Nhân vật viết thư gửi đến chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi để kể về câu chuyện của chị gái. Chị gái nhân vật đã có chồng và 2 con. Gia đình cô ấy sống chung với bố mẹ chồng. Mẹ chồng thường xuyên đối xử cay nghiệt, nói xấu con dâu với tất cả mọi người và không cho phép vợ chồng cô ấy dọn ra ngoài ở riêng, dù mối quan hệ giữa 2 bên đã trở nên rất căng thẳng.

https://vov2.vov.vn/vov2-ket-noi/chi-gai-bi-gia-dinh-chong-doi-xu-te-bac-phai-lam-sao-43107.vov2

Chia sẻ với nhân vật có chị gái bị gia đình chồng đối xử tệ bạc, các thính giả của chương trình đã có nhiều ý kiến:

Biên tập viên chương trình có đôi lời chia sẻ với người trong cuộc - là chị gái của nhân vật:

Chuyện sống riêng hay sống chung với bố mẹ chồng vẫn luôn là điều khiến nhiều người tranh cãi. 1 bộ phận cho rằng chỉ có nàng dâu dại mới xin ở riêng với nhà chồng. Vì ở chung với bố mẹ chồng, vợ chồng sẽ tiết kiệm được tiền nhà (nhất là với những người chưa có tiền mua nhà riêng); có ông bà giúp trông nom, săn sóc con cái; nhiều nàng dâu cơm nước còn không cần phải nấu, đi làm về là đã có sẵn cơm ăn… Sống riêng với bố mẹ chồng để đổi lấy một chút thoải mái và tự do cũng đồng nghĩa với việc vợ chồng đánh mất nhiều thứ.

Bên còn lại thì giữ quan điểm nếu khôn thì vợ chồng nên ra ở riêng. Vì dù bố mẹ chồng có dễ tính đến mấy thì đôi khi cũng không tránh được những mâu thuẫn, xích mích với con dâu, đấy là chưa nói đến những bố mẹ chồng trái tính trái nết, luôn tìm cách soi mói, cạnh khóe con dâu. Vậy nên, ra ở riêng, con dâu và bố mẹ chồng sẽ ít có điều kiện để xô xát với nhau. Hơn nữa, “xa thương, gần thường”, biết đâu bố mẹ chồng và con dâu sẽ yêu quý nhau hơn?

Bên nào cũng có những lý lẽ riêng và hợp tình hợp lý để bảo vệ quan điểm của mình. Thế nhưng, có lẽ phải ở trong từng trường hợp cụ thể thì ta mới có thể biết được mình nên nghiêng theo bên nào.

Thực ra, trước vấn đề ở chung hay ở riêng với bố mẹ chồng thì người khó xử nhất chính là người chồng, người con. Bởi họ không thể bỏ bố mẹ - người đã sinh ra mình, cũng chẳng thể bỏ vợ - người mà mình yêu thương. Mà để giữ được trọn cả bên tình – bên hiếu đòi hỏi người đàn ông phải có đủ bản lĩnh, vững vàng, quyết đoán và cả sự khéo léo để làm cầu nối giữa 2 bên khi cần thiết. Thế nhưng, tiếc rằng, chồng bạn đã không có được điều đó, thậm chí còn góp phần làm cho mối quan hệ giữa bố mẹ chồng và nàng dâu càng xấu hơn khi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Chồng bạn hiện đang phải chịu sức ép từ cả 2 phía: 1 bên là bố mẹ đẻ, 1 bên là vợ con nên chắc chắn, anh ấy đang rất căng thẳng, mệt mỏi. Do đó, tôi cho rằng, bạn không nên gây quá nhiều áp lực với chồng. Bắt anh ấy phải đưa ra lựa chọn bên tình hay bên hiếu thì có khác nào bảo anh ấy chọn đau tay trái hay tay phải? Dù chọn bên nào cũng đều khó khăn cả. Vì thế, bạn có thể từ từ, nhẹ nhàng khuyên giải chồng, nói cho anh ấy hiểu những xô xát trong mối quan hệ của bạn với mẹ chồng. Và sống riêng đâu có nghĩa là vợ chồng bạn bỏ mặc bố mẹ chồng. Hãy để cho chồng bạn thấy rằng không nhất thiết phải ở chung thì mới phụng dưỡng, chăm sóc bố mẹ được.

Còn về phần bố mẹ chồng, tôi cho rằng ông bà là người đã sinh thành và nuôi dạy chồng bạn nên dù có thế nào, các bạn cũng cần phải giữ chữ hiếu và đạo làm con. Cho dù mẹ chồng bạn nói xấu hoặc đặt điều về bạn thì bạn cũng biết thế thôi chứ đừng quá để tâm, suy nghĩ. Và hãy học cách nghe vào tai nọ, cho ra ở tai kia khi nghe những lời như thế. Vì khi quá để tâm, người thiệt đầu tiên chính là bạn, rồi chồng con cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm trạng khó chịu của bạn. Bạn cũng nên cư xử phải phép, cởi mở với bố mẹ chồng. Bởi càng nói xấu, càng tỏ ra khó chịu với ông bà nghĩa là bạn càng đẩy chồng ra xa mình hơn. Vì lẽ thường, con cái bao giờ cũng đứng về phía bố mẹ mình trước. Bạn cũng nên trò chuyện với ông bà để hóa giải những mâu thuẫn giữa 2 bên. Tôi nghĩ mâu thuẫn gì rồi cũng sẽ được hóa giải nếu biết trò chuyện, chia sẻ, chấp nhận. Vì có trò chuyện được thì mới có thể hiểu nhau. Bằng không, mỗi người nói một hướng, mỗi người đều cố thủ với ý nghĩ hơn thua thì mọi chuyện sẽ đi vào bế tắc. Đôi bên càng chia sẻ được nhiều với nhau thì những khác biệt sẽ càng dễ được trân trọng và thấu hiểu; chấp nhận con người của nhau để đi xa hơn, để đừng bức xúc về nhau nữa. Ai cũng có một cái tôi to đùng và khó chấp nhận cái tôi cũng to không kém của đối phương thì làm sao có thể yêu thương nhau? Tất nhiên, đây không phải là chuyện dễ dàng, có thể làm được trong 1 sớm 1 chiều. Nhưng dần dần, khi thấy bạn muốn chủ động cải thiện mối quan hệ với mình, biết đâu bố mẹ chồng sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt thân thiện hơn thì sao?