Trên trang fanpage của chương trình, người phụ nữ ấy chia sẻ câu chuyện của gia đình mình:

Ngày trước, học xong lớp 12, chồng tôi không học đại học mà đi học nghề. Hồi đó, nhà chồng tôi khó khăn nên mẹ chồng tôi có đi vay tiền để cho chồng tôi học nghề. Học xong chồng tôi đi làm, hàng tháng có lương đều gửi tiền về cho ba mẹ nuôi hai em ăn học. Theo như chồng tôi kể, anh chăm chỉ, cần cù nên lương cũng khá. Tháng được 15 triệu, 20 triệu hoặc có khi hơn, anh đều gửi gần hết về cho gia đình, chỉ giữ lại chút ít chi tiêu cho bản thân. Anh cũng kể mẹ anh thường cờ bạc nên hay mắc nợ người ta, mỗi lần người ta đến đòi là anh lại đứng ra trả, và cứ trả rồi lại nợ.

Sau này, lấy tôi thì anh bắt đầu chuyển công việc nên lương cũng kém đi nhiều. Hai vợ chồng đi làm cũng chỉ đủ sống. Ban đầu, chúng tôi ở chung với gia đình anh, nhưng thấy cuộc sống quá nhiều mâu thuẫn, va chạm, không khí lúc nào cũng nặng nề, người này kèn cựa người kia, nói không quá thì khoảng thời gian ấy, tôi như rơi vào địa ngục. May mắn là anh hiểu và thương tôi nên quyết định ra riêng. Sau vài năm ở trọ, vợ chồng tôi chạy vạy vay mượn người thân và vay ngân hàng để mua căn nhà nhỏ cho gia đình nhỏ chúng tôi có chỗ ở ổn định. Lúc đó, nhà chồng tôi cũng bán nhà, tôi đánh tiếng mượn chút ít để đỡ khoản vay ngân hàng. Tôi cũng nói rõ, thay vì trả lãi ngân hàng thì vợ chồng tôi sẽ trả lãi cho mẹ chồng, vậy nhưng bà không đồng ý. Sau khi bán nhà, bà đưa hết tiền cho em chồng tôi mua một căn nhà mới, khang trang, rộng rãi. Cùng lúc ấy, bà cho vợ chồng tôi vay ít tiền với điều kiện trả lại cho em chồng tôi. Vợ chồng tôi đồng ý và hàng tháng đều trả lãi cho em chồng.

Điều đáng nói là bố mẹ chồng tôi không hề hỏi han, bàn bạc gì với vợ chồng tôi mà thẳng thừng tuyên bố cho em mua nhà để sau này em sẽ lo cho ông bà cũng như lo việc thờ cúng. Lúc đó, chồng tôi chỉ im lặng, nhưng anh buồn ra mặt. Tôi thấy thương anh quá. Tại sao ba mẹ chồng tôi lại quá bất công như thế. Anh đi làm nuôi cả gia đình, đến khi bán nhà mà anh cũng không được ba mẹ nghĩ đến trong khi đó em trai anh lại được đứng tên căn nhà mới.

Cách đây mấy hôm, mẹ chồng tôi gọi điện trách chồng tôi không biết lo cho ba mẹ, không cùng phụ giúp em mà cứ để cho vợ chồng nó lo hết. Chồng tôi nói, mẹ đã giao hết tài sản cho chú ấy để chú ấy lo cho bố mẹ, ngay cả việc vợ chồng tôi vay mẹ 2 trăm triệu, mẹ cũng bắt chúng tôi trả vào tài khoản chú ấy thì giờ sao mẹ lại trách móc vợ chồng tôi. Con của chúng tôi nhập viện mượn mẹ 2 triệu nộp tiền viện phí chưa được bao lâu mẹ cũng đòi, trong khi con chú ấy nằm viện, mẹ lên ở rồi chăm cháu. Mẹ không công bằng với các con của mẹ cũng không công bằng với các cháu hay vì vợ chồng tôi sinh con gái nên mẹ không thích.

Nói thực mẹ chồng tôi đúng là không thích cháu gái thật, khi biết tôi mang thai con gái, ông bà đã rất hời hợt, không quan tâm, cháu đau kệ cháu, con dâu đau cũng kệ con dâu, ngay cả con trai đau ông bà cũng mặc kệ để con dâu vừa chăm cháu vừa chăm chồng. Nhưng vợ chồng em đau ốm là vội vàng lên chăm.

Tôi thật sự không hiểu sao lại có sự phân biệt như vậy, trong khi chồng tôi là một người con có hiếu, đi trả nợ thay cho mẹ không biết bao nhiêu lần, làm lương bao nhiêu đều đưa mẹ lo cho em, lo cho gia đình. Tôi làm dâu cũng không một lời nói hỗn, cố gắng làm vui lòng nhà chồng nhưng luôn bị đối đãi tệ bạc.

Mấy hôm nay, chồng tôi rất buồn xen lẫn sự bất lực vì bị chính ba mẹ và em đối xử tệ, bao nhiêu quyền lợi em chồng tôi hưởng, chồng tôi không có gì cả. Vợ chồng tôi vẫn đang mang nợ phải trả hàng tháng, nhiều khi đói phải về ngoại xin thức ăn, cũng không nhờ vả gì được nhà nội. Vậy mà, giờ lại bị cả nhà quay ra trách cứ. Thật sự tôi cảm thấy quá buồn, không biết phải làm gì đây?

Câu chuyện đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ của nhiều thính giả gần xa. Mỗi người một lời khuyên khác nhau. Nhưng tựu chung lại đều mong muốn người phụ nữ ấy hãy cùng chồng vượt qua khó khăn, cùng chồng vun đắp cho tổ ấm nhỏ bé của mình. Và biên tập viên chương trình cũng có đôi lời muốn gửi tới chị thế này:

Chị à, tôi hiểu rằng, bất cứ ai ở trong hoàn cảnh của chị cũng cảm thấy buồn và tổn thương. Mình luôn dành sự quan tâm, giúp đỡ cho bố mẹ, cho em trai, vậy nhưng, bố mẹ lại không hề ghi nhận. Có thể có một điều gì đó sâu xa mà phận làm con không thể hiểu hết, nhìn nhận được hết khiến bố mẹ có cách cư xử không công bằng như vậy.

Có lẽ, trong tâm lý của bố mẹ, con út sinh sau đẻ muộn thường thiệt thòi hơn anh chị. Đó là chưa kể tới việc có thể khi nuôi người em vất vả hơn nên bố mẹ thường sẽ chiều chuộng hơn, thương hơn, vì thế mà dành sự quan tâm, chăm sóc và cho người em nhiều hơn. Trong khi, vợ chồng anh chị hoàn toàn tự lực cánh sinh, có công việc ổn định nên bố mẹ luôn cảm thấy yên tâm mà không cần phải lo lắng cho anh chị.

Hoặc cũng có thể do bố mẹ chồng chị vẫn mang nặng tư tưởng phải có con trai để nối dõi cho nên thấy vợ chồng em trai có con trai, ông bà trở nên yêu quý và muốn dành tất cả tài sản cho người em.

Hơn nữa, trong thư chị cũng có chia sẻ, khoảng thời gian sống chung với gia đình chồng, cuộc sống của chị như địa ngục. Phải chăng giai đoạn đó, giữa vợ chồng chị và bố mẹ đã có những chuyện không vừa ý nhau mà không được giải quyết thỏa đáng, để rồi bố mẹ chồng chị có cách đối xử không công bằng như vậy?

Tôi cũng chỉ xin phỏng đoán một vài lý do như vậy, để chị có thể bình tâm suy xét, nhìn nhận lại mọi chuyện một cách cụ thể, rõ ràng hơn. Vậy nhưng, chị biết không, mọi sự so sánh đều rất khập khiễng, đều chỉ khiến mình cảm thấy bị thiệt thòi hơn người khác. Sẽ có những lúc, ta nhìn thấy, người khác chẳng làm gì cũng có được mọi thứ, còn mình thì dồn bao tâm huyết, bao cố gắng cũng chẳng thế có được.

Theo tôi, thay vì suy nghĩ, buồn tủi rồi so sánh vợ chồng em trai được những gì, vợ chồng mình không được những gì thì chị hãy động viên chồng, hãy chỉ cho anh ấy thấy rằng, anh chị đã cố gắng thế nào, đã làm được những gì cho bố mẹ, cho em trai, đã có được những điều gì trong cuộc sống. Thực tế là dù không được hỗ trợ, giúp đỡ nhưng anh chị không những làm được mà còn làm rất tốt đó sao.

Anh chị có nền tảng tốt là đi lên bằng chính khả năng và sức lực của mình, có một công việc ổn định, dù rằng bây giờ anh chị vẫn còn phải trả nợ. Nhưng các cụ ta chẳng có câu “cháo nóng húp quanh, công nợ trả dần”, tôi tin rằng, dần dần, anh chị sẽ có được cuộc sống đầy đủ hơn, vững vàng hơn và đáng tự hào biết bao.

Bản thân tôi luôn cho rằng, cái gì của mình làm ra thì mới thật sự là của mình. Và khi mình tự làm chủ cuộc đời mình thì mình mới hoàn toàn có thể tự quyết định mọi việc, từ việc mua gì bán gì cho đến việc nuôi dạy con thế nào. Chị thử nghĩ xem, nếu như chị phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bố mẹ thì chắc chắn chị sẽ không có được điều đó.

Anh chị đang mang tâm trạng ấm ức, khi bố mẹ dành hết tài sản cho người em và tuyên bố em trai sẽ là người chăm sóc ông bà cũng như lo chuyện thờ phụng sau này. Cho nên, giờ đây, khi bị bố mẹ chỉ trích rằng, anh chị không chăm lo tới bố mẹ mà để mặc tất cả cho người em thì anh chị lại càng cảm thấy tủi thân vì những gì mình dành cho bố mẹ lại không được ghi nhận.

Trong cuộc điện thoại giữa chồng chị và bố mẹ, anh đã nói rõ tất cả, như vậy cũng khiến anh chị nhẹ lòng hơn chút. Nhưng ở một góc độ khác, tôi nghĩ rằng, anh chị cũng thử suy xét lại xem, có đúng là thời gian qua, anh chị đã lơ là, không quan tâm, hỏi han đến bố mẹ hay không? Vì nghĩ người em được hưởng tất cả thì người em phải có trách nhiệm, còn anh chị không có nghĩa vụ gì nữa. Vậy nhưng, dẫu có như thế nào thì bổn phận làm con, chắc chắn vẫn phải thăm hỏi bố mẹ, chị ạ. Dù có không nhờ cậy được ông bà việc gì từ chuyện chăm cháu đến lúc anh chị mua nhà, dù có không được cho bất cứ tài sản gì, thì cũng không vì thế mà bỏ mặc ông bà được. Anh chị vẫn cần phải thăm hỏi thường xuyên. Đừng để những gì anh chị dành cho bố mẹ bao năm qua, chỉ vì một chút không bằng lòng mà khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn chị nhé!

Mong rằng, những lời góp ý, chia sẻ, phân tích của tôi cũng như các quý thính giả sẽ giúp anh chị nhìn nhận sự việc thấu đáo hơn và lựa chọn được cách cư xử đúng đắn hơn.