Dù đã gần 100 tuổi, sức khỏe yếu dần nhưng khi nói đến Cách mạng Tháng Tám cách đây 77 năm về trước, ông Huỳnh Văn Gương như tuôn dòng cảm hứng, nhớ rất chi tiết thời khắc lịch sử mà ông và người dân quê hương ông đồng loạt đứng lên làm cuộc khởi nghĩa thần kì.

Ông Gương kể, quê ông ở xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Vào tháng 8/1945, khi 22 tuổi, bản thân đã ý thức được “nợ nước, thù nhà” căm phẫn bọn tề gian hãm hại dân lành. Qua tuyên truyền của các cán bộ tiền bối, cán bộ Việt Minh ông đã gia nhập vào đội cảm tử của xã đội Thạnh Phú tham gia làm cuộc Cách mạng Tháng Tám tại quê nhà và sau đó gắn cả cuộc đời với Đảng với quân đội. "Lúc đó mình oán mấy tay hội tề muốn bỏ tù ai thì bỏ tù, bắt dân làm đủ thứ hết. Nghe Bác Hồ nói “chết mà tự do còn hơn sống mà làm nộ lệ, không có gì quý hơn độc lập tự do”, nên phấn khởi đi làm Cách mạng tháng Tám. Các xã như: Thạnh Phú, An Qui, An Nhơn, An Thạnh, Thạnh phong... cờ xí dậy trời, đánh mỏ rầm rộ, phấn khởi lắm ” - Ông Gương nhớ lại.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Huỳnh Văn Gương tiếp tục nhận nhiệm vụ ủy viên quân sự xã rồi xã đội trưởng xã đội xã Thạnh Phú (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Sau đó, người cán bộ này trưởng thành và công tác ở nhiều đơn vị của quân đội Nhân dân Việt Nam như: sư đoàn 9 (Quân giải phóng Miền Nam), đại tá Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Đảng ủy Quân khu 9. Khi về hưu, ông và gia đình sống tại ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Tiền Giang.

Dù tuổi cao nhưng ông Gương vẫn chưa ngơi nghỉ mà tiếp tục nhận các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Bí thư Chi bộ ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang). Đến năm 2002, do tuổi cao đi lại khó khăn nên ông mới thôi các hoạt động đoàn thể tại địa phương. "Mình đã thể rồi là sẽ đi theo Đảng đến giọt máu cuối cùng, còn sống ngày nào là mình sẽ nguyện gắn bó suốt đời" - Ông Gương chia sẻ.

Dù ở lĩnh vực, nhiệm vụ công tác nào, ông Huỳnh Văn Gương cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền và hội cực chiến binh vững mạnh, quan tâm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, rất được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương kính trọng, noi theo.

Ông Hồ Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Bình Đức cho biết, toàn xã hiện có 169 hội viên cựu chiến binh thì có 2 người trực tiếp tham gia cuộc Cách mạng Tháng Tám. Đến nay, duy nhất chỉ còn có đại tá Huỳnh Văn Gương còn sống. Thời gian qua, ông Huỳnh Văn Gương là "cây cao bóng cả” là tấm gương mẫu mực tại địa phương.

Ông Huỳnh Văn Gương - một nhân chứng sống của cuộc Cách mạng Tháng Tám tại tỉnh Tiền Giang đã một lòng đi theo Đảng, gắn bó gần cả cuộc đời với quân đội, với Hội Cựu chiến binh, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân. Với những chiến công hiển hách và thành tích vẻ vang trong cuộc đời hoạt động cách mạng, cựu chiến binh Huỳnh Văn Gương đã vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, huy chương, Huân chương của Đảng- Nhà nước, Quân đội và các ngành, các cấp trao tặng, và năm ngoái ông được tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng./.

(Theo Nhật Trường - VOV Đồng bằng Sông Cửu Long)