Xuất ngũ trở về, cựu chiến binh Vừ Chả Chống, người dân tộc Mông, bản Trung Tâm, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An không khỏi trăn trở khi cánh rừng quê hương thưa dần bóng cây gỗ quý. Nhớ đến lời Bác Hồ dặn, ông Chống đã bắt đầu nhận đất trống, đồi trọc trồng cây sa mu, pơ mu.

“Tôi trồng rừng theo lời Bác Hồ dặn!”

CCB Vừ Chả Chống khẳng định như vậy khi giải thích về việc 20 năm trước, ông đã bắt đầu kế hoạch trồng cây sa mu, pơ mu trên đất trống, đồi trọc. Ông Chống chia sẻ: “Thời gian trong quân ngũ, tôi được cán bộ, chỉ huy đơn vị nhiều lần kể về câu chuyện Bác Hồ dặn về lợi ích của việc trồng cây. Những câu chuyện về Bác làm tôi nhớ mãi đến tận giờ”. Khoảng năm 1997, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Chống trở về quê hương và không khỏi trăn trở khi cuộc sống gia đình và người dân địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Người CCB dân tộc Mông càng xót xa hơn khi thấy bà con mình vì cuộc sống mưu sinh mà phải chặt phá cạn kiệt rừng xanh lấy đất làm nương rẫy. Những loài cây gỗ quý như pơ mu, sa mu cũng bị đốn hạ để bán gỗ cho thương lái với giá rẻ mạt.

Thực trạng gia đình, bản làng khiến cho ông Chống nhiều đêm liền không thể ngủ ngon giấc. Ông luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế nâng cao cuộc sống gia đình và bắt tay trồng lại rừng. Một thời gian sau khi trở về, người ta thấy, CCB Vừ Chả Chống lên UBND xã Huồi Tụ xin nhận một diện tích đất trống đồi trọc, vốn do gia đình khai hoang trước đó với mục đích phát triển kinh tế lâu dài. Khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương, người CCB dân tộc Mông dựng lán tạm ở luôn trên rẫy. Bước đầu, ông cùng các thành viên trong gia đình vẫn gieo lúa nương để đảm bảo lương thực và bắt đầu làm chuồng trại, vay vốn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, dê, gà… Người dân địa phương thấy ông thức khuya, dậy sớm, lao động quần quật suốt ngày trên nương rẫy như không muốn nghỉ ngơi. “Ngày đó, tôi chỉ mong chăm sao đàn gia súc, gia cầm nhanh phát triển để bán có tiền mua gạo, chuyển đất rẫy sang trồng rừng theo lời Bác Hồ dặn”.

Sau hơn 4 năm lao động miệt mài chăm chỉ, đời sống kinh tế gia đình của ông Chống dần ổn định. Đến đầu năm 2000, người CCB dân tộc Mông này bắt đầu thực hiện kế hoạch tiếp theo của mình – trồng lại rừng sa mu, pơ mu. Thời điểm đó, ở địa bàn xã Huồi Tụ gần như không còn giống của các loại cây gỗ quý nữa. Ông phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm đi vào những khu rừng già nguyên sinh ở các bản làng thuộc xã Na Ngoi, Tây Sơn (huyện Kỳ Sơn) để tìm, bới từng cây con trồng thử. “Tôi tìm đến những cánh rừng pơ mu, sa mu cổ thụ với hy vọng sẽ tìm được cây giống mọc lên từ hạt trên cây rơi xuống. Dù vất vả nhưng rất vui khi phát hiện có nhiều cây nhỏ, tôi đã đào mang về đóng bầu chăm sóc đến khi cây đủ lớn mới đưa ra rẫy trồng”. Cứ như thế, sau 1 năm đầu tiên, ông đã trồng được hơn 1.000 cây sa mu, pơ mu. Nhận thấy việc đi rừng, tìm cây giống vừa tốn sức và mất rất nhiều thời gian, cựu chiến bình Vừ Chả Chống nghĩ đến việc nhặt hạt về ươm. Sau rất nhiều lần thất bại, ông Chống đã ươm giống thành công 2 loại cây gỗ quý sa mu và pơ mu, tốc độ trồng rừng cũng vì thế mà tăng nhanh. Giờ đây, sau hơn 20 năm lao động chăm chỉ, ông đã làm chủ 7 ha rừng, với trên 7.200 cây gỗ sa mu, pơ mu, có nhiều cây có đường kính một người ôm không xuể.

Lan tỏa phong trào trồng rừng

Theo những người thân trong gia đình ông Chống cho biết, thời gian ban đầu, khi mới nhận đất trống, đồi trọc để trồng cây sa mu, pơ mu, cựu chiến binh này bị nhiều người ở địa phương cho là “gàn, dở”. Bởi họ cho rằng, trồng loại cây gỗ cổ thụ biết bao giờ mới được thu hoạch, mới hết nghèo khổ. Dù vậy, ông vẫn kiên trì thực hiện kế hoạch của mình. Khi những cây gỗ quý dần cao lớn, người cựu chiến binh dân tộc Mông này chọn cây chè Shan tuyết trồng xen, thả gà đen dưới bóng mát để “lấy ngắn nuôi dài”, đảm bảo kinh tế gia đình. Để đến bây giờ, khi về đến huyện biên giới Kỳ Sơn chỉ cần hỏi về khu rừng cây gỗ quý của CCB Vừ Chả Chống thì ai cũng biết. Những năm gần đây, cánh rừng sa mu, pơ mu của ông Chống trở thành điểm tham quan, vui chơi yêu thích của nhân dân địa phương và các vùng lân cận.

Chúng tôi được ông Lang Thanh Lương, Chủ tịch Hội nông dân huyện Kỳ Sơn dẫn đi thăm điểm “du lịch” đặc biệt ở vùng đất biên giới. Theo con đường nhựa phẳng lỳ từ thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn hành trình vào xã Huồi Tụ, ông Lương nói rằng: “Nhờ những chính sách đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Kỳ Sơn đang ngày một khởi sắc. Cùng với phát triển kinh tế, người dân cũng học tập ông Vừ Chả Chống tích cực trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc”.

Khi chúng tôi đến, khu rừng của CCB Vừ Chả Chống đã có rất đông du khách tham quan, vui chơi. Qua tìm hiểu, ghi nhận số đông đến đây là người dân địa phương nhưng cũng có không ít du khách từ xa đến. Họ tìm đến với cánh rừng để tận hưởng không khí trong lành và thưởng thức món ăn như gà đen, lợn nít, rau cải ngồng… do bà con đồng bào dân tộc Mông chăn nuôi, trồng trọt. Cùng với du khách, còn có một số người dân ở các xã lân cận tìm đến để mua cây giống và học hỏi kinh nghiệm trồng cây sa mu, pơ mu. Ở khu vực vườn ươm, CCB Vừ Chả Chống với thân hình hộ pháp, giọng nói chậm, đầm ấm đang hướng dẫn tỉ mỉ cho những người dân đến mua cây. Khi được hỏi về công việc của mình, ông Vừ Chả Chống nói rằng: “Sau khi thấy tôi trồng rừng tươi tốt trở lại, nhiều gia đình trong xã và các địa phương lân cận cũng đã học tập làm theo. Chỉ cần bà con có quyết tâm, tôi sẵn sàng cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để rừng quê hương sớm được phủ xanh trở lại”.

Trao đổi với với chúng tôi, ông Hờ Bá Xồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Huồi Tụ cho biết: “Từ mô hình của CCB Vừ Chả Chống đã lan tỏa mạnh mẽ phong trào trồng cây, gây rừng tại địa phương. Hiện nay, ông Chống đã giúp 20 hộ gia đình trên địa bàn xã trồng được gần 20 ha rừng cây pơ mu, sa mu”.

(Theo qdnd.vn)