Bà Võ Thị Nga (72 tuổi, thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nghẹn giọng nhắc nhớ về chồng mình, liệt sĩ Đoàn Văn Thinh, với đôi mắt nhìn vào lặng không như níu kéo hồi ức trôi qua 55 năm...

Lời thề bên chiến hào năm ấy

Thắp nén nhang lên bàn thờ chồng, ở đó có di ảnh và bằng Tổ quốc ghi công, bà Nga như muốn xin phép chồng được kể lại câu chuyện đã trôi qua dằng dặc thời gian. Xã Bình Nguyên hơn nửa thế kỷ trước là tuyến lửa, chiến cuộc nổ ra hai phía tranh nhau từng tấc đất.

Bom đạn xối xả ngày đêm. 14 tuổi, bà Nga theo cách mạng làm giao liên, còn ông Thinh lúc đó 17 tuổi đã vác súng xông pha. Khi bà 15 tuổi và ông 18 tuổi thì tình yêu chạm ngõ, họ trao nhau lời thề ước. Tình yêu cứ lớn dần lên trong những lần họ tải đạn vượt núi, băng rừng.

Năm 1965, đôi trẻ quyết định đến với nhau trong sự chúc phúc của đồng đội, người thân. Ngày 28-11-1965 được ấn định hôn lễ, khách đã mời, bà Nga chuẩn bị một bộ áo dài. Nhưng tất cả vỡ tan. Ông hi sinh ngay làng mình chỉ cách ba ngày trước hôn lễ. Chiến tranh, chia ly, mất mát, bà tiễn người thương rời khỏi đời mình vĩnh viễn.

"Tối hôm đó, tôi cùng đồng đội về làng, cõng anh Thinh về trước sân, lễ mai táng tiến hành ngay trong đêm. Đến lúc hi sinh, anh cũng không được đưa vào nhà khâm liệm bởi nhà đã bị đốt cháy" - bà khóc kể.

Bà Nga nhớ tất cả, hôm đó bà ôm chồng khóc như thế nào, ai đã đỡ bà đứng dậy, ai đã khiêng chồng chôn cất... Lần cuối cùng bà Nga chuyện trò cùng chồng là hai ngày trước lúc ông hi sinh. Hôm đó, anh bộ đội Thinh đã tâm sự với cô giao liên Nga rằng: "Chiến tranh sẽ qua nhanh thôi, khi hòa bình em sinh cho anh một thằng con bụ bẫm nha".

Lời ấy, vĩnh viễn cuộc đời bà không quên. Nơi trái tim đau đớn của bà, hình bóng ông vẫn còn sống mãi. "Tôi nhớ, lúc anh nói là vừa đi đánh úp ở dưới Vạn Tường rút về. Chắc vì trận đó mà hai ngày sau đối phương đánh úp lại với hỏa lực mạnh đến vậy" - bà Nga tâm sự.

Chồng chưa cưới không còn nữa, bà Nga rời khỏi làng, lên núi, lúc làm giao liên, lúc tải đạn, lúc cầm súng. Mãi cho đến ngày thống nhất, bà Nga từng hai lần bị bắt, tra tấn nhưng bà quyết không khai.

"Trong đầu tôi là hình ảnh chồng mình ngã xuống. Lúc quá đau đớn, tôi nghĩ nếu mình chết sẽ gặp lại anh sớm" - nói rồi bà Nga đưa cái chân không còn mắt cá và vết sẹo dài do bị tra tấn.

Chỉ một người chồng

Chiến tranh cũng đến hồi kết thúc, bà Nga trở về làng trong niềm vui thống nhất nhưng trống vắng vây quanh. Chiến cuộc đã cướp đi của bà hạnh phúc lứa đôi. Mỗi lần nhớ chồng, bà ra mộ ông ngồi khóc. Niềm đau riêng giấu để vui chung.

Hình ảnh bà đọng lại trong lòng đồng đội, xóm làng là cô gái vui vẻ, vận động mọi người chung tay khôi phục kinh tế. Những năm sau chiến tranh, để nguôi nỗi nhớ chồng, bà xông pha đến những vùng kinh tế mới. Dấu chân bà in khắp Tây Nguyên, nơi bà đến ruộng hoang thành đồng xanh.

"Lúc kết thúc chiến tranh cô mới 27 tuổi, sao không đi thêm bước nữa?" - tôi hỏi bà. Bà Nga nở nụ cười đôn hậu, khiến người đối diện tự có câu trả lời rằng dù chẳng có hôn lễ nào nhưng với bà liệt sĩ Thinh mãi là người chồng, là niềm hạnh phúc duy nhất và trọn kiếp này của bà.

"Nói cháu không tin, cô có rất nhiều người đàn ông đến bên, thời trẻ thì ngỏ ý chồng vợ, khi về già thì gá nghĩa nương tựa. Nhưng mỗi lần vậy cô đều từ chối, cô chỉ có một người chồng thôi. Kiếp này không được thì hẹn kiếp sau" - bà Nga trải lòng. Lời bà nói đủ đầy son sắt của tình yêu, của nghĩa phu thê.

15 năm khôi phục kinh tế ở Tây Nguyên, bà Nga trở về quê nhà Bình Nguyên và được Nhà nước cấp cho một mảnh đất vừa đủ dựng ngôi nhà nhỏ thờ chồng. Kết thúc sứ mệnh với Tổ quốc, bà lại về làm dâu chăm mẹ chồng, xây mộ cho chồng, vẹn toàn làm một người vợ hiền, dâu thảo dù chưa kịp hôn lễ.

Tuy nhiên, trong chiến cuộc bà vượt qua mọi khó khăn, đến thời bình lại vấp phải những trái ngang. Vốn dĩ ai cũng biết bà là vợ ông Thinh dù không có đám cưới, hôn thú. Năm 1993, bà làm đơn đề nghị công nhận vợ liệt sĩ, lúc này những người thân trong nhà chồng đều hi sinh, qua đời.

Việc công nhận phải được họ hàng đồng thuận, mà bà Nga lại trực tính như người lính từng góp ý một người trong dòng họ chồng rằng làm cán bộ dân số mà sinh nhiều con thì nói ai nghe. Bấy nhiêu đó mà người trong họ trước ký công nhận, sau rút lại. Để rồi gần 20 năm bà Nga theo đuổi khiếu nại từ cấp địa phương đến trung ương.

"Tôi theo đuổi đấu tranh chẳng phải vì tiền tuất thờ liệt sĩ. Tôi chỉ muốn được danh chính làm vợ anh. Tôi cũng có chồng mà" - bà Nga xúc động tâm sự.

Sau những trầy trật, hồ sơ chuyển đi rồi rút xuống, đến năm 2013, hồ sơ đề nghị công nhận vợ liệt sĩ của bà được lập lại. Và mãi đến ngày 30-10-2020, bà Nga mới cầm trên tay giấy công nhận bà là thân nhân liệt sĩ. Lúc đó, bà đã thắp nhang và nghẹn ngào khấn vái: "Em được công nhận là vợ anh rồi!".

Cách đây một tuần, bà Nga đi mua bộ lư hương mới, chuẩn bị làm giỗ chồng. Năm nay, bà sẽ làm giỗ to nhất, mời nhiều khách hơn để thông báo mình đã danh chính ngôn thuận là vợ ông Thinh - người chồng đã hi sinh từ hơn nửa thế kỷ trước. "Lần thứ hai tôi thấy tết vui đến vậy. Lần đầu là tết thống nhất kết thúc chiến tranh" - bà Nga trải lòng.

Tình yêu quá lớn

Những người hàng xóm, đồng đội hay tin bà Nga được công nhận vợ liệt sĩ ai cũng mừng. Mấy ngày qua, nhiều người chứng kiến tình yêu từ thời chiến và dõi theo cho đến tận bây giờ đến nhà chúc mừng. Bà Trịnh Thị Học, đồng đội cũ của liệt sĩ Thinh và bà Nga, bảo rằng đã ngóng sự công nhận từ rất lâu, đó như tờ hôn thú mà chiến tranh đã tước đoạt của hai đồng đội. Còn bà Võ Thị Lại, em gái bà Nga, bao nhiêu năm nhìn chị côi cút cũng chạnh lòng dù bà hiểu chị mình son sắt trọn đời. "Sự công nhận dẫu muộn nhưng chị tôi sẽ rất hạnh phúc. Điều ấy lớn hơn tất cả" - bà Lại nói.

Lời tri ân của thế hệ sau

Bà Hà Thị Anh Thư - nguyên Bí thư huyện ủy Bình Sơn, nay là Phó trưởng Ban dân vận tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết: "Từ khi tiếp nhận sự việc, trò chuyện cùng cô Nga và những đồng đội, người thân, chúng tôi thấy đây là một chuyện tình đặc biệt hiếm có, một người phụ nữ đoan chính đến tuyệt vời. Cô Nga được công nhận vợ liệt sĩ là niềm vui lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ của huyện. Đó cũng là lời tri ân, cảm ơn mà thế hệ chúng tôi dành cho cô".

Theo Trần Mai/ Tuoitre online