Bà Nguyễn Thị Bích tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, bà lên đường nhận nhiệm vụ san lấp hố bom tại đơn vị 816, tổng đội N43, đóng quân tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thời điểm đó, quân Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Giờ đây, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về đời thường, bà vẫn tâm huyết, trách nhiệm với đồng chí, đồng đội của mình. Gần 10 năm qua, ngôi nhà của Hội Cựu thanh niên xung phong phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có sự chăm lo xây dựng của bà Nguyễn Thị Bích để phần nào vơi đi thiệt thòi của những người đồng đội khó khăn, ốm yếu.

Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Trọng và bà Nguyễn Thị Tâm cùng là thanh niên xung phong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho cách mạng của họ đã qua, giờ đây sức đã tàn, lực đã kiệt lại mang trọng bệnh, hiện tại cả hai ông bà không có lương hưu, chi phí sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào trợ cấp của anh em họ hàng. Biết được hoàn cảnh của gia đình ông Trọng, với tinh thần “thương người như thể thương thân” cùng với trách nhiệm Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong, bà Nguyễn Thị Bích thường xuyên thăm hỏi, động viên và chia sẻ khó khăn với gia đình ông Trọng.

Một hoàn cảnh khó khăn nữa là nhà bà Nguyễn Thị Dung cũng là hội viên Hội cựu thanh niên xung phong. Chồng bà Dung là thanh niên xung phong thời kì chống Mĩ nhưng đã mất 5 năm trước, một mình bà nuôi hai người con và cháu ngoại. Hàng ngày bà Dung đẩy chiếc xe nhỏ ra vỉa hè bán nước cho người dân quanh khu vực nhưng thời gian vừa rồi do ảnh hưởng của dịch Covid, kinh tế gia đình cũng giảm nhiều. Thấy hoàn cảnh bà Dung khó khăn, bà Bích cùng một số chị em trong Hội đã vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ. Gia đình bà Dung có 5 người ở trong căn nhà chưa được 10m2 chật chội. Cơm nước đều sử dụng bếp than rất ô nhiễm. Nhờ uy tín và sự vận động khéo léo của bà Bích, gia đình bà Dung nhận được khoản tiền 2,5 triệu đồng và một bếp từ. Dù món quà có giá trị không nhiều nhưng đã động viên bà Dung giữ vững truyền thống “không ngại gian khổ” của thanh niên xung phong.

Không chỉ thường xuyên đến thăm hỏi tận nhà các hội viên rồi chia sẻ những món quà, bà Bích còn kiến nghị đến các ban ngành để đảm bảo quyền lợi cho các đồng đội đã từng tham gia thanh niên xung phong. Bà Bích hoàn thành xác nhận bổ sung hồ sơ cho gần 30 hội viên cựu thanh niên xung phong,tham gia kháng chiến không có chế độ trợ cấp lương hưu, được hưởng trợ cấp một lần là 2,5 triệu đồng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Có thể nói, với suy nghĩ “không để ai bị bỏ lại trong cuộc sống hôm nay", bà Bích đã trở thành người đồng đội thân thiết và nghĩa tình của tất cả hội viên Hội thanh niên xung phong phường Bạch Mai, góp phần nhân lên truyền thống thanh niên xung phong của một thời khói lửa.

Nghe nội dung chương trình Đời như cổ tích kể về nữ cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Bích dưới đây: