“Tôi bị thương, lúc đó đồng đội tưởng tôi đã chết nên cuốn tôi trong mảnh dù của lính Thái Lan. Sau khi tôi tỉnh dậy thì toàn bộ người lạnh toát, tôi thọc tay vào ngực thấy toàn bộ ngực đầy máu. Tôi cố gắng dậy cởi dù ra, bò ra cửa hầm không còn ai, tôi lần theo ven đường quốc lộ trở về dưới hậu cứ. Những đồng chí từng trải qua chiến trường mới biết được sự gay go ác liệt, đúng là mưa bom bão đạn, có nhiều anh em chiến sĩ hy sinh. Kể ra thực sự xúc động mà rơi nước mắt...”. Đây là chia sẻ vô cùng xúc động của một thương binh nặng với tỷ lệ thương tật 81%. Ông là cựu chiến binh Lê Đức Vinh, người dân thôn Đam Khê Ngoài, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Đầu năm 1971, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Vinh lên đường nhập ngũ và hành quân sang Lào chiến đấu giúp đất nước bạn. Những năm tháng ấy, lý tưởng và hoài bão của ông hòa chung trong khí thế sục sôi của tuổi trẻ cả nước. “Anh em đã mất mát thậm chí không còn hình dáng của con người, có khi nát hết không còn gì, chỉ còn những mảnh xương vụn. Nghĩ lại anh em chiến sĩ mà cảm động không cầm được nước mắt... Có nhiều người nằm bên nhau hôm nay nhưng ngày mai đã ra đi rồi” - ông Vinh nhớ lại.

Khó có thể nói hết được sự hy sinh, mất mát trong chiến tranh của những người lính. Nhập ngũ khi tuổi đời còn rất trẻ, giữa lúc cuộc chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, ông Vinh đã bị thương do pháo kích trong một trận chiến giáp lá cà với quân địch ở chiến trường Lào.

“Tôi bị thương, vết thương vào phổi vào đầu, với sức ép toàn thân tôi bị mất nhiều máu, tưởng là ra đi rồi. Gia đình nhà tôi ở nhà đã nghe rục rịch báo tử rồi. Tôi trở về quê hương mà gia đình ngỡ ngàng, đó là một điều may mắn” - Giọng ông Vinh nghẹn lại vì xúc động.

Trở về đời thường với nhiều thương tích, ông luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. “Vợ chồng tôi xây dựng với nhau, cô ấy cũng là bộ đội. Sau khi rời quân ngũ, cuộc sổng rất vất vả. Vợ chồng tôi chăn nuôi dê, lợn, đi làm thợ hồ, rồi làm nông nghiệp... Cuộc sống tương đối thì gia đình tôi chuyển sang làm hàng ăn. Kinh tế cũng tạm ổn để nuôi 6 đứa con ăn học hết đại học” - ông Vinh kể.

Không chỉ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, người thương binh già Lê Đức Vinh còn luôn luôn tìm tòi, học hỏi những lĩnh vực mới. Ông đã biến ước mơ có nước sạch của người dân các vùng khó khăn ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình bao lâu nay trở thành hiện thực.

Nói về ý tưởng xây dựng Nhà máy nước sạch, ông Vinh nhớ lại: "Quê hương Ninh Hải là đồng chiêm trũng, nước chua mặn, nguồn nước chưa bị ô nhiễm so với bây giờ nhưng nguồn nước ở xa. Tôi đã đào 3 cái giếng, giếng sâu nhất là 14 mét, tốn rất nhiều cát bỏ xung quanh để lọc nước, nhưng nước rất mặn, nguồn nước khó khăn".

Vậy nên năm 1999, ông Vinh xin phép chính quyền địa phương xây dựng một Trạm cấp nước nhỏ với kinh phí 10 triệu 500 nghìn đồng. Vì là trạm nhỏ nên chỉ phục vụ được vài chục hộ dân xung quanh. Về sau nhu cầu của người dân ngày càng lớn nên ông quyết tâm mở rộng Trạm cấp nước. Năm 2009, ông xin UBND nhân dân tỉnh xây dựng Trạm cấp nước lớn với tổng kinh phí là 10 tỷ 500 triệu.

Để có được công trình nước sạch phục vụ người dân như hiện nay, gia đình ông Vinh đã phải trải qua không ít khó khăn. Với số tiền xây dựng Trạm cấp nước quá lớn ở thời điểm năm 2009, gia đình ông đã phải đi vay mượn khắp nơi, thậm chí ông phải thế chấp cả sổ lương hưu của hai vợ chồng, thế chấp cả giấy tờ nhà đất ở ngân hàng...Tất cả với mong muốn mang lại nguồn nước sạch cho người dân ở các vùng khó khăn quê hương ông. Sau khi xây dựng thì đến năm 2011, Trạm cấp nước đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.

Nhớ lại thời gian trước năm 2000, gia đình ông Nguyễn Đình Sơn, người dân xã Ninh Hài phải dùng nước giếng khoan, giếng đào hoặc nước mưa trữ trong bể, chất lượng không đảm bảo: “Ngày xưa chưa có nước sạch của anh Vinh thì người dân chúng tôi toàn dùng nước giếng khoan dân tự làm. Thứ nhất khó khoan, thứ hai có nhiều chất kiềm độc hại, không đảm bảo vệ sinh”- Ông Sơn chia sẻ.

Trước nhu cầu dùng nước sạch ngày một lớn của bà con, ông Lê Đức ốm Vinh tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp Trạm cấp nước sạch. Với công suất 100m3/giờ, tới nay Trạm cấp nước đã cung cấp, phục vụ nước sạch cho người dân trong xã và các vùng lân cận của huyện Hoa Lư.

Nước sạch về giúp người dân yên tâm ổn định đời sống, xua tan nỗi lo về sức khoẻ. “Có được nguồn nước sạch là vô cùng quý giá. Chúng tôi rất trân trọng tấm lòng của bác Vinh”- Bà Bùi Thị Ngàn, một người dân trong xã bày tỏ.

Nhà máy nước của ông Vinh hiện đảm bảo cung cấp nước máy sinh hoạt cho nhân dân trong toàn xã Ninh Hải, một số thôn của 2 xã Ninh Thắng, xã Ninh Vân và trại giam Ninh Khánh với hệ thống đường ống dài trên 42 km.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt của nhân dân, Nhà máy nước của ông Vinh còn góp phần phát triển ngành du lịch ở địa phương. Ông Trần Văn Phong, Chủ một Homestay ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, xã Ninh Hải chia sẻ: “Nhờ nước sạch, gia đình tôi mạnh dạn làm Homestay để phát triển du lịch. Du khách đến quê hương tham quan nghỉ ngơi, có nước sạch đảm bảo để dùng”.

Nhà máy nước sạch của ông Vinh không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trên địa bàn với thu nhập ổn định 7-8 triệu/người/tháng.

Những nỗ lực “khơi nguồn nước sạch” của ông Vinh đã góp phần thay đổi diện mạo quê hương ngày càng khởi sắc hơn, thắp lên hy vọng về một tương lai đủ đầy, tươi sáng.

Không chỉ mang nước sạch về cho người dân, cựu chiến binh Lê Đức Vinh còn có 10 năm làm trưởng thôn với nhiều đóng góp thiết thực cho địa phương. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông, Đam Khê Ngoài là thôn đầu tiên của xã có nhà văn hóa và nhiều năm liền đạt danh hiệu Làng văn hóa.

“Tôi rất phấn khởi, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của bản thân còn là sự nhiệt tình và phấn đấu của toàn dân trong thôn, cùng đồng lòng đồng tâm hiệp lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn” - ông Vinh tự hào chia sẻ.

Chung tay xây dựng nông thôn mới, những cố gắng của thương binh Lê Đức Vinh đã được chính quyền địa phương và người dân ghi nhận, biểu dương như khẳng định của ông Đinh Đức Lâm, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Ninh Hải: “Đồng chí Lê Đức Vinh là thương binh nặng, luôn luôn gương mẫu trong thực hiện như lời dạy của Bác Hồ, đi đầu mọi công tác. Hiện đồng chí là doanh nhân thành đạt, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là anh bộ đội cụ Hồ”.

Năm 2020, ông Vinh cùng một số doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ xã Ninh Hải với kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Ông còn tặng sổ tiết kiệm cho Cựu chiến binh và thanh niên xung phong ở Ngã Ba Đồng Lộc, các gia đình thương binh, liệt sỹ, Cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Ninh Thuận; các chiến sỹ ở Hải đảo; tham gia đóng góp vào các quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó ở địa phương.. trị giá hàng trăm triệu đồng.

Thực hiện lời hứa trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, cựu chiến binh Lê Đức Vinh đang nỗ lực hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp nơi an nghỉ cho các đồng chí, đồng đội. Nghĩa trang liệt sỹ xã Ninh Hải là công trình được ông Vinh ấp ủ từ lâu, là cách để ông thể hiện sự biết ơn, tri ân với các đồng chí, đồng đội đã hy sinh.

“Xin hứa trước anh linh các anh hùng liệt sỹ, chúng tôi cố gắng làm sao bàn giao toàn bộ công trình cho UBND xã để kịp Kỷ niệm 75 năm ngày thương binh liệt sỹ” – ông Vinh cho biết.

Từ những đóng góp không ngừng nghỉ, cựu chiến binh Lê Đức Vinh đã nhiều lần được các cấp, các ngành khen thưởng, được UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tặng bằng khen, Huyện ủy Hoa Lư công nhận Mô hình “Dân vận khéo”.

Dù đã gần 70 tuổi song ở bất cứ cương vị nào, thương binh Lê Đức Vinh luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành mọi nhiệm vụ; tận tâm, tận lực với cộng đồng; giữ trọn lời thề với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống./.