chồng không còn đoái hoài gì đến mẹ con tôi nữa. Họ coi như mẹ con tôi chưa từng tồn tại. Thế nên, chuyện ăn học của các con, tôi cũng chẳng trông chờ gì ở họ.

Trớ trêu thay, năm ngoái, trên đường đi làm về, tôi bị ô tô tông vào. Vụ tai nạn đã làm tôi gãy 6 xương sườn bên trái. Các con tôi khi đó đều đi học xa. Nhờ họ hàng giúp đỡ, tôi đã qua cơn nguy khốn. Thế nhưng tôi lại phải gánh thêm 1 khoản nợ nữa trên lưng. Tôi vay 30 triệu đồng để chữa bệnh, cộng thêm khoản vay cho các con đi học vẫn chưa trả được. Cả 2 khoản đều sắp đến kỳ trả mà tôi chưa biết làm thế nào. Tôi không dám nói với các con về chuyện nợ nần vì tôi sợ chúng phân tâm việc học hành. Giờ tôi không biết mình phải làm gì với khoản nợ này nữa.

Ngay sau khi câu chuyện phát sóng, nhiều thính giả đã góp ý với nhân vật:

Biên tập viên chương trình cũng có đôi lời chia sẻ cùng nhân vật và tặng chị bài hát:

Hãy thử tưởng tượng chị là thuyền trưởng và con thuyền của chị đang đi giữa đại dương bỗng có dấu hiệu bị chìm vì nước tràn vào ngày càng nhiều. Chị sẽ làm gì trong tình huống này? Cùng với việc vô cùng lo lắng và căng thẳng, chị dồn hết công sức và thời gian để tát nước ra liệu có cứu vãn được không? Tôi chắc chắn cách đó chẳng ăn thua chút nào cả, chẳng bao lâu con thuyền vẫn sẽ chìm. Muốn thuyền không chìm thì nên tìm cách bịt chỗ bị rò rỉ để nước không thể tràn vào nữa. Nhưng muốn làm được điều đó thì chị không thể để mình rơi vào trạng thái tinh thần bấn loạn, lo âu mà cần bình tĩnh tìm cách bịt chỗ rò rỉ ấy lại. Con thuyền mà tôi muốn chị tưởng tượng ra chính là gia đình của chị. Còn chỗ bị rò rỉ chính là khoản nợ mà chị đang phải gánh.

Nếu chị thường xuyên nghe chương trình BHNVCT thì chắc cũng biết khoản nợ mấy chục triệu của chị chưa thấm là đâu so với số nợ của nhiều người. Đã có những nhân vật của chương trình mang nợ vài trăm triệu, thậm chí là cả tỷ. Chị còn sức khỏe, các con lại đều đã trưởng thành, chẳng mấy chốc là học xong đại học. Vậy nên chị vẫn có khả năng trả nợ. Chị đã nghe thính giả đêm nay góp ý rồi đấy. Nếu cần kíp quá, chị có thể vay tiền của người thân, họ hàng để trả trước cho ngân hàng rồi tích cóp để trả họ hàng sau. Chị cũng có thể thử trình bày với ngân hàng về những khó khăn hiện giờ của gia đình chị để xem họ có thể gia hạn nợ cho chị không. Cũng có nhiều thính giả muốn hỏi số tài khoản của chị để giúp đỡ mẹ con chị phần nào.

Tất nhiên, cho dù khoản nợ to hay nhỏ thì nợ nần cũng khiến người ta cảm thấy lo lắng, bất an, thậm chí nó còn là 1 thách thức lớn tưởng chừng không thể vượt qua, nhất là khi 1 mình chị phải chèo lái con thuyền gia đình. Vậy thì tại sao chị không chia sẻ gánh nặng ấy với các con? Chị sợ rằng chuyện này có thể làm các con chị phân tâm học hành nhưng biết đâu đây lại là cơ hội để các con chị thể hiện sự trưởng thành của mình? Vì không nhiều thì ít, ai rồi cũng phải gặp chông gai, phải trải qua những biến cố, thăng trầm trong cuộc sống. Chị không thể bao bọc các con suốt đời được. Khi biết những vất vả, những lo toan mà chị đang gánh, có lẽ các con của chị sẽ có trách nhiệm hơn với gia đình thì sao? Và hơn hết, dù các con chưa thể chung tay trả nợ cùng thì chị vẫn có thể nhẹ bớt nỗi lòng, không phải 1 mình ôm gánh nặng nữa.

Muốn thoát khỏi cảnh nợ nần không thể trong ngày 1 ngày 2 nhưng mọi khoản nợ nần đều có thể được giảm bớt nếu chị đủ kiên nhẫn, cố gắng duy trì và ổn định cuộc sống cũng như trạng thái, tâm lý của mình.