Cuộc sống đời thường đầy khó khăn nhưng chất lính và lời thề với đồng đội: “Sống, cùng nhau chiến đấu, đến ngày độc lập, ai còn sống thì lo mồ mả cho người nằm xuống” khiến bà âm thầm góp sức cùng địa phương chăm lo, làm đẹp nơi yên nghỉ của đồng đội. Người nữ thương binh ấy là bà Đặng Thị Bảy, 75 tuổi, ngụ xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, người dân nơi đây hay gọi thân mật là cô Bảy.

Dù đã hẹn trước nhưng khi tôi đến nhà cô Bảy cạnh chợ Nước Xoáy, xã Long Hưng A vẫn không thể gặp được cô bởi theo các tiểu thương: “Cô Bảy đi bán rồi, ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm cô đi tới chiều mới về. Giờ này chắc cô bán ở xóm trên, mấy quán cà phê ”. Theo chỉ dẫn của tiểu thương, sau gần một giờ ngược xuôi mấy ngả đường liên xã ở Long Hưng A, tôi cũng may mắn tìm được cô Bảy - một bà cụ thân hình nhỏ nhắn, một tay co quắp, một tay cầm xấp vé số, lê những bước chân khó nhọc đến mời chào từng người mua vé số. Câu chuyện giữa cô với tôi diễn ra ở ngay Nghĩa trang Long Hưng A - nơi có 19 đồng đội của cô đang yên nghỉ.

Giữa nghĩa trang tràn nắng gió, giữa những hàng mộ liệt sĩ đều tăm tắp, cô Bảy kể về đời mình. Cô tham gia cách mạng từ năm 1958. “Năm đó cô 13 tuổi, cô, chú, anh, chị hoạt động cách mạng ở đây nhiều lắm. Được sự dẫn dắt của người anh thứ năm và mong muốn góp sức giành lại độc lập dân tộc nên cô bỏ học, trốn nhà theo cách mạng cả tháng trời mới về. Lúc về cha mẹ thấy việc làm đúng nên cũng ủng hộ, cô càng quyết tâm chiến đấu hơn” - cô Bảy kể. Ngày đó, do tuổi nhỏ nên cô Bảy được giao nhiệm vụ giao liên. Tích cực hoạt động, có nhiều đóng góp cho cách mạng, năm 1965 cô vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Lúc này cô cùng các đồng đội đã cắt máu ăn thề với nhau: “Sống, cùng nhau chiến đấu, đến ngày độc lập ai còn sống thì lo mồ mả cho người nằm xuống”.

Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, đơn vị bị địch phản công, nhiều đồng đội hy sinh, cô Bảy may mắn sống sót nhưng cũng bị thương nặng, mảnh đạn găm vào đầu và thương tật như hiện nay. Đến ngày hòa bình lập lại, đang tìm cách thực hiện lời hứa với đồng đội thì cô Bảy lại gánh thêm một trọng trách khác là chăm lo cho hai đứa cháu và người em gái. Cô Bảy thành mẹ bất đắc dĩ. Thương tật trên 80%, không thể lao động, bốn miệng ăn chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp của cô Bảy.

Day dứt không yên vì lời hứa với đồng đội vẫn chưa thực hiện được, năm 1997, bất chấp thương tật, cô Bảy quyết định nhận vé số về bán kiếm tiền để thực hiện lời hứa năm xưa. Bất kể ngày nắng mưa, cứ khoảng 5 giờ sáng là cô bắt đầu lặn lội khắp nơi bán vé số đến chiều muộn. Cô Bảy phân chia rõ ràng, trợ cấp thương binh dành lo gia đình, còn tiền vé số bỏ ống heo để dành.

Vào năm 2010, xã Long Hưng A có kế hoạch trùng tu lại nghĩa trang, lúc này cô Bảy mang đến đưa cho xã 72 triệu đồng, nói là tiền ủng hộ thêm để phụ với xã trùng tu nghĩa trang. Anh em cán bộ xã vô cùng bất ngờ. Hỏi ra mới biết đó là tiền cô Bảy bán vé số dành dụm bỏ heo 13 năm nay.

Tuy nhiên, thấy hoàn cảnh cô Bảy khó khăn cộng với công trình đã được đầu tư kinh phí nên xã từ chối nhận tiền. Cô Bảy ra sức giải thích lý do và nói tâm nguyện của mình với đồng đội. Cảm động trước tấm lòng của cô Bảy, xã dùng số tiền của cô ủng hộ để mua gạch men ốp lên 144 phần mộ liệt sĩ (trong đó có mộ 19 đồng đội của cô) và trùng tu Nghĩa trang Long Hưng A khang trang như hiện nay.

Đến hôm nay, khi lời hứa với đồng đội đã hoàn thành, Nghĩa trang liệt sĩ Long Hưng A khoác lên mình một màu xanh ngọc bích tươi đẹp, sạch sẽ, thế nhưng cô Bảy vẫn cho rằng mình chưa làm tròn nghĩa vụ của mình. Do vậy, dù đã gần 80 tuổi, cơ thể thương tật, hằng ngày chịu những cơn đau nhức hành hạ nhưng cô vẫn đều đặn cuốc bộ khắp nơi bán vé số. Nhìn từng bước chân liêu xiêu nhưng không hề mệt mỏi của cô đổ dài theo bóng nắng, lòng tôi dâng lên niềm cảm phục cô Bảy - người đã dành hết cả tuổi xuân cho cuộc chiến chống Mỹ, rồi hòa bình, cô lại dành cả quãng đời còn lại chắt chiu chăm lo cho đồng đội đã khuất. Với những người lính như cô Bảy, ba chữ “Đồng đội ơi!” là máu thịt, vì :

Dù năm tháng không nguôi

Xin hãy để cho tôi được khóc

Với những ngôi mộ có tên không tên hàng ngang hàng dọc

Vì chúng tôi là đồng đội của nhau

(trích thơ Trương Vĩnh Tuấn).

Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM