35 năm hoạt động vì cộng đồng

# PV: Cơ duyên nào đưa bà đến hoạt động thiện nguyện?

Chắc là tôi được hưởng gen di truyền của bà nội. Trước kia bà tôi có nuôi con nuôi và giúp đỡ người nghèo. Bản thân tôi, năm 1987, tôi cứu sống 1 bà cụ. Từ đó đến giờ, tôi cứ đều đặn, triền miên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Thời gian đi hành thiện, không hiểu sao tôi cứ như người ruột thịt của những người thiếu may mắn. Các việc làm như ngấm vào máu tôi, triền miên đi làm từ năm 87. Càng làm thiện tôi càng thấy trẻ, khỏe, vui.

# PV: Nói như đạo Phật thì đấy cũng như là một cái “duyên” của bà đối với những hoạt động thiện nguyện.

# Bà Nguyễn Thị Nhung (tên khai sinh là Nguyễn Thị Nhôm) sinh năm 1963, tại phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội trong một gia đình nông dân nghèo.

# Năm 17 tuổi, bà viết đơn tình nguyện đi thanh niên xung phong và được tuyển vào bộ phận nuôi quân.

# Năm 21 tuổi, bà Nhung làm thủ quỹ ở UBND quận Hoàn Kiếm, ngân hàng quận Hoàn Kiếm, rồi được chuyển sang làm ở Xí nghiệp thương binh quận Hoàn Kiếm. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn mà chẳng thể giúp đỡ, bà quyết định nghỉ làm ở Nhà nước để đi buôn bán, kiếm tiền làm việc thiện.

# Trong hơn 30 năm làm việc thiện, bà Nhung đã nhận được nhiều Kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ các cấp. Năm 2020, bà vinh dự nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng.

Hay là ông Giời sinh ra tôi để đi làm thiện? Tôi nghĩ thế. Từ lúc tôi chưa vào nhóm thiện nguyện, chưa là thành viên TƯ Hội Chữ thập đỏ, bản thân tôi và gia đình tôi cứ âm thầm, lặng lẽ đến các tỉnh, sẵn sàng bỏ một lúc mấy trăm triệu để xây nhà cho gia đình người ta. Niềm hạnh phúc nhất của tôi là giúp được những người khó khăn, khổ sở, đó là cái nguồn cho tôi được an vui, an nhiên. Tôi nghĩ đến chuyện kinh doanh, từ kinh doanh nhỏ đến kinh doanh lớn.

# PV: Được biết trước đây, bà làm việc ở cơ quan Nhà nước nhưng sau đó đã nghỉ việc để quay ra buôn bán lấy tiền làm từ thiện, phải không ạ?

Tôi chuyển ngành từ quân đội về làm kế toán ở UBND quận Hoàn Kiếm. Có những lúc tôi đi lấy tiền ngoài ngân hàng, trong người tôi cầm số tiền rất là lớn. Đi đường gặp rất nhiều ăn mày, ăn xin nhưng tôi không thể lấy tiền của nhà nước ra trao được, mà cứ đau đáu làm thiện nên tôi xin về một cục luôn. Tôi về một cục thì tiền đấy tôi mua bánh mì trao cho bệnh nhân trong bệnh viện Bạch Mai hết số tiền đấy.

# PV: Bây giờ mọi người hiểu về hoạt động thiện nguyện và tham gia rất nhiều. Nhưng ngày xưa, ở cái thời bao cấp, khi mà bà bỏ tiền túi của mình ra để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn như vậy, gia đình bà có phản đối không?

Việc làm của tôi, gia đình tôi ai cũng ủng hộ. Giờ ông chú tôi 90 tuổi rồi nhìn thấy cháu xuất hiện trên tivi là ông khóc và bảo tự hào về tôi. Cả gia đình tôi đều làm thiện. Ai ai cũng đồng ý và khích lệ tôi. Tôi may mắn cả gia đình đồng tình cho tôi làm những việc rất lớn lao như thế.

# PV: Vâng, như bà vừa nói thì cả gia đình đều ủng hộ những hoạt động thiện nguyện của bà, thậm chí còn tham gia hoạt động thiện nguyện khác ạ?

Tôi yêu nhất là cháu gái tôi mới tập nói thôi nhưng khi tôi đang làm lá bồ đề, mẹ cháu bế cháu từ trên tầng xuống, mẹ nó hỏi bà đang làm gì. Nó bảo bà làm lá, tay nó còn gõ gõ, rất yêu. Đó là động lực khích lệ để tôi làm.

# PV: Bà đã có 35 năm hoạt động vì cộng đồng, chắc là rất khó để bà có thể nhớ được mình đã giúp đỡ được bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn?

Tôi không nhớ được nhưng cứ ai mà tôi biết người ta khó khăn thực sự thì mình dốc lòng giúp đỡ người ta. Tôi cảm nhận đấy là việc tôi phải làm để người ta đỡ khổ, đỡ bất hạnh. Đó là niềm vui của tôi.

# PV: Được biết trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, bà cũng đã có những hoạt động vì cộng đồng?

Ngoài việc tham gia các hoạt động trong nhóm, 2 năm liền, tôi cũng ra trực tiếp ngoài phường Văn Miếu, xin đồng chí Chữ thập đỏ của phường danh sách 30 hộ nghèo, cận nghèo để trao 30 suất cho các bác đỡ khó khăn. Đến lúc tôi nhận được là hơn 30 một chút. Tôi trao mỗi suất 10 cân gạo, 1 thùng mì tôm, 1 gói mì chính, 1 chai dầu ăn... Mỗi suất trị giá hơn 300 nghìn. Tôi nhờ UBND phường Văn Miếu để tập kết và trao. Có những đợt tôi không trao được thì nhờ phường đứng lên trao.

"Bà Tiên" của những hoàn cảnh khó khăn

Không chỉ nhường cơm, sẻ áo cho những hoàn cảnh khó khăn, bà Nhung còn cưu mang nhiều mảnh đời bất hạnh, những đứa trẻ yếu thế mà bà có cơ duyên gặp gỡ trong hành trình đi làm việc thiện của mình.

Hơn 10 năm trước, trong một lần về thăm mộ liệt sĩ ở vùng đất Quảng Bình, bà Nguyễn Thị Nhung gặp Trương Đình Tứ - một đứa trẻ dù đã mười lăm, mười sáu tuổi nhưng vô cùng ngờ nghệch, đôi lúc có biểu hiện không bình thường, khiến mọi người sợ hãi, xa lánh. Vì xót xa gia cảnh nghèo khổ, thiệt thòi của con trẻ, bà đã đề nghị với gia đình được đón cháu ra Hà Nội chữa bệnh. Bà mang Tứ đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm, cuối cùng bà bàn với gia đình đưa Tứ về ở cùng nhà và chữa bệnh cho em bằng chính tình thương của mình. Em Trương Đình Tứ chia sẻ: "Em gắn bó, sống cùng với cô từ đó đến giờ. Cô là người tốt, toàn đi làm việc thiện, giúp đỡ người khác, hoàn cảnh khó khăn là cô giúp nhiệt tình. Cô coi em hơn cả con ruột, chăm sóc từng tí một."

Nhờ sự chăm sóc, chạy chữa của bà Nhung, sau 3 năm, Tứ đã dần khỏi bệnh. Hiện giờ, Tứ rất nhanh nhẹn lại hiền lành, đang làm việc tại quầy bán hải sản của gia đình bà Nhung ở chợ Châu Long. Với Tứ bà Nhung không khác gì người mẹ thứ hai và Tứ cũng muốn mình có thể giúp đỡ được người khác như “mẹ” Nhung: "Việc từ thiện, giúp đỡ người khác là có ích cho xã hội. Em nhìn vào cô và cũng muốn nếu mình có điều kiện thì san sẻ cho người khác để cuộc sống đỡ hơn."

Mấy năm trước, qua công việc buôn bán hàng ngày ở chợ Châu Long (quận Ba Đình), bà Nhung biết đến em Tạ Long Nhân (sinh năm 2001, quê ở tỉnh Phú Thọ), bị thiểu năng trí tuệ. Bố mất, mẹ bị bệnh thần kinh, Nhân ở với bà ngoại gần 80 tuổi. Vốn là người phụ nữ giàu lòng trắc ẩn, bà Nhung đã nhận Nhân về nuôi và bố trí làm công việc phù hợp với sức khỏe. Nhân cho biết: "Bà cũng tốt, hay giúp đỡ người nghèo và người khó khăn. Làm ở đây thấy đỡ mệt hơn ở quê, thu nhập cũng khá."

Trương Đình Tứ, Tạ Long Nhân chỉ là hai trong số rất nhiều những đứa trẻ kém may mắn hoặc bị bệnh tật, được bà Nhôm chăm lo, coi như con mình. Dù biết rằng nuôi dạy những đứa trẻ bình thường đã khó, cưu mang những đứa trẻ bệnh tật còn khó hơn nghìn lần nhưng bà Nhung vẫn dang tay đón các em về nhà, chăm sóc các em bằng tình yêu thương và trái tim nhân hậu của một người mẹ. Đến khi những đứa trẻ ấy lớn hơn, bà Nhung lại động viên mỗi người theo học một nghề để tự lập trong cuộc sống tương lai. Người nào thích học sửa chữa ô tô, xe máy, bà hỗ trợ tiền cho theo học; ai muốn theo nghề buôn bán hải sản của bà, bà cũng sẵn sàng hướng dẫn, dìu dắt... Có những em đã trưởng thành, lập gia đình và trụ vững ở Hà Nội. Đối với nhiều người, việc làm của bà Nhung có ý nghĩa thật lớn lao, nhưng với bản thân bà thì đó chỉ là việc người mẹ làm cho các con của mình.

- Làm việc này phải xuất phát từ trái tim. Cháu Tứ sợ ánh sáng, phải ngồi trong bóng tối. Người ta bảo cháu bị điên, sao lại đưa cháu về nhà? Nhưng tôi không sợ, tôi gần gũi cháu, tôi bê cho cháu từng bát cơm, bát phở, nâng niu cháu… Cứ từng bước, từng bước một, cháu khỏi bệnh. Đấy là điều an ủi mà tôi rất vui. Bản thân mình có trái tim rồi, mà các con mình gần mình lại khỏi bệnh thì tôi cảm thấy đó là hạnh phúc. Tôi mong cộng đồng nhìn thấy việc tôi làm và phát tâm bồ đề như tôi để lan tỏa yêu thương cho tất cả những người thiếu may mắn. - Bà Nhung chia sẻ.

Đam mê làm việc thiện

# PV: Hiện giờ bà vừa là thành viên của TƯ Hội Chữ thập đỏ vừa là thành viên của nhóm thiện nguyện “Mùa thu và những người bạn”. Từ đâu mà bà biết đến nhóm?

Tôi làm thiện thì cũng nhiều người biết đến. Có hôm tôi ngồi kinh doanh ở chợ có em ra bảo cho em xin tạ gạo. Bạn đấy là bạn Dung – thành viên nhóm cháo, bảo là xin tạ gạo để nấu cháo cho bệnh nhân nghèo. Tôi phát tâm luôn và bảo là mỗi tháng sẽ hỗ trợ tạ gạo. Thế nhưng đồng tiền của tôi đi đến đâu, làm gì cũng phải xem xét. Các bạn thấy tôi tâm huyết nên cho tôi tham gia vào nhóm thiện. Vừa rồi tôi cũng mua 1 căn nhà giao cho nhóm thiện để các em nấu cháo, tập trung hoạt động thiện để lan tỏa yêu thương cho những người thiếu may mắn trong xã hội.

# PV: Bà mới nói tới ngôi nhà thì đó là ngôi nhà 4 tầng trên phố Lạc Nghiệp, quận Hai Bà Trưng. Tại sao bà lại quyết định trao ngôi nhà đấy cho nhóm “Mùa thu và những người bạn”? Vì ngôi nhà là một tài sản rất lớn, thậm chí là mơ ước của rất nhiều người?

Đúng, ngôi nhà là tài sản rất lớn nhưng nói thật cuộc sống chỉ đủ đã là hạnh phúc lắm rồi. Thừa thì mình nên tận dụng cái thừa đấy để trao cho những người thiếu may mắn. Giao cho nhóm Mùa thu và những người bạn lấy nơi để nấu cháo, đầu tiên chỉ nấu 3 viện, xong lên tới 5 viện, 7 viện... Chúng tôi phải có cơ sở để nấu, để hoạt động các việc, kể cả kinh doanh để lấy tiền góp lại làm nhiều việc lớn: nấu cháo, xây trường cho các con vùng cao, cứu nhiều trường hợp thiếu may mắn… Chúng tôi toàn dùng vào các đồng tiền thiện nguyện cả.

# PV: Và 6 năm ở trong nhóm thiện nguyện, ngoài việc nấu cháo, bà còn tham gia những hoạt động nào của nhóm nữa?

-Cô là người có một không hai, tất cả mọi người đều yêu quý, kính trọng “chị lớn”, rất xứng đáng là con chim đầu đàn, rất biết bao dung. Tình thương của “chị lớn” rất bao la.

-Chị ý hiền với cởi mở với chị em lắm, gần gũi, thân tình, rất có lòng nhân hậu, mình vì mọi người. Nhung luôn nghĩ cho mọi người, cho cộng đồng.

-Có buổi hết cháo, chị Nhung còn mua tặng bánh mì để phát tiếp. Chị Nhung tuyệt vời, 1 người rất có tâm, rất thương những hoàn cảnh thiếu thốn, biết san sẻ.

Các thành viên nhóm thiện nguyện Mùa thu và những người bạn nhận xét về bà Nhung.

Chúng tôi bầu ra các ban bệ, nào là nhóm tài vụ theo dõi thu chi trong nhóm, bộ kinh doanh, rồi trong nhóm nấu cháo ra thì có đội xe là Bộ 2 thông (nghĩa là cả đường vào cả đường ra)… Khi tham gia vào nhóm, các em biết tôi cũng là người tâm huyết. Các em bầu tôi làm bí thư. Nơi này, chúng tôi nguyện làm việc thiện, hoạt động về thiện và lan tỏa yêu thương cho khắp cộng đồng. Ai thiếu may mắn gặp chúng tôi, chúng tôi giải quyết hết. Tôi làm lá bồ đề để các em ở nhóm thiện làm nên những bức tranh lá bồ đề để bán gây quỹ xây trường cho các con vùng cao, hoạt động nhóm thiện. Tôi thấy rất vui.

# PV: Làm lá bồ đề như thế nào ạ?

Đầu tiên, các em lấy lá bồ đề, cho vào xoong nấu chín, xong tôi dùng bàn chải đánh các phần lá luộc chín tung ra, chỉ lấy xương thôi. Làm cái này phải dùng cái tâm. Mình cảm nhận 1 việc làm nhỏ của mình thôi đã đem đến cho nhiều người hạnh phúc.

# PV: Tức là mình lấy xương lá bồ đề, sau đấy các bạn sẽ kết thành những bức tranh gây quỹ ạ?

Đúng, bạn tìm hiểu sẽ biết chúng tôi làm kỳ công những bức tranh như thế nào. Có những bức tranh chúng tôi bán 65 triệu, 40 triệu… có những cây bồ đề bán được 25 triệu. Thậm chí chúng tôi làm ngày, làm đêm không đủ bán cho khách. Vì cây bồ đề chúng tôi làm yêu vô cùng luôn, ai nhìn cũng thích.

Em không thể tưởng tượng cô Nhung có niềm đam mê làm từ thiện như thế nào. Để một người bỏ ra số tiền rất, rất là lớn mua 1 ngôi nhà mặt phố, cái này để cho thuê 1 tháng đã mấy chục triệu rồi, chứ đừng nói để cho nhóm hoạt động. Không chỉ hiến nhà mà cô còn tham gia rất nhiều các đóng góp khác. Cô vẫn đóng góp hàng tháng 1 vài tạ gạo cho bọn chị nấu cháo. Rồi đi các điểm trường, mỗi lần lại 10-20 triệu đưa vào đóng góp cùng. Các điểm trường xa xôi, vùng núi… ở đâu cũng có mặt cô. Còn hoạt động làm lá bồ đề, cô có thể 1 ngày ngồi 12 tiếng đồng hồ để làm lá. Những gì liên quan đến hoạt động từ thiện về cả công và sức cô đều tham gia. Chị tham gia thiện nguyện gần 20 năm rồi nhưng chưa bao giờ gặp được người đặc biệt như thế.

Thiện có thiện báo

“Hành trình thiện nguyện” của người phụ nữ nhân hậu Nguyễn Thị Nhung đã có lúc tưởng chừng phải dừng lại khi năm 2021, bà gặp một tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến não bộ bị ảnh hưởng nặng nề. Bác sĩ khẳng định bà không thể sống nổi, nếu sống được thì sẽ liệt nửa người, không đi lại được.

Tin bà Nhung gặp tai nạn khiến những tiểu thương trong chợ Châu Long – nơi bà buôn bán bao năm qua vô cùng bàng hoàng. Bà Lê Thị Hằng – một tiểu thương trong chợ chia sẻ: "Ôi giời ơi, mọi người thương và xót xa lắm. Vì cô ấy là người rất tốt, ai cũng thương. Nến khi cô ý bị như thế, ai cũng xót xa."

Chị Thành Thị Thu Lương – Trưởng nhóm thiện nguyện Mùa thu và những người bạn nhớ lại tình cảnh lúc bấy giờ: "Bọn chị tưởng là cô đi rồi. Nhóm cứ ngồi chầu chực đến mười mấy ngày cô mới tỉnh và không biết gì. Mổ nhấc cả cái đầu rồi và liệt nửa người rồi thế mà kì diệu, giờ phăm phăm."

Với bà Nhung, việc có thể từ cõi chết trở về đã là một phép màu, một điều kì diệu: "Khi tôi bị tai nạn mổ não, cái sống cái chết với tôi chỉ là trong gang tấc thôi. Giời Phật chắc cũng thương tôi, nhìn thấy tôi làm thiện mấy chục năm rồi nên cho tôi sinh ra lần thứ 2."

“Thiện có thiện báo” – có lẽ câu nói này đã ứng nghiệm với bà Nhung. Bà tin rằng việc hành thiện tích đức hơn 30 năm qua đã đem lại may mắn cho bà, cho bà cơ hội ở lại cõi trần này. Đó cũng là điều bà chia sẻ với chị Thành Thị Thu Lương và các thành viên của nhóm thiện nguyện Mùa thu và những người bạn.

- Cô nói là ông trời cứu cô. Vì cô tích đức quá nhiều. Nếu cô không làm từ thiện nhiều như vậy thì bây giờ cô có được như thế này không? - Chị Thành Thị Thu Lương nói.

Các thành viên trong gia đình bà Nhung cũng tin vào luật nhân quả ấy. Anh Lê Hoàng Việt, con rể của bà Nhung cho hay sau sự việc này, cả gia đình càng tích cực ủng hộ bà Nhung làm từ thiện hơn: "Bà thích làm từ thiện thì ủng hộ bà thôi. Đấy là việc tốt mà, giúp được người khác nữa."

Dù sau vụ tai nạn ấy, bà Nhung bị mất 63% sức khỏe nhưng bà vẫn tiếp tục hành trình lan tỏa yêu thương của mình.

"Tôi cảm nhận tôi không còn minh mẫn cho lắm nhưng tôi vẫn đủ sức khỏe để làm thiện. Tôi vừa mổ não xong nhưng tôi vẫn đi làm thiện. Cảm nhận không làm thiện thì tôi không yên lòng. Tôi đã đi làm được việc thiện trên Hà Giang, Điện Biên… và nhiều nơi khác nữa. Đó là điều may mắn cho tôi. Tôi cũng có khó khăn, trước kia tôi cũng nhận trách nhiệm nấu cháo để chia cháo sáng thứ 3 nhưng giờ tôi không nấu được thì tôi đi chia cháo. Tôi mang lá bồ đề về làm, rỗi lúc nào là tôi làm." - Bà Nhung cho biết.

35 năm hoạt động thiện nguyện, bà Nhung đã nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu như danh hiệu “người tốt việc tốt”. Đấy là động lực để bà tiếp tục con đường làm việc thiện.

Bà Nhung trải lòng: "Mọi người cứ làm đi rồi sẽ biết việc làm của mọi người sung sướng như thế nào. Nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của người ta, người ta vui là tôi cũng vui. Từ đó, tôi có động lực. Tôi cũng mong ông trời cho tôi khỏe để tôi được yêu thương nhiều người thiếu may mắn nữa. Làm việc thiện là hoạt động nhân văn và văn hóa. Việc làm thiện và lan tỏa yêu thương đến cộng đồng, đến người nghèo đã ngấm vào máu, vào da thịt của tôi, ngấm vào từng thành viên trong gia đình tôi. Truyền thống của chúng tôi là lan tỏa yêu thương đến cộng đồng. Rồi tất cả xã hội, cộng đồng ai ai cũng có trái tim thiện thì những người thiếu may mắn chắc không còn nữa."

Mời các bạn nghe toàn bộ chương trình Mỗi tuần một nhân vật về bà Nguyễn Thị Nhung, người phụ nữ đam mê làm việc thiện: