Khi viết thư về chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" của VOV2, người phụ nữ đang rất thất vọng và đau lòng vì sự lạnh nhạt của chồng mình. Nội dung câu chuyện của cô như thế này:

Năm nay tôi 45 tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình nghèo túng, khổ cực. Năm tôi 5 tuổi, bố mẹ tôi đồng loạt qua đời trong 1 vụ tai nạn giao thông. Từ đó, tôi trở thành trách nhiệm, thành gánh nặng cho các cô dì, chú bác 2 bên nội ngoại. Tôi sớm ý thức được điều đó nên luôn biết thân, biết phận, sẵn sàng làm tất cả mọi việc trong khả năng và không bao giờ đòi hỏi điều gì nhưng vẫn chẳng ai muốn nuôi tôi lâu dài. Cứ nửa năm, tôi lại phải chuyển chỗ ở 1 lần.

Năm 18 tuổi, tôi xa quê để đi làm công nhân. Ra đi với 2 bàn tay trắng, tôi lao vào làm việc như con thiêu thân dù công việc thật khó khăn, cực khổ. Tôi vốn là người mạnh mẽ nên lúc nào cũng tự nhủ rằng: “không làm thì chẳng có ăn”. Hơn nữa, người ta còn có nơi có chốn để về, chứ tôi thì đã nhất quyết 1 đi không trở lại. Bởi ở nơi quê nhà, tôi làm gì có ai đợi chờ, cũng chẳng có lấy 1 tấc đất cắm dùi. Vậy là tôi tiếp tục chấp nhận và chịu đựng cuộc sống khó khăn cùng công việc vất vả nơi đất khách.

Thế rồi, tôi gặp 1 người đàn ông. Anh ấy hơn tôi 1 tuổi, là người hiền lành, nhiệt tình với công việc ở cơ quan và ngoài xã hội. Gia cảnh tôi đã nghèo, nhà anh ấy lại còn nghèo hơn nhưng chúng tôi vẫn quyết định đến với nhau. Sau khi kết hôn, tôi lại tiếp tục mưu sinh để chăm lo cho gia đình. Lấy nhau rồi, tôi mới biết chồng mình là người gia trưởng, chỉ muốn ăn mà không muốn làm. Ở cơ quan, anh như 1 người khác, còn ở nhà, anh chỉ biết “chỉ tay năm ngón”, mọi việc đều ỷ lại vào tôi. Thế nên, khi sinh con trai đầu lòng được 3 ngày, tôi đã phải tự làm tất cả những việc mà lẽ ra trong thời gian kiêng cữ không được làm như gánh nước, bổ củi… Rồi khi con mới được 2 tháng, tôi đã phải gửi con để đi làm.

Khi con đầu của tôi được 6 tuổi, tôi sinh thêm đứa thứ 2, là con gái. Lúc con mới được 14 ngày, tôi đã lại phải đi làm vì nếu không làm thì lấy gì mà ăn? Chồng tôi chẳng thể cáng đáng cả gia đình. Tôi vì chồng, vì con mà lao đầu vào làm việc, không hề nghĩ gì cho bản thân. Vì chồng tôi là con trưởng nên bao nhiêu công việc nhà chồng từ sửa nhà cửa, bố mẹ ốm đau, cưới xin của các em chồng… tôi đều phải gánh vác. Tôi cũng quan hệ ngoại giao để tạo cho anh 1 vài cơ hội để tiến thân nhưng anh không làm được. Vì chồng tôi không chịu được khổ, không vượt qua được khó khăn. Chồng tôi nghĩ là đã có tôi lo toan, gánh vác mọi việc rồi nên anh không cần phải lo lắng, cũng chẳng cần phải phấn đấu. Dường như việc tôi lo liệu mọi chuyện đối nội, đối ngoại đã trở thành điều đương nhiên.

Người ta bảo “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nhưng tôi thì xây tất cả. Tôi gánh vác kinh tế trong gia đình, việc nội trợ và cả chuyện dạy dỗ con cái nữa. Tôi hết làm lao động chân tay rồi lại quay ra chăn nuôi, buôn bán. Còn chồng tôi chẳng hề gánh vác cùng, cũng không có bất kỳ 1 lời chia sẻ, động viên nào. Dần dần, tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi và kiệt sức khi mình cứ cho đi mà chẳng được nhận lại điều gì. Năm ngoái, dịch covid bùng phát, công việc của tôi gặp nhiều khó khăn nên hiện nay tôi đang mắc 1 khoản nợ khá lớn. Cuộc sống vợ chồng tôi cũng bắt đầu khủng hoảng, rạn nứt. Chồng tôi suốt ngày bắt tôi bán nhà để trả nợ nhưng tôi không chịu. Vì tôi muốn để chỗ đi về cho con cái. Giờ vợ chồng tôi còn khỏe, tôi muốn anh cùng tôi gánh vác, tính toán, quyết tâm làm ăn. Rồi dần dần, chúng tôi cũng sẽ trả hết nợ. Có điều chồng tôi không muốn. Anh bảo đó là tôi tự làm thì tôi tự chịu. Nhưng tôi cố gắng kiếm tiền là vì chồng con chứ có phải cho bản thân tôi đâu?

Từng ấy năm, vợ chồng tôi sống cùng mà chưa 1 lần tâm sự được quá 10 phút, chưa 1 lần anh an ủi hay hỏi han tôi bất cứ điều gì. Đối với anh, tôi chẳng khác nào nô lệ. Cả với 2 đứa con, anh cũng tỏ ra xa lánh. Hễ có chuyện gì là anh lại chửi mắng chúng không tiếc lời. Và giờ, khi gia đình gặp khó khăn, anh cũng chẳng hề có ý định cùng tôi gánh vác mà chỉ muốn rời đi thật nhanh để nhẹ thân anh. Sống với người chồng chỉ biết bo bo giữ mình, chăm chăm lo cho bản thân, tôi đã mệt mỏi, rã rời và kiệt sức quá rồi. Tôi thực sự không biết phải sống tiếp thế nào nữa. Tôi chỉ mong có ai đó sẽ tiếp thêm sức lực cho tôi vượt qua mọi chuyện…

Các bạn có thể chia sẻ với nhân vật của chương trình bằng cách để lại lời nhắn dưới bài viết hoặc gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 trong giờ hành chính.