Người phụ nữ viết thư đến chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi để tâm sự câu chuyện gia đình mình:

Năm nay tôi 42 tuổi. Tôi lấy chồng năm 2010. Lúc ấy, chồng tôi đang làm việc ở 1 công ty tư nhân, còn tôi chưa có công ăn việc làm ổn định mà chỉ đi làm thuê cho người ta kiếm đồng ra đồng vào.

Đến năm 2011, tôi mang bầu đứa con đầu lòng. Sức khỏe tôi yếu nên ngay từ những tháng đầu của thai kỳ, bác sĩ đã khuyên tôi nên nghỉ việc ở nhà dưỡng thai. Vì thế, cuộc sống của 2 vợ chồng chỉ trông vào đồng lương của chồng tôi. Sau khi sinh con, do không thể nhờ được bố mẹ 2 bên giúp đỡ nên tôi tiếp tục ở nhà đến khi con 2 tuổi mới đi làm.

Thế nhưng dần dần, việc làm ăn ở công ty chồng tôi có dấu hiệu bất ổn, nợ lương nhân viên mấy tháng mới trả 1 lần. Đến đầu năm 2014, cơ quan chồng tôi ngừng kinh doanh do vỡ nợ. Chồng tôi đã gửi đơn xin việc chỗ khác nhưng cũng chỉ xin được một công việc với mức lương 4 triệu 1 tháng. Cuộc sống gia đình tôi ngày càng khó khăn. Vậy là tôi quyết định nghỉ việc rồi vay mượn khắp nơi để mở cửa hàng bán quần áo.

Có lẽ là được trời thương nên việc kinh doanh của tôi rất thuận lợi. Cứ thế chúng tôi đã trả hết nợ, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá và cũng mở được cửa hàng quần áo lớn hơn. Gần đây, chúng tôi còn mua được nhà nữa. Thấy tôi làm việc vất vả, anh ấy không ngại dành thời gian chăm con, làm việc nhà, thậm chí thỉnh thoảng còn đi đưa hàng giúp tôi. Thế nhưng gần đây, anh ấy không còn giúp tôi những chuyện ấy nữa mà nằng nặc bắt tôi thuê giúp việc. Chồng tôi bảo anh ấy lấy vợ để làm chồng chứ không phải để làm osin cho vợ. Anh ấy cũng không tham gia những buổi tụ họp của gia đình tôi nữa. Điều đó khiến các anh chị em của tôi rất khó chịu. Họ bảo tôi rằng chồng tôi chỉ là ngữ ăn bám mà còn làm cao, coi thường gia đình vợ. Đã thế, cứ mỗi khi tôi sắm sửa gì cho gia đình và 2 bên nội ngoại, anh ấy lại tỏ thái độ không hài lòng, bảo tôi không coi anh ấy ra gì.

Gần đây, chỉ vì tôi thay cái tủ lạnh cũ của bố mẹ chồng bằng cái tủ lạnh to hơn mà anh ấy làm ầm lên, nói rằng không chịu nổi người vợ như tôi nữa và muốn ly hôn. Trong khi bố mẹ chồng tôi rất vui vẻ, vì cái tủ lạnh của ông bà đã quá cũ, cũng nhỏ nữa nên chẳng đựng được mấy đồ mà còn tốn điện. Tôi giải thích với chồng thì anh chẳng thèm nghe. Chẳng lẽ chỉ vì chuyện cỏn con ấy mà tôi mất chồng? Hay tôi đã làm điều gì sai nên mới khiến chồng đối xử với tôi như vậy? Tôi không biết phải làm thế nào để giải quyết mọi chuyện bây giờ?

Sau khi phát sóng câu chuyện, thính giả đã có nhiều lời khuyên cho nhân vật:

Biên tập viên chương trình cũng có đôi lời chia sẻ với nhân vật:

Trong xã hội hiện đại, ngày càng nhiều người vợ có chức tước, thu nhập, học thức, thậm chí là ngoại hình… hơn chồng. Vì thế, câu chuyện “chồng thấp” – “vợ cao” không còn là chuyện hiếm gặp.

Ai cũng hiểu, thước đo trong tình yêu hay trong hôn nhân không thể nào đánh giá bằng vật chất, ngoại hình hay trình độ. Bởi một tình yêu chân thật, hôn nhân đúng nghĩa là kết quả của sự thử thách về tấm lòng, tư tưởng, nhân cách, đạo đức... của cả hai. 2 người mến nhau, yêu nhau, cảm thấy cần có nhau trong cuộc sống nên mới tiến đến hôn nhân. Tuy nhiên đó chỉ là những giai đoạn khởi đầu. Vì càng về sau, những bất đồng trong suy nghĩ, cách ứng xử của 2 người sẽ khiến cuộc sống vợ chồng trở nên mâu thuẫn, rắc rối hơn. Rồi cả sự xì xào, bàn tán của người xung quanh càng làm sâu hơn cái hố ngăn cách về vật chất, ngoại hình, trình độ… giữa vợ chồng.

Qua những gì bạn kể trong thư thì chồng bạn là người đàn ông mẫu mực, hết lòng yêu thương vợ và sẵn sàng làm tất cả để giúp đỡ vợ. Thế nhưng hiện giờ, tình cảm của anh ấy dành cho bạn không được như trước nữa. Dường như bạn vẫn không biết nguyên nhân tại sao trong khi tôi và hầu hết thính giả đều đã nhìn ra nguồn cơn của sự việc. Có lẽ đúng như các cụ ta đã nói: “Ngoài cuộc tỉnh táo, trong cuộc u mê” chăng? Sự chênh lệch trong thu nhập của vợ chồng bạn, những lời nói đâm chọc của anh em bạn và cả sự vô tâm của bạn đã khiến chồng bạn thay đổi đấy, bạn à. Bạn quá vô tư trước cảm xúc của người bạn đời, làm anh ấy cảm thấy ý kiến của mình không còn giá trị tham khảo nữa. Chính cách cư xử của bạn làm cho chồng nghĩ rằng bạn mới là trụ cột trong gia đình, còn anh ấy chỉ là người giúp việc, tiếng nói không có trọng lượng. Còn anh chị em của bạn lại coi thường chồng bạn ra mặt khi nói anh ấy bám váy vợ. Bạn có nghĩ rằng chồng mình đã từng nghe được những lời nói như thế không? Mà cứ cho rằng không ai nói thế trước mặt anh ấy thì anh ấy vẫn có thể nhận ra những ánh nhìn, những lời xì xào của họ. Vậy thì sao anh ấy có thể thản nhiên ăn uống, tụ tập với gia đình bên ngoại như không có gì xảy ra?

Ông bà ta từng nói: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Vậy nên, dù là việc nhỏ hay việc lớn trong nhà, bạn cũng nên kéo chồng tham gia. Chẳng hạn khi đi chợ, bạn hỏi chồng thích ăn gì. Khi trang trí, mua sắm đồ đạc trong nhà, bạn nhờ chồng tư vấn… Sắm sửa, biếu quà cho bố mẹ hai bên, lo cho con cái đi học… bạn cũng nên hỏi ý chồng. Khi cùng bàn bạc và chia sẻ với nhau, mặc cảm “lương cô ấy nhiều hơn lương tôi” hay “tôi không phải là trụ cột trong gia đình” sẽ biến mất. Thay vào đó, người chồng vẫn thấy mình có vị trí quan trọng và tham gia quyết định vấn đề then chốt trong gia đình. Còn nếu anh chị em của bạn coi thường và nói xấu chồng bạn, đừng chỉ im lặng mà hãy lên tiếng bảo vệ chồng và cũng là bảo vệ tổ ấm của mình. Chồng bạn đâu ngửa tay xin tiền của bạn, anh ấy vẫn đi làm mà. Vậy đâu phải là “ăn bám”. Bạn vất vả thì chồng bạn cũng bận rộn không kém khi giúp bạn chăm con, làm việc nhà, đưa hàng... Nếu anh ấy không chấp nhận chia sẻ những việc đó với bạn thì bạn có chuyên tâm kiếm tiền được không?

Còn gì vui hơn khi gia đình, vợ chồng có được sự đồng cảm. Và để làm được điều đó, người phụ nữ phải thật tinh tế trong lời nói và khéo léo trong ứng xử, tránh làm tổn thương bạn đời. Muốn thế, người vợ nên chịu khó quan sát và đặt mình vào địa vị của chồng để suy xét. Ngược lại, về phần mình, đàn ông cũng cần có cái nhìn thoáng hơn để chấp nhận sự thật và xóa đi mặc cảm, đố kị. Như thế mới có thể sống vui vẻ, hạnh phúc bên người bạn đời. Dù gì đi nữa, họ vẫn là phái yếu và cần một bờ vai vững chắc để nương tựa.

“Cao” hay “thấp” không phải là vấn đề. Điều quan trọng nhất đó là tình yêu, sự cảm thông giữa vợ chồng có đủ lớn để vượt qua tất cả những khó khăn của cuộc sống. Tôi và các thính giả chờ hồi âm vui của bạn.