Bạn nam trẻ tuổi viết thư đến chương trình vì đã chẳng thể chịu nổi áp lực nặng nề từ phía bố mẹ. Ngay sau khi phát sóng câu chuyện, thính giả và biên tập viên chương trình đã góp ý, chia sẻ với bạn:

Tôi đã suy nghĩ khá nhiều về những tâm sự của em. Đó cũng là vấn đề mà không ít gia đình đang gặp phải. Tôi hy vọng rằng, đêm nay, không chỉ có em mà bố và mẹ em có thể nghe được những tâm sự, hiểu được nỗi niềm và mong muốn của con trai mình. Và tôi cũng muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình đến cả em và cha mẹ em nữa.

Không chỉ riêng nước ta, mà cả ở nước ngoài, đã có những trường hợp con cái phải tự tử vì “không hoàn thành được ước mơ… của cha mẹ”, mệt mỏi vì áp lực mà cha mẹ gây ra khiến dư luận bàng hoàng và xót thương. Phải chăng ngày nay cha mẹ không hiểu con mình? Quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng có khoảng cách là vì đâu? Và cha mẹ có nên kỳ vọng quá nhiều vào con cái không? Thực ra tôi nói đến những trường hợp đau lòng kia và đề cập đến những câu hỏi đặt ra cũng không phải là quá mức khi chia sẻ với câu chuyện này của em. Vì chẳng có gì tự nhiên mà lại có cái kết thương tâm như vậy. Đó là cả 1 quá trình tích tụ, dồn nén những áp lực, ức chế và cảm xúc tiêu cực không được giải toả, đến khi giọt nước nhỏ làm tràn ly sẽ tự khắc đẩy người ta đến cái kết mà chẳng ai mong muốn. Nên giá như những bạn trẻ ấy có thể giãi bày, nói lên tâm sự của mình từ sớm và được cha mẹ lắng nghe, được thấu hiểu thì mọi chuyện có lẽ sẽ khác.

Cũng giống như cha mẹ của em thôi, cha mẹ nào cũng yêu thương và luôn mong muốn có thể dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Nhưng tiếc rằng không phải lúc nào cha mẹ cũng là người thực sự hiểu hết về con cái của mình. Nhiều cha mẹ kỳ vọng quá mức vào con cái trong khi khả năng của trẻ có hạn. Sự kỳ vọng của cha mẹ lại không đúng lúc, đúng chỗ nên chuyển thành áp lực cho chính con em mình. Lại thêm sự bảo thủ, chỉ áp đặt một chiều, không biết rằng việc hiểu tâm lý con cái đóng vai trò cốt yếu trong việc nuôi dạy chúng nên người. Thế nên không thể tìm được tiếng nói chung và khoảng cách giữa con cái với cha mẹ ngày càng xa nhau. Một trong những điều mà cha mẹ cần có trong việc nuôi dạy con cái là sự nhất quán và kiên định. Điều này thì cha mẹ em có thừa. Chỉ tiếc rằng, sự nhất quán và kiên định ấy lại đang được sử dụng một cách áp đặt, phiến diện một chiều như tôi vừa nói.

Vấn đề là bây giờ phải làm thế nào để em và cha mẹ mình có thể hiểu được tâm lý của nhau và tìm ra được tiếng nói chung để rút ngắn dần khoảng cách. Tôi nghĩ rằng, để có thể giải toả việc này thì không có gì tốt hơn việc cả 2 bên đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu. Trước khi muốn cha mẹ hiểu mình, hãy suy nghĩ xem em có hiểu tâm lý và những mối quan tâm, lo lắng của cha mẹ không? Có hiểu vì sao cha mẹ mình lại hành động như vậy không? Trong điều kiện gia đình em hiện tại, vì mẹ em đi làm xa nhà, ngoài tầm kiểm soát các con nên cảm thấy vô cùng lo lắng. Nếu ở nhà, gần các con mẹ em lo 1 thì khi xa nhà lo 10. Còn bố em ở nhà có 1 mình, chịu trách nhiệm vừa nuôi vừa dạy 3 đứa con đang tuổi lớn, gánh thêm cả phần trách nhiệm của mẹ em nên càng lo lắng gấp bội phần, sợ rằng mình không thể làm tốt vai trò; và việc nuôi dạy, quản lý cả 3 đứa con là quá sức đối với ông ấy. Thế nên không cần biết đúng sai, xấu tốt, cứ có nguy cơ phát sinh vấn đề gì có dấu hiệu “nguy hiểm” là phải cấm, phải “chặn” cái đã, cho an toàn. Thế nên, khi đã hiểu, đã biết vì sao bố mẹ cư xử như vậy thì em sẽ dễ dàng giải toả được áp lực mà mình đang cảm thấy ngày càng đè nặng lên vai, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt cũng như học tập của mình. Hoặc em cũng có thể thử những cách mà thính giả đã góp ý như tâm sự với thày cô hoặc người lớn tuổi trong gia đình mà em tin tưởng, nhờ họ nói chuyện với bố mẹ em. Em cũng có thể tìm thời điểm thích hợp để tâm sự với bố mẹ bằng cách nói chuyện trực tiếp hoặc viết thư. Cùng với việc mở rộng lòng mình, thể hiện tình yêu thương dành cho cha mẹ, cho em út, hãy chứng minh bằng hành động và đạt kết quả học tập thật tốt. Tôi tin là em sẽ thiết lập được mối quan hệ của đứa con trưởng thành với cha mẹ, một mối quan hệ không kém phần cảm thông và gắn bó.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe: