Đều đã ở “tuổi ông, tuổi bà” nhưng nhiều cựu chiến binh không hề nghỉ ngơi. Hàng ngày, họ vẫn sát cánh với các tổ chức, đoàn thể ở địa phương thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.

Thời gian gần đây, đóng góp dễ nhận thấy nhất của các cựu chiến binh ở nhiều tỉnh thành là trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Hầu như ở xã, phường nào cũng có cựu chiến binh tham gia vào các tổ, đội phòng chống dịch. Phường Hải Tân, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương là một ví dụ. Ông Nguyễn Hữu Chương, Phó Chủ tịch Hội CCB phường Hải Tân cho biết, từ khi dịch bùng phát đến nay, ông và nhiều hội viên tình nguyện gia nhập các tổ Covid cộng đồng. “Tổ chức Hội Cựu chiến binh cũng là một đoàn thể. Tuy nhiên, là những người lính cụ Hồ, chúng tôi đặt ra trách nhiệm của mình rất lớn, xác định mình phải là người đi đầu. Vì thế, thời gian qua, ở đâu có dịch covid là ở đó có chúng tôi”, ông Chương chia sẻ.

Để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, hàng ngàn cựu chiến binh ở tỉnh Quảng Bình cũng không đứng ngoài cuộc. Ông Đoàn Lương Khuệ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình cho biết, vào những thời điểm dịch diễn biến phức tạp, nhiều người vì sợ lây nhiễm nên không dám tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch. Nhưng với những người lính cựu, đó là lúc họ phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ. “Với trách nhiệm của người lính cụ Hồ trong thời bình, Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Bình đã phát động đợt thi đua đặc biệt trong cán bộ, hội viên với chủ đề gương mẫu, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả, đoàn kết chung sức đồng lòng phòng chống và chiến thắng đại dịch. Với tinh thần chống dịch như chống giặc, chúng tôi đã góp phần thực hiện mục tiêu mỗi xã, phường là một pháp đài; mỗi người dân là một chiến sỹ chống dịch. Riêng Hội Cựu chiến binh, gần 4.000 hội viên đã tham gia các chốt phòng chống dịch”, ông Khuệ cho biết.

Cựu chiến binh Trần Văn Viên, ở phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, Hà Nội cũng tình nguyện đảm nhận công việc mà nhiều người e ngại. Đó là tiếp cận, hỗ trợ những người lầm lỡ, sa ngã vào tệ nạn xã hội, giúp họ làm lại cuộc đời. Ông Viên tâm sự: ông biết rõ mối nguy hiểm tiềm ẩn khi tiếp xúc với người từng có tiền án, tiền sự hay những người sử dụng ma túy. Tuy nhiên, nguy cơ đó không thể so sánh với những gì ông đã từng trải nơi chiến trường. Cũng chính vì thế, ông nhận thấy việc tiếp cận, hỗ trợ những người lầm lỡ trở lại cuộc sống bình thường thuộc về trách nhiệm của mình. “Trước đây, nhiều người ra đường là sợ vì ở các ngõ xóm có người nghiện. Hơn nữa, tôi chứng kiến nhiều gia đình tan nan vì có con nghiện ma túy. Tôi nghĩ, nếu mình cũng sợ như người ta thì ai sẽ tiếp cận, hỗ trợ những người lầm lỡ”, ông Viên tâm sự.

Không chỉ góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, những người lính cựu còn đóng góp vào sự phát triển của quê hương thông qua các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình là các cựu chiến binh ở tỉnh Lâm Đồng. Ông Vũ Công Tiến, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Lâm Đồng cho biết thực hiện phong trào “Xóa đói, giảm nghèo” giai đoạn 2016-2021, Hội Cựu chiến binh đã xây dựng gần 4.700 mô hình sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hơn 16.500 lao động. Thông qua các hoạt động trợ giúp, số hội viên thuộc diện nghèo đã giảm từ 0,91% năm 2016 xuống còn 0,14% năm 2021; hộ khá và giàu chiếm hơn 71,3%. Tự hào về kết quả này, ông Tiến chia sẻ những người lính cựu chúng tôi xác định đã là bộ đội cụ Hồ thì không được nghèo. Từ đó, hội phát động phong trào cựu chiến binh hỗ trợ nhau phát triển kinh tế.

Có thể nói, những năm qua ở lĩnh vực nào cũng có sự đóng góp của các cựu chiến binh. Với cái tâm và trách nhiệm của người lính cụ Hồ, thay vì nghỉ ngơi, họ vẫn miệt mài lao động, sản xuất để tạo ra của cải, tham gia vào các hoạt động xã hội để chung tay xây dựng quê đất nước.