Người phụ nữ hơn 50 tuổi viết thư về chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi tâm sự về nỗi băn khoăn, lo lắng của mình:

Tôi lấy chồng đã 30 năm. Chồng tôi có 1 người anh trai và một chị gái sinh đôi.

Sau khi sinh bác cả được hơn 1 năm, mẹ chồng tôi lại có bầu và sinh đôi. Lúc đó, vì nhà nghèo, đông con, cuộc sống rất khó khăn, vất vả nên bố mẹ chồng gửi con cả cho ông bà nội nuôi hộ. Ông bà chăm sóc bác trưởng thành, lấy vợ cho bác và giao lại nhà cửa, tài sản cho bác. Nguyện vọng của ông bà là sau này bác sẽ thờ cúng ông bà, tổ tiên vì bác là cháu đích tôn. Tôi không biết trong thời gian nhờ ông bà nội nuôi con, bố mẹ chồng tôi đối xử với con như thế nào mà sau này, bác cả đối xử với bố mẹ rất tệ. Với các em bác cũng hờ hững.

Khi bố chồng tôi bệnh nặng, anh chồng tôi không hề chăm sóc, thậm chí còn chẳng buồn đến thăm dù ở ngay gần nhà ông bà. Lúc bố chồng tôi hấp hối, chỉ mong gặp con cả một lần mà không được.

Sau khi bố chồng tôi mất, có lần mẹ chồng tôi bị bệnh. Chị chồng tôi yếu, không thể đưa bà đi bệnh viện nên bà sang nhờ bác cả chở đi khám nhưng bác không chịu. Bác bảo bà chỉ nuôi bác có 1 năm nên bác không có trách nhiệm gì. Sau đó, chị chồng gọi điện cho tôi, tôi xin phép nghỉ việc để đến đưa bà đi bệnh viện luôn. Sau khi khám, mẹ chồng tôi phải nhập viện để điều trị vì viêm loét đại tràng và cả bội nhiễm phổi. Vợ chồng tôi thay phiên vào chăm sóc bà cả ngày lẫn đêm, còn nhà bác cả tuyệt không thấy bóng dáng. Nhờ họ hàng nói mãi, bác cả mới chịu vào một hôm. Tất cả chi phí của mẹ chồng trong thời gian nằm viện đều do vợ chồng tôi chi trả trong khi chúng tôi không khá giả gì. Gia đình bác cả kinh tế khá hơn nhưng tuyệt không chi ra 1 đồng.

Rồi sức khỏe mẹ chồng tôi ngày một yếu, họ hàng bàn việc lo liệu hậu sự cho bà, bác cả cũng không có mặt. Ngày bà mất, hàng xóm đều biết mà sang chia buồn. Vậy mà bác cả ở gần đó lại phải chờ tôi sang báo tin thì mới đến thắp cho bà nén nhang.

Bây giờ, bố mẹ chồng tôi đều đã mất. Điều tôi lo lắng nhất là chị gái sinh đôi của chồng. Năm nay, chị ấy 56 tuổi. Ngay từ khi sinh ra, chị ấy đã hay bệnh tật, yếu ớt, không thể làm được gì để nuôi sống bản thân, cũng chẳng lấy được chồng. Từ ngày bố mẹ chồng mất, vợ chồng tôi đón chị về sống chung. Tôi không tiếc tiền vì chị chỉ có một mình, ăn uống, sinh hoạt chẳng đáng là bao, vợ chồng tôi có thể lo được. Tôi chỉ băn khoăn không biết sau này, khi chị nằm 1 chỗ, liệu có ai chia sẻ việc chăm chị cùng tôi? Hiện giờ, tôi còn sức khỏe thì không sao nhưng nhỡ may, tôi không đủ sức khỏe nữa thì biết chăm sóc chị như thế nào? Tôi phải làm sao bây giờ?

Sau khi phát sóng câu chuyện của chị, chương trình đã nhận được nhiều ý kiến thính giả và biên tập viên chương trình cũng có đôi lời chia sẻ với chị:

Tôi đã từng đọc ở đâu đó câu nói về gánh nặng của người phụ nữ sau khi lấy chồng, ấy là: “Phụ nữ Việt Nam lấy chồng là cưới cả gia đình chồng”. Họ không chỉ phải lo liệu chăm sóc cho chồng, con mà còn cho bố mẹ chồng, anh chị em chồng nữa. Bởi việc anh, chị em đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn cũng là truyền thống tốt đẹp trong gia đình Việt từ trước đến nay. Vì vậy, khi lấy chồng, các nàng dâu cũng có nghĩa vụ chia sẻ, giúp đỡ anh, chị, em chồng những lúc cần thiết. Có điều gánh nặng này đôi khi quá lớn khiến đôi vai của người phụ nữ không còn đủ sức gánh gồng. Hơn nữa, trong cuộc sống hiện nay, một số người cho rằng “anh em kiến giả nhất phận”, không ai có trách nhiệm, nghĩa vụ giải quyết những khó khăn của người khác. Đó là nguyên nhân khiến nhiều gia đình tan vỡ. Thật may khi chị không rơi vào trường hợp đó. 30 năm làm dâu, chị hết chăm sóc cho bố mẹ chồng, rồi lại chăm lo cho chị gái chồng mà không một lời oán than. Điều đó không phải ai cũng làm được đâu chị ạ.

Trở lại với những băn khoăn của chị trong việc chăm sóc chị chồng, nếu chị ấy có chồng, có con thì họ phải có lời nhờ vả đàng hoàng và xác định rõ mức nhờ vả ấy đến đâu, còn lại nghĩa vụ của mình như thế nào, chứ không thể phó mặc hết cho chị. Thế nhưng chị chồng chị lại chỉ có 1 thân 1 mình, hiện giờ người thân của chị ấy chỉ còn chồng chị và anh chồng - người không thèm để tâm. Vậy nên, việc chị chăm sóc cho chị chồng là điều nên làm. Đó không chỉ là thay chồng chị quan tâm đến người thân mà còn là việc làm tích phúc nữa. Tôi đã từng đọc 1 câu chuyện về việc giúp đỡ người khác và muốn kể cho chị cùng các thính giả nghe. Nội dung câu chuyện thế này:

Có 1 người ăn xin, luôn ao ước cuộc sống như bao người bình thường khác. Thế nhưng dù anh đã rất cố gắng vẫn không thể đạt được ước nguyện. Không hiểu tại sao lại thế nên anh quyết định sang Tây Thiên gặp Đức Phật để hỏi rõ ngọn ngành. Trên đường đi, anh đến xin ăn ở nhà 1 viên ngoại. Vị viên ngoại sẵn lòng giúp đỡ anh và nhờ anh hỏi Đức Phật giúp ông xem tại sao con gái ông đã 16 tuổi mà vẫn chưa biết nói. Người ăn mày liền đồng ý. Anh tiếp tục lên đường. Khi tới 1 ngôi đền, anh vào trong xin nước. Vị sư già ở đó đưa nước cho anh rồi hỏi anh đang đi đâu. Anh nói về chuyện của mình. Lão hòa thượng vội vàng kéo tay anh lại và nói: “Anh qua đó hỏi Phật Tổ giúp tôi, rằng tôi đã tu luyện ở đây năm trăm năm rồi, đáng lẽ ra là được thăng thiên rồi, nhưng tại sao tôi vẫn không lên được?” Kẻ ăn mày nhận lời giúp vị hòa thượng. Anh tiếp tục đi về phía trước và gặp một dòng sông nhưng trên sông không hề có một chiếc thuyền nào. Anh cảm thấy lo lắng, sốt ruột, không biết phải làm sao để qua sông. Đột nhiên, dưới sông nổi lên một cụ rùa. Sau khi biết chuyện của anh, cụ rùa nói: “Tôi tu luyện đã một nghìn năm, theo lý mà nói thì đáng lẽ phải hóa thành rồng bay về trời rồi mới đúng, nhưng tại sao tôi vẫn chỉ là một con rùa? Nếu anh đi Tây Thiên xin hãy giúp tôi hỏi Phật Chủ lý do thì tôi sẽ cõng anh qua sông.” Người ăn mày rất vui và đồng ý luôn.

Không biết đi bao nhiêu ngày, cuối cùng anh đã gặp được Đức Phật nhưng Phật ra điều kiện là sẽ chỉ trả lời 3 câu hỏi của anh. Người ăn xin đồng ý. Anh cảm thấy vấn đề của những người mình đã gặp đều quan trọng hơn vấn đề của mình. Vì vậy, người ăn xin quyết định bỏ qua chuyện của mình. Nghe anh hỏi xong, Đức Phật nói với anh, cụ rùa không buông bỏ được cái mai rùa nên mới không tu thành, vì bên trong mai rùa có 24 viên trân châu. Nếu cụ rùa có thể bỏ cái mai đó đi thì nhất định có thể hóa rồng. Còn lão hòa thượng ngày ngày cầm chiếc gậy bảo bối vì nếu dùng gậy đó để vẽ lên mặt đất sẽ xuất hiện một dòng suối mát. Nếu lão hòa thượng có thể vứt bỏ chiếc gậy đó thì ông ấy có thể thăng thiên. Anh vui mừng khôn xiết, rồi hỏi câu hỏi cuối cùng, Đức Phật trả lời, cô gái câm ấy gặp được người trong mộng thì sẽ tự nói chuyện. Dứt lời Đức Phật liền biến mất. Người ăn mày vội vàng quay về báo tin mừng cho họ. Sau khi nhận được câu trả lời, cụ rùa tặng anh 24 viên trân châu. Lão hòa thượng tặng anh chiếc gậy quý. Khi người ăn mày đến cửa nhà viên ngoại, bỗng nhiên trong nhà một cô gái xinh đẹp chạy ra, cô nói giọng mừng rỡ: “Người đi gặp Đức Phật đã quay về rồi.” Viên ngoại chạy lại ông rất ngạc nhiên, tại sao con gái ông lại biết nói… Khi nghe người ăn mày kể lại lời Phật, viên ngoại vô cùng vui mừng, liền gả con gái cho anh.

Câu chuyện đã kết thúc, cuối cùng người ăn mày cũng không hỏi được Ðức Phật về vận mệnh của mình, nhưng lại có được đáp án trong quá trình đi Tây Thiên. Vậy nên chị cứ tin rằng làm việc thiện thì sẽ được báo đáp chị ạ. Dù biết chị sẽ vất vả nhiều khi vừa đi làm vừa chăm chị chồng nhưng chị hãy làm những gì có thể trong khả năng của mình. Ở đời có nhân có quả. Trời đất, gia tiên, cha mẹ sẽ phù hộ cho chị mạnh khỏe bình an.