Sau khi mổ cấp cứu lấy thai cách đây hơn 30 năm, bà Đ.T.T 59 tuổi ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa bị biến chứng rò nước tiểu. Mặc dù đã được phẫu thuật đóng lỗ rò, tuy nhiên tình trạng rò rỉ lại tái phát, sợ điều trị nhiều lần tốn kém nên bà T đã chấp nhận sống chung với tình trạng phiền toái này.

"Nước tiểu theo lỗ rò ở bàng quang âm đạo cứ chảy ra liên tục nên lúc nào cũng cảm giác ướt át, rồi mùi hôi khó chịu, nên cứ phải đóng bỉm cả ngày. Không dám uống nước sợ uống nó lại ra nhiều. Khổ lắm...", bà T. chia sẻ.

Gần đây, tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng, tần suất dịch tiết từ âm đạo ngày càng tăng… người bệnh đã đến Bệnh viện E để thăm khám với mong muốn có thể tự đi vệ sinh một cách đúng nghĩa.

TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học - Bệnh viện E cho biết, thông qua kết quả khám lâm sàng và các xét nghiệm, xác định người bệnh bị rò bàng quang âm đạo với đường rò thành sau bàng quang kích thước khoảng 1cm, cách lỗ niệu quản hai bên khoảng 2cm. Đây là ca bệnh khó và nguy cấp, cần nhanh chóng lên phương án điều trị do tình trạng rò tiểu quá lâu rất dễ gây nhiễm trùng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh.

"Cái khó của ca bệnh này là người bệnh có vết rò bàng quang lớn, rò nước tiểu liên tục trong thời gian dài khiến cho chức năng co bóp của bàng quang giảm, bàng quang co nhỏ chỉ bằng một cái chén, thành dày, bị xơ cứng do viêm kéo dài nên khả năng liền viết thương thấp. Ngoài ra, người bệnh đã có tiền sử mổ nhiều lần dẫn đến tình trạng xơ dính...", bác sĩ Nguyễn Đình Liên phân tích.

Để điều trị đóng lỗ rò triệt để cho người bệnh, các bác sỹ đã tiến hành phẫu thuật kết hợp phương pháp hút áp lực âm giúp loại bỏ dịch tiết trong bàng quang và giữ cho vết thương trong tình trạng khô ráo để nhanh liền. Một tháng sau mổ, qua hình ảnh siêu âm cho thấy vết thương liền tốt, không còn tình trạng rò nước tiểu. Tuy nhiên, do bàng quang bị teo nhỏ và không thực hiện chức năng co bóp trong một thời gian dài nên bệnh nhân T. cần thời gian tập phục hồi chức năng để giúp phục hồi chức năng cho cơ thắt bàng quang.

"Đến bây giờ thì bệnh nhân có thể nín tiểu khoảng 60 phút mới đi một lần, vẫn còn tình trạng són tiểu một chút, tuy nhiên với một bệnh nhân hơn 30 năm bàng quang không hoạt động thì đây là tín hiệu đáng mừng. Hiện bệnh nhân đang tập phục hồi chức năng và hi vọng một tuần nữa, bệnh nhân có thể ra viện..", bác sĩ Liên chia sẻ.

Theo BS Nguyễn Đình Liên, rò bàng quang là một trong những biến chứng có thể xảy ra sau mổ đẻ, cắt tử cung, mổ các bệnh vùng tiểu khung... hoặc sau chuyển dạ kéo dài, hiện tượng thường gặp sau sinh một vài ngày với biểu hiện dò nước tiểu hoặc phân qua đường âm đạo. Hiện tượng bệnh lý này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh, gây nên tình trạng căng thẳng về tinh thần, đi đến đâu cũng mang theo mùi hôi của nước tiểu do nước tiểu thường xuyên rỉ ra làm ướt quần áo, do đó hạn chế sự đi lại và sinh hoạt của người bệnh và gây nên mặc cảm cho bệnh nhân, gây phiền toái trong sinh hoạt. Việc rò rỉ nước tiểu liên tục dễ gây viêm loét, nhiễm trùng cơ quan sinh dục, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Ngoài sự ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe chung và công việc của người bệnh, điều đáng quan tâm là lỗ rò bàng quang - âm đạo thường gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Tuy là bệnh khó nói nhưng khi bị rò bàng quang âm đạo hoặc có những dấu hiệu bất thường về hệ tiết niệu, người bệnh không nên e ngại, giấu bệnh mà nên sớm đi khám để được điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh ảnh hưởng xấu tới chất lượng cuộc sống.