Nhớ lời mẹ dặn...

Sinh ra ở một gia đình người Tày ở xã Tân Văn, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàng Quang Minh thấm thía nỗi nhọc nhằn vất vả của người dân nghèo thời chiến tranh. Đầu năm 1964, vừa bước sang tuổi 17, như nhiều thanh niên trai tráng ngày đó, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Sau sáu năm lăn lộn trên khắp mặt trận Quảng Đà khốc liệt, năm1969, trong một trận chiến không cân sức, ông Minh bị thương nặng buộc phải lùi về tuyến sau, rồi được chuyển ra Bắc điều trị. Sau khi hồi phục, với hồ sơ giám định mất 40% sức lao động, không còn cơ hội trở lại chiến trường chia lửa cùng đồng đội, ông xuất ngũ, về làm công nhân ngành cơ khí - cơ giới nông nghiệp ở quê nhà.

Những năm bao cấp, đời sống kinh tế cả nước khó khăn. Vợ chồng ông Minh vốn sức khỏe đã kém, đông con, bệnh tật, cuộc sống càng bộn bề lo toan. Nghỉ hưu năm 1988, ông vẫn phải chạy vạy làm thêm đủ nghề để nuôi con, từ lái xe công nông, giết mổ gia súc gia cầm, đến trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy móc nông cụ... Mẹ ông lúc đó còn khỏe, hằng ngày vẫn vào rừng hái lá thuốc chữa bệnh cho dân, tuy nhiên, cụ vẫn chưa đồng ý truyền nghề cho con trai, bởi theo phong tục người Tày quê ông, bốc thuốc chữa bệnh chỉ được làm khi đứng tuổi. Khi ông ở tuổi ngũ tuần, bà cụ mới đồng ý dạy bảo với lời dặn dò kỹ càng gan ruột, rằng luôn phải đối xử công bằng với người bệnh. Người ta giàu hay nghèo khi đã tìm đến mình đều phải tận tình cứu chữa. Tuyệt đối không được từ chối chữa bệnh cho người nghèo khó khi người ta đã trông cậy mình. Rằng, làm phúc tích đức hơn làm giàu..

Vốn là người con hiếu thuận, ông Minh luôn nhớ và làm theo lời mẹ dặn dò. Hồi trước, khi núi còn phong phú các loại cây thuốc, ông tự hái được thì chữa bệnh cho bà con gần như miễn phí, gửi ít nhiều ông đều vui vẻ nhận. Sau này nguồn nguyên liệu cạn kiệt dần, ông không có thời gian tự thu hái nữa mà phải mua, ông mới lấy tiền thuốc...

Gác lại niềm riêng

Những năm lăn lộn trận mạc, bị thương hết lần này lần khác, vào sinh ra tử, tưởng rằng đã nếm đủ gian khó, vậy mà, nỗi đau chiến tranh càng ngày càng bào mòn cuộc sống của người thương binh già, khi đến bây giờ con cháu họ vẫn đang gánh chịu nỗi đau da cam.

Gần 50 năm vợ chồng ông sống chung và cùng nhau xây đắp cuộc sống, trong căn nhà cấp bốn được xây từ ngày sau giải phóng, đồ đạc trong nhà không có gì nhiều nhặn ngoài chiếc xe uây tàu cọc cạch cũ kỹ ông vẫn đi hằng ngày, bộ bàn ghế và chiếc tivi cũ. Ông lang Minh xót xa kể lại quãng thời gian cay đắng: “ba người con trai của tôi lần lượt chào đời. Niềm vui thì ngắn, nỗi thấp thỏm lo lắng thì dài, chăm sóc nuôi nấng mãi mà mấy anh em chúng cứ thay nhau ốm đau triền miên, hai vợ chồng dồn hết tiền bế con đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc chữa bệnh. Mẹ tôi ngày đó còn khỏe, dày công lên núi cao tìm những loại lá thuốc bà cho là quý và tốt về sắc cho cháu uống. Mặc bao công sức, ba đứa trẻ lớn lên còi cọc, bệnh tật triền miên. Thỉnh thoảng có đứa trở nặng lại khăn gói bệnh viện. Đau đớn thể xác hoành hành khiến tính nết các con tôi trở nên bẳn gắt, khó chịu”.

Nỗi thương con lặn cả vào lòng, vợ chồng ông cứ thế cùng nhau cố gắng nỗ lực mỗi ngày để đồng hành, xoa dịu nỗi đau cùng các con... Bên cạnh những bài thuốc gia truyền được mẹ truyền dạy, ông Minh còn bỏ nhiều thời gian, công sức để bào chế thêm các bài thuốc mới phù hợp với thể tạng, tính chất bệnh tình của các con. Bền bỉ chữa chạy cho ba người con, rồi đến năm đứa cháu nội, người thân bạn bè và người bệnh luôn quý trọng và khâm phục ông lang Minh về lối sống thanh bạch giản dị, tự vượt lên nỗi đau của chính mình để chữa bệnh cứu người. Người ta vẫn nhắc giai thoại về những ca bệnh nguy cấp được ông hóa giải thành công như từ tai nạn bất thường nguy kịch khi bị rắn độc cắn, ong độc đốt đến những căn bệnh khó chữa tổn thương đến nội tạng, cơ xương khớp, vô sinh... Có nhiều ca cứu người thần tốc của ông vẫn được người dân nhắc như giai thoại, có người bị rắn độc mổ, da mặt đã tím tái, khó thở... nhờ thuốc của ông mà cứu được mạng.

Mấy chục năm hành nghề cho đến nay, ông Hoàng Quang Minh luôn có một nguyên tắc, với anh em bạn bè, nhất là những thương, bệnh binh và con em của họ bị nhiễm chất độc da cam, ông luôn chẩn bệnh và phát thuốc miễn phí. Người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, ông cũng miễn phí, hoặc hỗ trợ một nửa tiền thuốc. Thường họ tìm đến mình khi đã đi khắp các bệnh viện mà không khỏi, tiền nong cũng đã cạn kiệt. Năm nay ở tuổi 74, nhưng ông Minh vẫn thường xuyên leo núi tự hái lá thuốc. Ông cho rằng, niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của mình là mỗi khi nhận điện thoại của người bệnh báo tin đã khỏi bệnh sau khi điều trị.

Giữ tài nguyên rừng cho con cháu

Ông Hoàng Quang Minh vẫn hay chia sẻ: “Nguồn dược liệu từ rừng của Việt Nam mình giàu có phong phú lắm. Mỗi loại lá thuốc đều có tính dược liệu khác nhau, khi kết hợp có sự chuyển hóa, dược tính có thể được đẩy cao lên gấp nhiều lần”. Là Chủ tịch Hội Đông y phường Tam Thanh, ông luôn đề cao các giải pháp bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu từ rừng. Các hoạt động của hội tích cực nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng, đả phá tình trạng khai thác rừng nói chung, cây thuốc nam nói riêng đang diễn ra bừa bãi, tận diệt khiến nguồn tài nguyên rừng ngày càng nghèo đi, thậm chí cạn kiệt... Lẽ dĩ nhiên, để rừng giàu có phong phú, nghề thuốc nam chữa bệnh cứu người mới được bảo tồn, phát triển.

Từ quyết tâm nối nghiệp nghề thuốc nam gia truyền nhằm tự chữa bệnh cho mình và gia đình, mối lương duyên đưa ông đến với những hoàn cảnh khó khăn giúp người, giúp đời, đến nay hơn 20 nghìn người bệnh đã được chữa trị và nhiều người đã khỏi bệnh. Đó là cả hành trình nỗ lực cống hiến trong nhiều năm. Ghi nhận sự đóng góp cho cộng đồng, ông Hoàng Quang Minh đã được nhận rất nhiều giấy khen từ tỉnh, thành phố Lạng Sơn, từ Hội Đông y tỉnh, giấy khen Vinh danh gương ba giỏi “Giỏi kháng chiến, giỏi kiến quốc và giàu lòng nhân ái” của Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử - Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, nhiều khen thưởng của Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC)/dioxin tỉnh Lạng Sơn... Năm 2015, ông Minh được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc”, Bằng khen của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam vì đã có thành tích trong phong trào thi đua Vì nạn nhân chất độc da cam giai đoạn 2015 - 2020... Ông Nông Hồng Phong, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin thành phố Lạng Sơn nhắc đến ông Hoàng Quang Minh với sự cảm thông và kính trọng: “Ông Minh là người thầy thuốc giỏi, tâm huyết và nhân hậu, thường xuyên giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ”.

Nguồn: nhandan.vn