Câu chuyện của cụ ông gửi về chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi - VOV2 có nội dung như sau:

Tôi năm nay 72 tuổi. Tôi sinh được 4 người con 3 trai, 1 gái. Cháu gái là con lớn đã lấy chồng ở xa, 3 con trai đều là cán bộ nhà nước. Hai đứa thì lập nghiệp trên thành phố, còn thằng trưởng ở quê nhưng cũng ở xa, kinh tế tạm đủ. Ở quê, ai cũng bảo tôi sướng. Con trai cả của tôi làm xa nhà mấy chục cây số, sáng thứ 2 đi làm, thứ 6 mới về nhà. Vì thế, con tôi không để ý và cũng không biết các chuyện xảy ra ở nhà. Lần đầu tiên, khi cháu đưa người yêu về nhà ra mắt, tôi đã nói với bà nhà tôi rằng: nhìn cô gái này, tôi không vừa ý. Dáng dấp cô ấy thiếu mềm mại, nhưng điểm khiến tôi không ưa nhất chính là đôi mắt trắng dã và khi nói chuyện thì không nhìn thẳng vào người đối diện. Tôi đã nói điều này ra nhưng vốn dễ tính nên bà nhà tôi bảo rằng: thôi, kệ chúng nó lựa chọn nhau, ở với nhau, chấp nhận nhau là được.

Cuối năm 2016, chúng tôi tổ chức cưới cho con. Cưới xong thì hai đứa sống ở gần chỗ con trai tôi làm việc. Khi chúng nó sinh con đầu lòng, bà nhà tôi cũng lên đó ở mấy tháng để trông cháu giúp con. Vốn dễ tính như thế mà khi về bà ấy còn phải nói với tôi rằng: con dâu mình không biết cách cư xử, làm mất lòng nhiều người trên ấy. Tháng 12 năm 2019, bà nhà tôi lâm bệnh nặng, vợ chồng nó có về cùng với tôi để trông nom bà ấy. Hơn nửa năm sau, bà nhà tôi qua đời. Chẵn 100 ngày bà nhà tôi ra đi thì vợ chồng anh chị ấy dọn dẹp đồ đạc, mang tủ giả, quần áo về nhà tôi ở. Con dâu tôi đi nói chuyện với họ hàng làng xóm là chúng nó về đây ở để trông nom bố, nhưng cả vợ lẫn chồng đều không nói với tôi 1 câu nào, cứ tự tiện bỏ đồ cũ trong phòng mẹ chúng nó đi rồi xếp đồ của chúng nó vào. Trông bố đâu chưa thấy mà đúng như tôi dự đoán, 1 loạt sự việc liên tục xảy đến khiến cho tôi rất phiền lòng. Tôi là công nhân viên chức nghỉ hưu, có đồng lương, tôi không ăn bám vào con cái nhưng bất cứ có việc gì liên quan đến tiền bạc chị ấy cũng đẩy cho tôi. Từ tiền điện, tiền vệ sinh đến việc đóng quỹ làng xóm. Từ ngày gia đình con trai về sống cùng, tôi phải chi gấp đôi, thậm chí gấp ba cái khoản điện nước. Không những thế: Làm cái gì chị ấy cũng tìm cách móc máy, rỉa rói với những câu nói rất khó nghe và thường xuyên nói đổng rằng: nhà này toàn chó hoang, mèo dại, chỉ có người ăn không có người làm. Tôi đã già, răng lợi cũng yếu, cơm mà nấu cứng thì tôi không ăn được, nhưng chị ấy lại toàn nấu cơm cứng. Hôm tôi nấu cơm, nấu mềm hơn, nên tôi ăn được 2 bát. Chị ấy thì đá thúng đụng nia và nói đổng rằng: bánh đúc nát còn nuốt được chứ cơm nước thế này chỉ có đổ cho chó. Nói ra thì thật xấu hổ, nhưng tôi cảm thấy thật nhục nhã. Vừa rồi lại xảy ra 1 chuyện cũng chỉ vì ăn uống. Sáng tôi ngủ dậy thì thấy chảo cơm chị ấy rang đã nguội và còn ít. Tôi ăn 1 bát, còn thừa vài thìa thì đổ nốt cho con chó ăn. Chị ấy ở ngoài vườn đi vào rồi nói đổng rằng: người làm thì không có để ăn, người chơi thì ăn không hết lại còn đổ đi. Mà tôi nào có ăn bám vợ chồng chị ấy đâu, tôi có đồng lương hưu đấy chứ. Không chỉ nói trong nhà mà chị ấy còn chạy ra tận ngõ rồi kêu ầm lên cho làng xóm nghe thấy là: chị ấy nai lưng làm lụng cho gia đình tôi mà tôi không cho chị ấy ăn, mặc dù chị ấy thắp hương cho vợ tôi. Chị ấy là dâu cả mà ăn nói như vậy, tôi chưa thấy ai nói câu ấy bao giờ. Từ khi chị ấy về làm dâu, tôi đã biết là thể nào cũng có chiến tranh xẩy ra cho nên mấy năm nay, tôi nhịn không dám tham gia bất kỳ chuyện gì, không nói 1 câu nào. Nhà tôi bây giờ đối xử với nhau như người ngoài, không ai mời ai, chào ai. Bữa cơm, chị ấy tự ăn, không mời gọi gì tôi cả. Sống trong nhà của mình mà tôi không lúc nào được vui, cứ như người ở nhờ, ở thuê, chỉ lo trái ý con dâu. Ngồi ghế chị ấy cũng đòi, lấy lọ đường ăn cháo, uống cafe chị ấy cùng đòi.

Những năm tháng cuối của cuộc đời, tôi muốn êm ả, vui vẻ để mà sống, vả lại, tôi cũng muốn giữ cho 3 đứa con trai là công nhân viên nhà nước nên phải chịu cảnh này. Nhiều người trong làng khuyên tôi hãy ở riêng ra. Bây giờ mới tính chuyện ở riêng thì hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không, muộn còn hơn nhục. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Có nên làm như làng xóm khuyên hay không?

Các bạn chia sẻ với nhân vật bằng cách để lại bình luận dưới câu chuyện hoặc gọi điện tới số máy 0243.934.1139 trong giờ hành chính.

Mời các bạn nghe âm thanh câu chuyện dưới đây: