Ông Đoàn Văn Kiện sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Tân thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Năm 1953 khi vừa tròn 18 tuổi ông tình nguyện tham gia du kích tại địa phương để tham gia kháng chiến. Đến năm 1954 ông được chuyển đến đơn vị Tiểu đoàn U Minh 1 để công tác, tại đây ông tham gia nhiều trận đanh lớn, nhỏ cùng đồng đội. Đặc biệt, ông tham gia vào trận chiến thắng Đầm Dơi – Cái Nước – Chà Là năm 1963, trong trận đánh này ông bị thương ở tay. Trong nhiều năm tham gia kháng chiến bản thân ông cũng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Do tình hình sức khỏe không đảm bảo năm 1968 ông được đơn vị cho rời quân ngũ trở về địa phương phát triển kinh tế gia đình.

Ông Đoàn Văn Kiện, khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn chia sẻ: “Mình là người lính dù còn trong quân ngũ hay về địa phương thì trong tâm trí mình vẫn hướng theo Đảng, chính quyền cách mạng và luôn luôn ghi nhớ những lời dạy của Bác Hồ. Đồng thời, tôi xác định khi còn trong quân ngũ thì mình cố gắng hoàn thành nhiệm vụ về địa phương mình cố gắng phát triển kinh tế”.

Đến khi Miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước ông lập gia đình và chuyển đến khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn khai khẩn đất đai tham gia sản xuất phát triển kinh tế. Tại đây gia đình ông khai phá được 20 công đất để nuôi trồng thủy sản. Mặc dù, bị vết thương do chiến tranh và di chứng của chất độc hóa học hành hạ khi trái gió trở trời ông cố gắng lao động để nuôi sống gia đình.

Tuy nhiên, nỗi đau lớn nhất đối với ông là trong 7 người con, có đến 3 người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, có người đến nay đã ngoài 30 tuổi vẫn không thể nói chuyện, không thể phụ giúp gia đình và tư duy bị hạn chế. Đó là nỗi đau dai dẳng và khốc liệt nhất là khi từng ngày, từng giờ ông phải chứng kiến di chứng chiến tranh đày đọa các con mình. Và đó cũng là trận tuyến mới mà những người thương binh nhiễm chất độc da cam phải đối mặt trong thời bình.

Ông Đoàn Văn Kiện, khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn chia sẻ thêm: “Bản thân tôi bị thương và bị nhiễm chất độc hóa học nhưng tôi không buồn vì tôi là người lính. Nhưng tôi chỉ thấy thương cho mấy con tôi, đặc biệt có một đứa tư duy không phát triển và không làm được công việc gì hết. Chính vì vậy tôi luôn cố gắng lao động sản xuất phát triển kinh tế gia đình cố gắng bù đắp phần nào thiếu sót cho các con tôi. Những năm qua, cũng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng đã góp phần giúp gia đình tôi phát triển”.

Ông Lê Xuân Thái, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Năm Căn chia sẻ: “Trước đây ông Đoàn Văn Kiện từng tham gia Tiểu đoàn U Minh 1, khi về địa phương ông tích cực lao động sản xuất để chăm lo cho các con một cách tốt nhất, mặc dù bản thân ông bị thương và cũng bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài miếng đất ông đang sản xuất ông còm mua một miếng đất khác để con ông có cuộc sống khá giả. Đây là tấm gương thật đáng trân trọng đối với những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin”.

Có thể thấy rằng, trên những vết thương và nỗi đau dai dẳng của chiến tranh, sự sống vẫn nảy sinh từ khát vọng và ý chí con người. Chỉ có tình thương, sự kiên cường và hy sinh cho con bao la mới giúp cho ông Đoàn Văn Kiện vượt qua số phận nghiệt ngã. Tấm gương đầy nghị lực của ông đã và đang thắp sáng, tiếp thêm động lực cho những người không may có hoàn cảnh giống như ông luôn vươn lên trong cuộc sống.

Bài và ảnh Thanh Vũ, Quốc Sáng