Chị Trịnh Thị Lương, trú tại thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội bị khuyết tật vận động bẩm sinh, đi lại khó khăn. Chị theo học nghề may với mong muốn tự kiếm được thu nhập nuôi bản thân. Sau khi học xong, chị biết đến nguồn vốn giải quyết việc làm, với lãi suất ưu đãi cho người khuyết tật của Ngân hàng Chính sách xã hội và đã mạnh dạn vay vốn để giải quyết việc làm.

"Quá là mừng khi được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng chính sách. Mình vay từ 2014, để làm may đo. Từ ban lãnh đạo đến nhân viên đối xử rất tốt, rất nhiệt tình. Mình giờ vẫn tiếp tục vay và được vay tối đa là 50 triệu. Mình vay là 3,93%/năm. Đấy là 1 ưu đãi quá lớn, đâu phải ai cũng được vay như thế đâu." - Chị Lương chia sẻ.

Với số tiền vay được, chị Lương đầu tư để mua máy khâu, vải vóc và mở rộng sản xuất. Ban đầu, cơ sở may chỉ có một mình chị, nhưng hiện tại đã tạo thêm việc làm cho 3 người nữa với mức thu nhập mỗi người là 4-5 triệu đồng một tháng. Từ việc chỉ may trang phục cho khách hàng nhỏ lẻ tại địa phương, đến giờ cơ sở may của chị Lương đã có thêm các đơn hàng may áo dài, đồng phục cho một số cơ quan, đơn vị.

Giống như chị Lương, bà Nguyễn Thị Thìn, thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì cũng là một trong rất nhiều những trường hợp đã được tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống. Bà Thìn phấn khởi vì công việc của mình ngày càng quy mô: "Cũng nhờ sự ưu ái vay vốn của ngân hàng bao nhiêu năm nay, vay vốn nhiều với lãi suất rẻ nên càng phát triển."

Đánh giá về chương trình tín dụng chính sách, ông Nguyễn Văn Sung, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì cho rằng: "Nếu như năm 2003, dư nợ trên địa bàn xã là 350 triệu thì đến nay, tổng dư nợ trên địa bàn xã đã đạt trên 27 tỷ đồng với 16 tổ tiết kiệm vay vốn, 624 khách hàng. Hầu như các hộ đều quản lý, sử dụng hiệu quả, góp phần đem lại thu nhập, phát triển kinh tế gia đình cũng như phát triển kinh tế trên địa bàn xã."

20 năm qua, đồng vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc cho hộ có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, khẳng định vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thanh Trì. Nguồn vốn này đã góp phần giúp hơn 8.500 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho hơn 22 nghìn lao động, giúp gần 1.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo hơn 38 nghìn công trình nước sạch vệ sinh mội trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 181 ngôi nhà cho hộ nghèo. Có thể nói, tín dụng chính sách là công cụ, giải pháp quan trọng, có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tiễn phát triển của huyện Thanh Trì trong giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Các chương trình tín dụng chính sách đã đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng chính sách, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nhân dân, hạn chế tín dụng đen trên địa bàn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Huyện ủy viên, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Thanh Trì cho biết: "NHCSXH huyện Thanh Trì luôn tích cực trong việc cho vay nguồn vốn ưu đãi, chính sách, giúp rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tạo công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống. Chúng tôi thường xuyên cùng NHCSXH kiểm tra việc cho vay vốn, sử dụng vốn. Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi thấy việc cho vay đối với các đối tượng chính sách rất thuận lợi, thủ tục đơn giản."

Sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị định 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tại huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực sự trở thành một công cụ, giải pháp quan trọng, hữu hiệu, giúp huyện thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.