Để lại lời nhắn trên trang Facebook Bạn hãy nói với chúng tôi – 96,5 MHZ, người phụ nữ ấy đã có những dòng chia sẻ thế này:

Năm nay em 37 tuổi, đang là mẹ đơn thân của ba đứa con: hai gái, một trai. Cháu lớn đang học lớp 9, cháu thứ hai học lớp 6 và cháu út hơn 4 tuổi. Em ly hôn hơn 1 năm nay. Toà án quyết định em được quyền nuôi 2 cháu nhỏ, còn cháu lớn ở với bố. Nhưng 2 nhà không cách xa nhau là mấy nên hầu như em vẫn là người chăm lo cho cả ba con. Sau ly hôn, em cùng các con về nhà ông bà ngoại sinh sống. Hiện anh trai em cũng ở cùng và anh của em cũng đã ly hôn, tuy nhiên, con anh ấy sống cùng mẹ.

Thu nhập của em không ổn định, khi nhiều khi ít nhưng do em biết thu va hà vén, quản lý chi tiêu nên cũng đủ để trang trải sinh hoạt phí và tiền học hành cho các con. Cuộc sống của mẹ con em không đến nỗi nào, duy có một điều là ở với bố mẹ đẻ, với anh trai ruột nhưng em thực sự không hề có được sự thoải mái. Bởi bố mẹ em là người trọng nam khinh nữ. Ông bà luôn cho rằng em về đây ở tạm rồi sẽ chuyển đi trong nay mai, còn nhà này là ông bà cho riêng anh trai em. Thực sự giờ con em còn nhỏ nên khi ly hôn, em chỉ nghĩ mình về nhờ ông bà một thời gian đến khi cuộc sống mẹ con em ổn định, chắc chắn em cũng sẽ đi. Vậy nhưng, không ít lần, ông bà đã bóng gió, xa gần, lo sợ em ở đây lâu thì sau này sẽ khó đuổi em đi, thậm chí, em sẽ tranh chấp nhà với anh trai.

Không chỉ đối xử với em như vậy, mà thi thoảng thấy con em nghịch, ông bà cũng sẵn sàng nói với cháu: “Đừng làm hỏng nhà bác không là bác mắng”, hay “đây có phải nhà các con đâu mà các con cứ nghịch ngợm, bày bừa ra như thế”… Bố mẹ em vậy đã đành, anh trai em cũng luôn cho mình là chủ ngôi nhà này và mẹ con em đang ăn nhờ ở đậu nhà anh, nên anh thường xuyên cáu gắt, chửi mắng các cháu thậm chí còn dọa đuổi mẹ con em ra khỏi nhà. Những lúc ấy, em chỉ biết im lặng nín nhịn cho qua chuyện. Bởi nếu em chỉ cần có phản ứng, là cả nhà sẽ quay ra trách mắng em, em đã ở nhờ mà còn không biết điều. Mà nói thật chưa bao giờ em tham lam, chưa bao giờ em tơ hào đến căn nhà này của bố mẹ, cũng chưa từng có ý nghĩ tranh giành với anh trai. Nhưng nhiều lúc thấy bố mẹ và anh trai cư xử vậy em rất chạnh lòng và tủi thân.

Nhìn thấy ai đó có hoàn cảnh giống mình, trở về ngoại đều được bố mẹ cưu mang, anh em giúp đỡ mà em thấy thương cho chính mình. Đâu ai muốn đứt gánh giữa đường để về “ăn vạ” nhà đẻ như thế đâu. Nhiều đêm mất ngủ, em cứ quẩn quanh suy nghĩ, đáng lý em ở hoàn cảnh này, bố mẹ phải thương em hơn mới phải chứ.

Sống cùng ông bà, nhưng nói thật, ông bà cũng không phải nuôi mẹ con em ngày nào. Mỗi tháng, sinh hoạt phí trong nhà em cũng đảm nhận kha khá. Không những vậy, việc chợ búa, cơm nước hàng ngày, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ cũng do em làm hết. Em chấp nhận chịu thiệt về bản thân mình vì không muốn gây phiền hà cho mọi người, cũng không muốn ỉ lại vào ai.

Em cũng đã từng nghĩ tới việc thuê nhà, bởi với chi phí như hiện tại em vẫn đủ sức thuê 1 căn nhà nhỏ cho mấy con ở và sinh hoạt. Nhưng có điều chồng cũ vẫn thỉnh thoảng đến gây rối chỉ vì những lý do không đâu, như tại sao thứ 7 không cho con lên nhà anh ta chơi đúng giờ như đã hẹn. Em sống ở đây, anh ta vẫn còn dè chừng bố mẹ và anh trai em nên cũng không làm gì quá đáng. Thế nhưng, ở như này em cũng rất mệt mỏi.

Giờ đây, em thật sự mong muốn có thể mua được một ngôi nhà nhỏ để bốn mẹ con có được căn nhà của riêng mình sống thoải mái một chút. Tuy nhiên, với thu nhập hiện tại của em là rất khó. Thấy nhiều người đi xuất khẩu lao động 2 - 3 năm về đều có thể mua nhà, xây nhà và có vốn làm ăn nên em cũng muốn đi. Nhưng lại lo sợ các con vắng mẹ sẽ khổ, mẹ ở cùng còn như vậy, không biết mẹ đi xa, ông bà và bác sẽ đối xử với các cháu thế nào. Em cũng sợ chồng sẽ lấy lý do em đi xa để giành quyền nuôi con mà em thì không muốn các con sống với một người bố như vậy. Giờ em không biết phải làm như thế nào nữa?

Các bạn có thể chia sẻ, góp ý với nhận vật bằng cách gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 (trong giờ hành chính), hoặc để lại lời nhắn dưới câu chuyện.

Mời các bạn nghe BTV chương trình thay lời nhân vật kể lại câu chuyện: