Trong suốt thời gian vận chuyển vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam, đoàn tàu không số đã trải qua nhiều mất mát trong đó sự hy sinh của các chiến sỹ tàu 165 tại biển Vàm Lũng, Cà Mau là đau đớn và nặng nề nhất. 18 cán bộ, thủy thủ cùng với 60 tấn vũ khí đã tự bấm nút hủy tàu để đảm bảo bí mật, không để người và hàng hóa lọt vào tay quân thù.

Trong số 18 cán bộ, chiến sỹ hy sinh ngày đó có liệt sỹ Lý Khánh Hồng người huyện Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Bà Nguyễn Thị Loan vợ liệt sỹ Hồng kể: Năm 1954, liệt sỹ Hồng tập kết ra Bắc. Bà là con gái phố Hàng Thùng, Hà Nội, cũng là thanh niên xung phong. Hai người đều đóng quân ở Hòa Bình. Đến giờ, bà Loan vẫn nhớ như in ngày hai người gặp nhau: Hôm đó bà ra suối tắm, giặt, gội đầu. Cô gái trẻ, với làn da trắng ngần, dùng cà men múc nước dội lên mái tóc dài đen nhánh đã làm bao chàng lính phải thẫn thờ. Trong khi múc nước, cô gái vô tình làm rơi chiếc cà men. Đang loay hoay không biết làm thế nào thì từ bên kia suối, anh bộ đội nhảy xuống, lấy lên giúp. Nghe giọng, cô gái mới biết anh là người miền Nam. Thế rồi họ quen, hò hẹn rồi thương nhau. Khi cô gái đưa anh về giới thiệu với bố mẹ, các cụ không đồng ý vì không rõ bộ đội Miền Nam tập kết ra Bắc có vợ hay chưa? Nhưng tình yêu đã giúp hai người vượt qua mọi khó khăn để đến với nhau. Một đám cưới diễn ra ngay tại đơn vị tuy giản dị nhưng cũng thật là vui.

Sau đó ít lâu, chồng bà được điều động về đoàn 759, tiền thân của đoàn 125 đoàn tàu Không số sau này. Đây là đơn vị đặc biệt bí mật, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, thuốc men chi viện cho mặt trận Nam bộ. Mỗi lần ra khơi các chiến sỹ sẽ được xe chở từ căn cứ bí mật ở Hà Nội như: 83 Lý Nam Đế, 103 Quán Thánh, 19 Bà Triệu, 18 Nguyễn Thượng Hiền...về Đồ Sơn, Hải Phòng nhận tàu, xếp hàng. Công việc cụ thể của chồng khi đó là gì bà cũng không rõ, chỉ biết rằng trước lúc lên đường, chồng bà thường thắp hương để tự truy điệu mình.

Công việc khiến chồng bà Loan cứ phải xa nhà biền biệt, năm bữa nữa tháng mới về nhà thăm vợ con, có lần hơn 1 năm mới về. Mỗi lần về, bà lại thấy chồng người gày đen, nhưng vẫn luôn dành thời gian, tình cảm để chăm chút cho vợ con. Một lần tự nhiên anh bảo vợ: Mình lấy nhau đã lâu mà chưa có cái ảnh chung. Hôm nay mình đi chụp ảnh nhé! Hai vợ chồng đi bộ từ nhà bố vợ ở Hàng Thùng xuống hiệu ảnh Quốc Tế để chụp ảnh. Xui xẻo hôm đó mất điện, hai vợ chồng đành đi dạo một vòng quanh Bờ Hồ rồi về. Trước khi đi về đơn vị, anh bần thần nói với vợ: Đợt này anh đi công tác lâu, anh không được viết thư về, em cũng đừng lo gì nhé! - bà Loan nhớ lại lần cuối cùng gặp chồng.

Đến năm 1969, sau một năm vợ chồng chia tay nhau, đơn vị đến báo tin chồng bà đã hy sinh anh dũng tại mặt trận phía Nam. Nhận tin, bà khóc ngất bên hai đứa con. Hai đứa thấy mẹ khóc, sợ quá cũng khóc theo. Cũng may được bố mẹ và họ hàng bên ngoại cùng cơ quan, hàng xóm giúp đỡ, nỗi đau nguôi dần. Bà cắn răng ở vậy nuôi dạy các con nên người.

Thời chiến tranh bao cấp, cuộc sống của những người dân thành thị vô cùng vất vả, thiếu thốn. Cuộc sống của người vợ liệt sỹ một nách nuôi hai đứa con thơ như bà còn vất vả bội phần. Từ thanh niên xung phong bà xin chuyển về Xí nghiệp Kiến trúc xây dựng khu Nam Hà Nội. Lương thấp cùng với chế độ vợ liệt sỹ ít ỏi không đủ nuôi con, bà phải đi làm thêm, lúc thì bán thuốc lá cuộn, lúc thì bán đồ ăn cho công nhân ca đêm.

Sau giải phóng miền Nam, năm 1976, bà Loan xin cơ quan cho nghỉ phép, vay mượn ít tiền rồi dắt hai con đi tàu Thống Nhất vào Sài Gòn về Cần Thơ tìm gia đình chồng. Ba mẹ con đi xe về Ô Môn hỏi thăm, tìm gia đình anh Lý Khánh Hồng nhưng mọi người đều không biết. Thất vọng, bà dẫn hai con ra khu chợ Ô Môn tìm nhà ở nhờ để hôm sau đi tìm tiếp. Trong lúc lang thang bà thấy một người phụ nữ đang giặt ở bến sông sát chợ. Bà hỏi và xin vào nghỉ nhờ một đêm. Vào nhà, bà ngước nhìn xung quanh rồi đập vào mắt là bức tường treo mấy tấm ảnh. Đất dưới chân bà như sụp xuống. Bà hỏi:

-Có phải đây là gia đình anh Lý Khánh Hồng - bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc không?

Người phụ nữ Nam bộ nhìn bà, nhìn hai đứa nhỏ, rồi hỏi lại: Chị biết anh hai tôi ư?

Bà mừng rỡ kêu lên: Tôi là vợ anh Hồng, mẹ con tôi về tìm quê chồng đây!

Người phụ nữ miền Nam rối rít gọi mẹ, gọi cha. Mọi người ôm nhau khóc vì xúc động. Bà con hàng xóm thấy vậy cũng chạy sang, cùng khóc, cùng cười, cùng sung sướng vì gia đình đã gặp được nhau.

Sau hồi chuyện trò, hỏi han, bố chồng bà bảo: Ông cũng đã biết con trai lấy vợ Hà Nội, có hai cháu, rồi biết tin con trai hy sinh do tổ chức thông báo. Dù con đã mất nhưng ông bà rất vui khi có con dâu và hai đứa cháu khỏe mạnh. khôi ngô, xinh xắn. Khi nào thu xếp được sẽ ra Hà Nội thăm con cháu, chào sui gia.

Mong muốn là vậy nhưng đến đầu những năm 90, bố mẹ chồng bà lần lượt qua đời vì bệnh tật và tuổi già.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, nhà nước, Ban liên lạc Hội Tàu không số, mẹ con bà được hưởng chế độ gia đình liệt sỹ. Hai người con cũng đã có cuộc sống riêng, ổn định. Nhiều người nhận xét rằng gia đình bà là một gia đình liệt sỹ hiếm hoi có cái kết rất hậu. Mỗi lúc như vậy, bà lại cười hạnh phúc, hướng mắt lên di ảnh chồng.