Thính giả viết thư đến chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi để kể về câu chuyện của chị mình:

Chị tôi năm nay 31 tuổi. Chị xây dựng gia đình với một người cùng làng, lớn hơn chị 5 tuổi. Nhà anh rể tôi có 3 anh chị em. Đến nay, các anh chị em của anh rể tôi đều đã xây dựng gia đình và ở riêng cả, chỉ có anh chị tôi, tuy không phải là con cả nhưng vẫn sống cùng bố mẹ chồng trên mảnh đất giãn dân ngoài mặt đường.

Những năm đầu chung sống, gia đình chị thật hạnh phúc. Anh rể tôi là người đàn ông rất chịu khó, thương yêu vợ con. Chẳng may cháu đầu của anh chị bị chứng tự kỷ, hành động và nhận thức không được như những đứa trẻ bình thường. Từ sau khi cháu bé được sinh ra, mối quan hệ của chị tôi với mẹ chồng không còn hòa thuận nữa. Thường thì chị gái tôi đi chợ, nấu cơm nhưng hễ chị nấu món gì thì mẹ chồng chị không động đũa món ấy. Hoa quả hay thức ăn mà chị tôi mua, bà cũng không động đến. Cuộc sống của chị càng trở nên nặng nề hơn khi mẹ chồng chị thường xuyên nói xấu con dâu với tất cả mọi người, nhưng trước mặt chồng chị (tức là con trai bà) thì bà lại coi như không có chuyện gì xảy ra. Chị tôi đành cố gắng chịu đựng cuộc sống đó. Đến năm cháu tôi được 5 tuổi thì anh chị quyết định gửi con cho ông bà nội để đi xuất khẩu lao động.

Quãng thời gian lao động ở nước ngoài, anh chị tôi dành dụm được một khoản tiền để mua một mảnh đất ở giữa làng, với dự tính sau khi về nước sẽ xây một căn nhà nhỏ và xin ra ở riêng. Vì căn nhà của bố mẹ chồng chị tôi quá chật hẹp cho gia đình 3 thế hệ. Những tưởng mọi dự định sẽ thuận lợi nên sau khi hết thời hạn xuất khẩu lao động, anh chị tôi về nước, quyết định sinh cháu thứ 2 và xin ra ở riêng. Những mâu thuẫn trở nên gay gắt từ đây khi mà bố mẹ chồng chị nhất quyết không chịu cho anh chị ra ở riêng. Ông bà chỉ đồng ý cho anh chị cải tạo khu nhà cũ hoặc xây nhà mới trên mảnh đất còn thừa của ông bà. Mà mảnh đất ấy vốn dĩ rất chật hẹp, đã thế, phần phía trước, bố mẹ chồng chị tôi đã xây để ở. Ông bà còn tuyên bố, nếu muốn xây nhà thì anh chị tôi phải trả cho ông bà 200 triệu đồng, là tiền công ông bà trông nom cháu khi anh chị tôi đi làm ăn xa.

Chị tôi đã làm mọi cách để xin bố mẹ chồng cho ra ở riêng nhưng ông bà vẫn không đồng ý mà cứ giam hãm và hành hạ tinh thần chị tôi. Đến khi không chịu đựng được, chị tôi đành ôm con ra ngoài thuê một căn nhà nhỏ gần góc chợ để tránh những lời cay nghiệt của mẹ chồng. Vì con còn nhỏ, chị tôi phải gửi cháu cho một bà trông trẻ trong làng để đi làm. Nhưng rồi mới ra ở riêng được 2 ngày thì cháu tôi bị ngã gãy tay. Vì thế, bố mẹ chồng buộc chị tôi lại phải trở lại nhà chồng. Cuộc sống của chị như thể địa ngục khi mà buổi sáng, chị phải cố gắng dậy thật sớm để cho con ăn rồi đi làm. Buổi tối đón con, chị lại phải sang bên ngoại hoặc sang hàng xóm chơi, rồi cố gắng về thật muộn để tránh mặt mẹ chồng.

Anh rể tôi là người rất tốt bụng, thương vợ con, chăm chỉ và hiếu thảo với cả hai bên. Cả nhà tôi đều rất quý anh. Thế nhưng, anh ấy lại là người nhu nhược, quá nghe lời bố mẹ và luôn đứng về phía bố mẹ mình. Mặc dù thương vợ và muốn ra ở riêng nhưng anh không dám trái lời bố mẹ. Đã nhiều lần, vì không kiềm chế được trước những lời khích bác của anh em bên nhà anh ấy mà anh ấy đánh chị tôi. Gần đây, được mọi người động viên, anh rể tôi quyết tâm xây nhà trên mảnh đất của anh chị. Có điều, đó vẫn chỉ là quyết tâm chứ anh chưa dám thực hiện. Vì dù đã xem ngày động thổ rồi nhưng do bố mẹ không đồng ý nên anh vẫn chưa dám làm.

Có nhiều người đã khuyên chị tôi rằng nếu không sống được với nhau nữa thì ly hôn. Nhưng tôi chắc rằng chị không muốn như vậy vì chị còn rất yêu chồng. Cũng có lần, chị tôi dự định đi xuất khẩu lao động thêm vài năm nữa để kiếm tiền và cũng là để tạm lánh một thời gian. Thế nhưng, con lớn của chị năm nay mới lớp 4, còn cháu bé mới lên 2 tuổi. Chị thương con nên không thể dứt áo ra đi được. Mà đi xuất khẩu lao động vài năm rồi chị cũng phải về, rồi lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát đó.

Tôi thực sự bối rối, không biết nên làm gì để giúp chị mình. Phải làm sao để giúp anh chị tôi thoát khỏi hoàn cảnh này Chứ cứ tiếp tục cuộc sống thế này, tôi e chị tôi sẽ không thể chịu đựng nổi mất.

Các bạn chia sẻ với nhân vật bằng cách để lại lời nhắn dưới câu chuyện hoặc gọi đến số điện thoại 0243.934.1139 (trong giờ hành chính)./.