Theo lời giới thiệu của chi bộ, chính quyền thôn Đặng Giang, Hà Nội, tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Quốc Doanh ở ngõ Thống Nhất. Cụ Doanh tham gia cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa. Ở góc trang trọng nhất trên tường nhà, cụ Doanh treo bằng chứng nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhì và Huân chương Chiến thắng Nhà nước tặng cụ và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Ba của cụ bà Lê Thị Thanh Toán.

Trong câu chuyện cụ kể, chúng tôi được biết: Ngay từ khi còn là thiếu niên, cụ Doanh đã tham gia lực lượng thanh niên cứu quốc, kêu gọi thanh niên tòng quân; tham gia, tổ chức lực lượng du kích địa phương. Đồng thời, cụ cùng với nhân dân phá kho thóc của bọn tay sai phát xít Nhật ở xã Cổ Lễ, rồi tiến vào thành phố Nam Định để giành chính quyền. Đến năm 1947, cụ Doanh được tổ chức chuyển sang công tác tại Tỉnh đội Nam Định. Cụ đã dũng cảm chiến đấu và kinh qua nhiều trận đánh quyết liệt, bị thương trong một trận đánh năm 1952 ở Nam Định. Sau đó, cụ được điều đi xây dựng khu gang thép Thái Nguyên. Cụ Doanh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào tháng 2/1958.

Năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, ném bom phá hoại miền Bắc, cụ Doanh xung phong vào miền Nam chiến đấu nhưng không được chấp nhận vì bản thân đang là thương binh. Đến năm 1973, cụ được điều về Xí nghiệp Cơ điện của Bộ Giao thông Vận tải cho đến khi nghỉ hưu.

Cụ Nguyễn Quốc Doanh là thương binh hạng 2/4, hiện vẫn còn di chứng thương tật ở chân, cổ. Sức khỏe tuy đã yếu, đôi mắt đã đục nhưng tinh thần của cụ vẫn minh mẫn và nhớ như in các kỷ niệm chiến trường. Cụ bảo, cuộc đời cụ đi theo cách mạng, chưa bao giờ thấy tiếc nuối điều gì. Cụ còn cảm thấy may mắn hơn rất nhiều đồng đội đã anh dũng ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

Chính vì thế, thời bình, trong không khí toàn dân thi đua xây dựng nông thôn mới ở thôn Đặng Giang, cụ Doanh đã tình nguyện hiến 40m2 đất thổ cư, chỉ mong sao góp chút sức già tạo nên con đường khang trang, rộng rãi, nhân dân cùng thụ hưởng. Cụ Nguyễn Quốc Doanh nhớ lại buổi chiều hôm đó, anh Nguyễn Bá Xuân, Trưởng thôn Đặng Giang đến thông báo: "Huyện đang chuẩn bị triển khai dự án làm đường liên xã Hòa Lâm-Hòa Phú, con đường chạy qua nhà cụ. Theo đo đạc, đoạn chạy qua nhà cụ bị thắt cổ chai nên chưa triển khai được. Xã và thôn đề xuất cụ hiến đất để mở đường, xóa nút cổ chai". Nghe xong, cụ Doanh khảng khái, phấn khởi nói: "Nếu anh đã nói như vậy, tôi đồng ý hiến đất luôn, tránh ảnh hưởng đến tiến độ dự án". Ngay lập tức, cụ Doanh quay sang hỏi vợ: "Tôi tin ý bà cũng giống ý tôi. Gia đình mình hiến đất thì mình cũng có lợi, đó là xe cộ sẽ không bị tắc nghẽn ngay trước cổng nhà mình, đúng không bà?". Vợ cụ Doanh, cụ Lê Thị Thanh Toán cười móm mém, nói với chồng: "Dĩ nhiên là tôi đồng ý. Tôi và ông đều là đảng viên, hiến đất mở đường là việc cần làm gương, đi đầu, nếu không sẽ không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng".

Nghe vợ nói vậy, cụ Doanh hết sức vui mừng. Cụ bảo, vì biết chắc chắn bà sẽ đồng ý hiến đất nên tôi mới quyết nhanh như vậy. Bởi lẽ, làm việc gì "thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn", chứ tôi không muốn trong gia đình, không có sự thống nhất. Cụ Doanh cho biết: "Mảnh đất này bà ấy đã trồng rau cỏ, tảo tần nuôi con cái trưởng thành mấy chục năm, công sức của bà ấy rất nhiều. Việc hiến đất làm đường là quyết định thần tốc nhất của tôi mà không phải phân vân. Bởi có 2 điều tôi tin tưởng đó là, hiến đất là việc làm có ý nghĩa với làng, xã và vợ tôi sẽ đồng ý, ủng hộ nhiệt tình".

Nhà cụ Doanh nằm trên ngã ba của một con đường ngõ chạy ra đường liên xã. Ngày thi công con đường, cụ Doanh đã nhờ con cháu phá bỏ tường rào, cổng và công trình phụ để lùi đất cho con đường chạy thẳng. Con đường chuẩn bị được khánh thành thì cụ Doanh lại nhận được đề nghị bất ngờ.

Chẳng là, con đường ngõ chạy sát vách nhà cụ nhỏ hẹp, xe công nông chạy vào thì vừa nhưng cua rất khó. Lại thêm, nếu có công nông đi vào, xe máy đi ra sẽ rất dễ gây tắc ngõ. Đấy là chưa kể, có gia đình trong ngõ mua được ô tô nhưng vì ngõ hơi nhỏ nên khó có thể lưu thông thuận tiện. Các hộ dân trong ngõ ai cũng trăn trở, rất muốn con ngõ sẽ rộng rãi hơn nhưng chưa có ai nghĩ đến việc đề xuất cụ Doanh hiến đất mở ngõ.

Sau sự kiện cụ Doanh hiến đất cho đường liên xã, người dân trong ngõ hiểu hơn về tấm lòng và lối sống vì cộng đồng của cụ. Họ đã đề xuất với cụ tiếp tục hiến đất để mở rộng con ngõ và nếu cụ có yêu cầu đền bù, họ sẵn sàng đóng góp.

Thấu hiểu tâm tư của bà con trong ngõ, sau khi nghe xong đề xuất, hai vợ chồng cụ Doanh lại tiếp tục đồng ý ngay, không chút lưỡng lự. "Ngày xưa, dân cư thưa thớt, ít xe cộ nên các cụ thường để ngõ nhỏ. Nay xã hội phát triển, dân cư tăng lên, phương tiện giao thông đa dạng, cần phải có những con ngõ to hơn phù hợp với sự phát triển đó. Và tôi không thể cản trở sự phát triển này. Tôi sẽ lùi tường vào để con ngõ rộng rãi hơn, các anh cứ yên tâm. Còn đền bù thì tôi không yêu cầu. Bởi tôi hiến đất chứ không bán đất và cũng không muốn ai phải mang ơn mình cả", cụ Doanh nhớ lại.

Vậy là, nhân tiện công trình đường liên xã chuẩn bị hoàn thành, người dân trong ngõ mỗi người một tay giúp cụ Doanh xây lại tường rào mới để khánh thành một lúc hai công trình trong niềm vui khôn tả của cả người hiến đất lẫn người dân trong ngõ.

Nói về hành trình 64 năm tuổi Đảng, cụ Nguyễn Quốc Doanh bộc bạch: "Tôi là đảng viên ở cơ sở và là người cao tuổi nhất của chi bộ thôn Đặng Giang, Đảng bộ xã Hòa Phú, cho nên tôi sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ Đảng giao. Bởi vì tôi biết, có Đảng thì dân tộc ta mới được độc lập, hạnh phúc và ấm no. Ngoài ra, có Đảng lãnh đạo, chỉ lối cho nhân dân thì mọi việc đều sẽ thành công; nhân dân cũng chính là người đã giúp đỡ để những người lính Cụ Hồ hoàn thành nhiệm vụ thời chiến và thời bình; ý Đảng, lòng dân như một, chúng tôi tin tưởng vào Đảng đến cùng".

Nhận xét về cụ Doanh, ông Nguyễn Bá Xuân, Trưởng thôn Đặng Giang hết lời khen ngợi: "Thôn Đặng Giang có tấm gương như cụ Doanh là may lắm! Bao nhiêu năm cống hiến cho cách mạng, tài sản vật chất của hai cụ chẳng có gì ngoài căn nhà cấp 4 đơn sơ và vườn chuối. Nhưng tài sản tinh thần thì rất lớn. Nhân dân địa phương rất kính trọng hai cụ: Cụ ông là thương binh, cụ bà là cựu giáo chức. Đặc biệt là cảm kích trước nghĩa cử hiến đất mở đường của gia đình cụ. Chính nhờ những tấm gương như cụ Doanh mà thôn Đặng Giang đã về đích nông thôn mới sớm hơn dự kiến và hiện đang xây dựng chương trình nông thôn mới nâng cao".

Theo Quân đội nhân dân online