Lực lượng vũ trang là danh từ gọi chung trong đó có nhiều quân binh chủng và đơn vị chuyên môn như: Quân y, hậu cần, kỹ thuật, tuyên huấn… Khi triển khai một hoạt động lớn, tạm dùng từ “chiến dịch” (đây là từ chỉ dùng trong lĩnh vực quân sự nhưng hay bị lạm dụng dùng cả trong hoạt động kinh tế, xã hội), quân đội cũng có nhu cầu ghi lại hình ảnh để lưu trữ tư liệu, thực hiện tuyên truyền cả trong quân đội và dân sự. Cùng với đó, các cơ quan truyền thông dân sự cũng ghi nhận lại sự kiện để tuyên truyền (mang tính chất nghề nghiệp). Nên việc một người lính trao lương thực cho dân là hết sức bình thường.

"Làm màu" nói theo dân mạng là “diễn cho sâu” nhưng việc triển khai hỗ trợ, phân phối lương thực đến tận nhà dân diễn ra trên phạm vi toàn TP. HCM thì một hai người làm sao nổi. Cung cấp thực phẩm cho 10 triệu dân TP là một bài toán hóc búa mà chính quyền phải giải quyết chứ nào đâu chỉ trao vài bịch quà mà bảo làm màu. Lẽ tất nhiên quân đội cũng chỉ là một trong rất nhiều lực lượng bao gồm cả dân, chính, Đảng trong suốt thời gian qua đều hết lòng phục vụ nhân dân.

Tôi không có số liệu chính xác nhưng số tiền mà quân đội ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 qua phương tiện, hàng hóa, thuốc men, tiền mặt cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng chứ không phải ít thì chắc không phải làm màu rồi. Tiền là thật, hàng cũng thật và cũng đã được đưa đến cho người dân thì không giả rồi.

Thứ đến về sức người, cái này thì khó tính đếm hơn nhưng chắc chắn không ai đòi tăng lương khi đi phục vụ chống dịch cả. Có thể họ vẫn được hỗ trợ một phần kinh phí nhưng số tiền này so với công sức họ bỏ ra rất thấp. Hình ảnh những người lính trẻ lưng ướt đẫm mồ hôi phân chia, vận chuyển lương thực cho hàng triệu hộ gia đình thì cũng không phải làm màu. Họ có làm không hay “màu gì” thì cũng dễ biết vì họ xuống tận mỗi khu phố, tổ dân phố kia mà. Mỗi người tự kiểm chứng được.

Đối với lực lượng Quân y, khi ra quân thì họ cũng quay phim, chụp hình để nêu gương và tôn vinh những hành động, việc làm ý nghĩa chứ không phải cần ai biết tên, được nổi tiếng. Khi đến các bệnh viện, cơ sở y tế, họ cởi bỏ quân phục rồi mặc y phục, trang thiết bị y tế chống lây nhiễm kín mít và hòa vào đội ngũ tuyến đầu đang ngày đêm vất vả suốt 2 tháng qua chưa được về nhà dù họ ở nhà vẫn có cha mẹ già, con nhỏ. Vậy có tính là họ "làm màu" không nhỉ?

Với những cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ canh gác tại các chốt kiểm soát dịch, điều này là cần thiết để hạn chế người dân ra đường không có lý do chính đáng. Họ tăng cường cho lực lượng công an, dân phòng đã phải căng mình chịu trận suốt hơn 1 tháng qua mà chưa được nghỉ ngơi. Các chốt đều kiểm soát nghiêm, đúng đối tượng được phép di chuyển với thái độ nhã nhặn, từ tốn. Hiệu quả của việc này đến đâu, tôi chưa dám khẳng định nhưng ít nhất lượng người ra đường đã giảm hẳn và chắc chắn sẽ không có kiểu đứng trả treo với lực lượng chức năng rồi quay phim đưa lên mạng xã hội. Hay tệ hơn là ngang nhiên đi trên phố rồi khi bị nhắc nhở còn thách thức lượng lượng chức năng: “mày biết tao là ai không?”. Nếu bạn cho rằng quân đội "làm màu" thì dễ lắm cứ ra mấy chốt có các anh bộ đội rồi thách thức xem anh ấy màu gì là biết?!

Cá nhân tôi đã chứng kiến, ngoài lực lượng thamg gia giữ gìn an ninh trật tự, quân đội còn có một lực lượng cơ động kiểm soát quân sự. Họ di chuyển liên tục qua các chốt, địa bàn, ngó nghiêng, quan sát đủ thứ. Không phải họ rình bắt phạt người dân ra đường mà họ quan sát từ xa các chốt có binh lính đứng gác. Họ xem lính có giữ quân phong, quân kỷ, thực hiện đúng nhiệm vụ không hay là hống hách, dọa nạt dân… Điều này cho thấy, quân đội rất quan tâm đến tư tưởng, kỷ luật của binh lính. Những hành vi, việc làm nhũng nhiều, làm phiền dân đều được kiểm tra, ngăn chặn kịp thời nếu có biểu hiện.

Không tin, bạn thấy bộ đội về địa phương, nếu có việc làm phiền dân hay một tay thì trao quà tay kia đòi “lại quả” thì cứ báo cho sĩ quan của họ hay chính quyền địa phương. Tôi tin chắc hành vi dù nhỏ nhưng người lính đó chắc chắn bị kỉ luật, sĩ quan của họ cũng sẽ bị kỉ luật nặng hơn dù không làm nhưng để cho cấp dưới nhũng nhiễu dân.

Cuối cùng, dù những cán bộ, chiến sĩ về với dân có là ai đi nữa thì họ vẫn là quân đội của nhân dân Việt Nam hay được gọi một cách thân thương, trìu mến hơn là Bộ đội Cụ Hồ. Trong số họ có rất nhiều người là con em của TP hiện đang thực hiện nghĩa vụ trong quân đội. Họ cũng không xa lạ hay từ địa phương khác đến TP. HCM đâu. Thế nên, chẳng ai cần phải làm màu khi về nhà cả!

(Nguồn: Phạm Toàn- Báo CCB TP. HCM)