Cựu chiến binh Phan Văn Phụ xuất ngũ năm 1983, từ hai bàn tay trắng vươn lên làm giàu chính đáng bằng công sức, trí tuệ của mình. Giờ đây, ông không chỉ gầy dựng được cơ ngơi khang trang mà còn là mạnh thường quân có tiếng ở xã nhà.

Sau giải phóng, Thuận Mỹ là vùng đất khó khăn bật nhất của huyện Châu Thành. Từ mảnh đất nước ngập theo mùa, giờ đây Thuận Mỹ thay đổi nhiều. Chạy bon bon trên Đường tỉnh 827, chúng tôi thấy cây xăng nhà ông Hai Phụ nằm cặp bên đường.

Cựu chiến binh tay trắng

Ông đúng chất là một lão nông miền Tây, đậm người, hào sảng từ trong giọng nói. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thanh long đang say trĩu trái xanh, trái chín, giọng ông hồ hởi: “Hôm trước có một đợt mưa nên thanh long ra búp nhiều mà đẹp lắm”. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thuận Mỹ - Võ Nguyễn Thanh Năng cho biết, nhờ vườn thanh long này, ông Phụ tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 người trong xã, cũng là cựu chiến binh, con cháu cựu chiến binh.

Để có được cơ ngơi như hôm nay, ông đã lam lũ vất vả cả một thời tuổi trẻ. Ngày mới xuất ngũ về quê, ông chẳng có gì ngoài 2 bàn tay trắng, mẹ già, em dại, vợ và 3 đứa con thơ. Quyết tâm không để đói khi còn sức khỏe, ông hùn vốn cùng vài người bạn nuôi vịt chạy đồng. Trong bầy vịt mấy trăm con, ông chỉ hùn được vài chục con, nhưng chỉ có mình ông đưa vịt đi khắp tỉnh chạy đồng. Một chuyến đi kéo dài 5-6 tháng, có khi là cả năm. Ông đi khắp các cánh đồng trong tỉnh, qua cả Tây Ninh, Đồng Tháp. Ở nhà, vợ ông phụng dưỡng mẹ chồng, chăm sóc các con, làm thuê, làm mướn sống qua ngày.

Tập tành học kinh doanh

Thời điểm đó, kinh tế khó khăn, mấy trăm vịt đẻ nhưng có khi không tìm được nguồn tiêu thụ trứng. Xót của, tiếc công, ông quyết lòng học nghề ấp trứng bán vịt con. Sẵn có nghề nuôi vịt, ông “tự cung, tự cấp” cho hoạt động kinh doanh của mình. Thời gian sau, khi Nhà nước thực hiện chính sách “mở cửa”, việc kinh doanh của ông dần thuận lợi, bắt đầu cho những đồng lời đầu tiên. Nhưng bảo bỏ nghề nuôi vịt chạy đồng thì ông không chịu. “Cực quen rồi, còn làm được thì làm!” - lão nông, cựu chiến binh cười rôm rả.

Thời điểm hơn 10 năm trước, đường sá còn khó khăn, dịch vụ xăng dầu ít, mỗi lần chở vịt đi về lỡ chuyến quá khuya mà hết xăng không biết mua ở đâu. Cả khu Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông không nơi nào có bán. Từ sự bất tiện của mình, ông nhìn thấy tiềm năng kinh doanh. Ông Phụ bàn với vợ, gom toàn bộ tiền dành dụm, mượn thêm bạn bè, vay vốn hỗ trợ từ Hội Cựu chiến binh địa phương “đổ hết vô” mở cây xăng. Năm 1998, cây xăng nhỏ, đầu tiên, duy nhất tại Thuận Mỹ mọc lên, đáp ứng nhu cầu của người dân và mang lợi nhuận về cho gia đình ông. Từ đó, kinh tế nhà ông dần ổn định. Người cựu chiến binh vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ông rong ruổi khắp nơi theo đàn vịt chạy đồng. Nhờ đi lại nhiều, ông học được nhiều điều mới mẻ, đem về áp dụng phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, gia đình ông vẫn duy trì nghề ấp vịt, kinh doanh cây xăng, nuôi yến, mở dịch vụ cho thuê sân bóng đá nhân tạo và trồng thanh long. Nghỉ nuôi vịt chạy đồng được 3 năm nay, ông Phụ chủ yếu quản lý chung, công việc trực tiếp giao lại cho các con và thuê thêm nhân công, tạo việc làm cho người dân địa phương.

“Cho người là còn mãi”

Từ một người không “miếng đất cắm dùi”, ông trở thành mạnh thường quân có tiếng ở vùng Thuận Mỹ. Địa phương làm cầu, làm đường, lắp camera, đèn đường đều vận động ông hỗ trợ. Tặng nhà tình nghĩa, tình thương, quà cho người nghèo, không khi nào không có tên ông trong danh sách mạnh thường quân đóng góp, không ít thì nhiều, cũng đã hơn chục năm. Hớp ngụm nước trà, ông cười khà khà: “Ngày xưa, mình cũng nghèo. Giờ khá giả rồi thì hỗ trợ mọi người, giúp đỡ địa phương. Mình cho đi rồi sẽ kiếm lại được, không mất đi đâu. Của cải mình xài thì hết, nhưng tặng cho người là còn mãi”. Như để chứng minh cho lời ông nói, anh Năng giới thiệu: “Ông vừa đóng góp 100 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho các huyện khó khăn”. Thấy chúng tôi trầm trồ về số tiền đóng góp, anh tiếp lời: “Hồi đó giờ, số tiền chú đóng góp cho địa phương phải tính bằng trăm triệu!”.

Ba người con của ông đều có gia đình riêng, ổn định cuộc sống, có cơ ngơi, sự nghiệp riêng. Người nhà khuyên quá nên ông không nuôi vịt chạy đồng nữa, mới nghỉ được chừng 3 năm. Ở nhà không coi sóc cây xăng thì ông ra ruộng thanh long. Tính tình hào sảng, hay giúp đỡ mọi người nhưng bản thân ông thì giản dị. Chiếc áo sờn vai, chiếc xe máy cọc cạch, dáng người đậm, làn da đen rám và nụ cười thoải mái là “thương hiệu” của ông Hai Phụ, vùng Thuận Mỹ xưa nay, không lẫn vào đâu được.

Muốn học hỏi những tấm gương vượt khó, thành công, chúng tôi nghĩ mình chẳng cần phải đi đâu xa lắm, cựu chiến binh Hai Phụ là minh chứng cụ thể, rõ ràng!.

(Theo baolongan.vn)