“Không cho vay thì mất bạn, mà cho vay thì mất cả bạn lẫn tiền”. Câu nói ấy có lẽ thật đúng với hoàn cảnh của cô gái trong câu chuyện đêm 14/3. Với nhiều người thì số tiền cho vay ấy có lẽ không nhiều, nhưng với cô gái trong câu chuyện là 1 khoản tiền lớn. Giờ cô gái ấy phải làm gì khi số tiền vất vả tích cóp được đang có nguy cơ mất trắng? Thính giả và biên tập viên chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" của VOV2 đã có đôi lời góp ý với cô gái:

Vậy là lại thêm 1 câu chuyện nữa về việc “làm phúc phải tội”. Giúp người vì có ý tốt nhưng lẽ ra, khi cho vay nên lập giấy, ký nhận rõ ràng, có người làm chứng, thậm chí có cả xác nhận của cơ quan chức năng. Có điều, do tâm lý nể nang mà chỉ cần đối phương cam kết bằng miệng, nhiều người đã sẵn sàng cho mượn tiền, rồi lại cho khất nợ hết lần này đến lần khác. Tất nhiên, tôi cũng biết đôi khi có thể lý trí mách bảo chúng ta không nên như thế nhưng nếu không cho mượn, hoặc bắt làm giấy vay nợ thì lại sợ mất lòng nhau. Hơn nữa, nếu đối phương có tính tham hay chầy bửa, chây ỳ thì giấy trắng mực đen đôi khi cũng chẳng có tác dụng gì. Thế nên, nhiều khi cho vay rồi lại mất công đi đòi. Mà đòi lại được đã tốt, chứ đôi khi ta còn bị “cướp không” số tiền đã cho vay. Lúc đó thì chẳng biết kêu ai, chỉ biết than trời vì mình không may gặp phải người xấu.

Em là sinh viên mới ra trường, lại đang thất nghiệp. Và theo như em nói thì phải mất 4 năm, em mới có thể tích cóp số tiền gần hai chục triệu ấy. Vậy nên, em xót của cũng là chuyện dễ hiểu. Nếu em cho người bình thường vay tiền, em sẽ chẳng phải phân vân khi đi đòi. Nhưng đằng này, người vay tiền của em là người khuyết tật, bị liệt cả 2 tay, gia đình cũng không phải khá giả. Vì thế, dù rằng người ta đưa ra những lý do không chính đáng, không hợp lý để khất nợ thì em vẫn chẳng biết phải làm sao. Ngay cả thính giả của chương trình cũng chẳng thể thống nhất ý kiến. Người bảo em nên đòi lại hết số tiền đã cho vay. Người lại bảo làm phúc thì làm cho trót. Thật ra, đúng là với nhiều người, số tiền em cho vay không lớn. Và người ta cũng đã trả được cho em phần lớn, là 11 triệu. Dù là đang thất nghiệp nhưng em vẫn còn khả năng lao động. Thế nên, số tiền 7 triệu đã mất đi, em vẫn có thể kiếm lại được. Biết rằng nếu cứ để như vậy thì chắc chắn em cảm thấy thật ấm ức. Nhưng phải đòi sao đây khi người ta không có khả năng trả nợ? Thôi thì coi như tại mình đặt niềm tin không đúng chỗ vậy. 7 triệu đồng nếu đòi được thì tốt, còn không thì coi như là học phí cho việc nhẹ dạ, cả tin.

Ở đời, gieo nhân nào thì gặt quả ấy, cũng như có cho đi thì mới được nhận lại. Có thể lúc này em giúp đỡ người anh kia không những chẳng được trả ơn mà còn vướng phải 1 khoản nợ khó đòi, nhưng lòng tốt của em rồi sẽ được báo đáp vào 1 lúc khác, bởi 1 người khác. Và cụ thể là thính giả chương trình đã xin thông tin liên hệ của em, mong sẽ giúp được em trong lúc khó khăn này. Quan trọng là tâm hồn em cảm thấy thanh thản vì đã giang tay giúp đỡ khi người khác cần. Nhưng tất nhiên, lòng tốt cần đặt đúng chỗ. Không may là lần này, lòng tốt của em đã đặt nhầm chỗ, nhầm người. Trong xã hội luôn có cả người tốt lẫn kẻ xấu. Vì thế chúng ta cần phải khôn ngoan, tỉnh táo khi trao gửi tình cảm và niềm tin của mình.