Trong những năm 1970, 1971, dù gặp thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương nhưng Mỹ vẫn thúc ép tay sai đẩy mạnh hoạt động quân sự hòng chia cắt vùng giải phóng của Lào và uy hiếp hậu phương chiến lược của ta. Với tình cảm quốc tế trong sáng, thủy chung, hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã sang nước bạn Lào cùng chiến đấu chống kẻ thù chung. Nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, góp phần mang lại thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của 2 nước anh em. Chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, hòa bình đã lập lại nhưng còn hàng nghìn liệt sĩ vẫn nằm lại trên đất bạn Lào, trong đó có liệt sỹ Trần Văn Cảnh.

Năm 1968, hai chàng trai ở Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An là Trịnh Đăng Hảo và Trần Văn Cảnh tình nguyện lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 16. Sau 4 tháng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, hai anh cùng đơn vị sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào.

Từng tham gia nhiều trận chiến ác liệt, cựu chiến binh Trịnh Đăng Hảo nhớ lại: “Đơn vị tôi phối kết hợp với C6, chốt ở điểm địch đánh cả tuần cả tháng. Nhờ anh em phòng thủ tốt, đào hầm khi địch ném bom. Có 3 đồng đội của tôi bị trúng bom hy sinh”.

Vào bộ đội cùng một ngày, sinh hoạt và huấn luyện cùng nhau nên anh Hảo và anh Cảnh vô cùng gắn bó. Về sau khi đơn vị bố trí lại lực lượng, anh Hảo được phân công về hỏa lực, còn anh Cảnh thì làm nhiệm vụ trinh sát.

Chỉ sau một đêm trinh sát bị địch phục kích, Trần Văn Cảnh đã hy sinh. Nhưng điều cựu chiến binh Trịnh Đăng Hảo nuối tiếc sau hơn 50 năm là vẫn chưa tìm thấy hài cốt anh Cảnh. Không có một chút thông tin cụ thể về nơi an táng liệt sỹ. Những năm qua, gia đình và đồng đội của Trần Văn Cảnh đã từng nhiều lần đến nơi anh chiến đấu trên nước bạn Lào để tìm kiếm nhưng đều không có kết quả:

“Tôi tiếc nuối mãi, tối hôm đi trinh sát năm 1971, anh Cảnh bạn với tôi đi bộ đội cùng ngày cùng tháng, lên cùng ngủ với tôi 1 hầm. 2 anh em đang tâm sự với nhau, ước gì khi giải phóng ta về đi ăn 1 nồi cháo chè tại TP Vinh. Đêm hôm đó đi trinh sát lúc 1h sáng bị lộ, đồng chí Cảnh bị thương tại sông Nậm Chặt. Chúng tôi tổ chức đi tìm mấy ngày không được” – ông Hảo xúc động khi nhắc về sự hy sinh của đồng đội.

Hơn 50 năm tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Trần Văn Cảnh là cả một hành trình khó khăn và gian khổ. Cựu chiến binh Trịnh Đăng Hảo đã có những đêm giấc ngủ không tròn. Ông luôn khắc khoải khi đến giờ đồng đội của ông vẫn còn nằm lại đâu đó trên đất bạn Lào.

Ông Hảo kể: “Tối hôm đó sinh hoạt ăn lương khô với nhau, ngồi nói chuyện, lúc bấy giờ có kỷ niệm tôi xuống suối bứt mấy chùm dâu da với nhau về, 2 anh em ngồi ăn với nhau rồi nói chuyện. Hôm đó đi trinh sát cả 1 trung đội, có 1 đại đội 6 đi theo sau lên tập kích và chiếm cứ điểm”.

Liệt sĩ Trần Văn Cảnh quê ở xóm Châu Hưng, phường Vinh Tân, Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Nhưng vì chưa tìm thấy mộ nên gia đình đã xin Ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Việt Lào (Anh Sơn – Nghệ An) để một ngôi mộ gió để gia đình và đồng đội tưởng nhớ anh. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ, ông Trịnh Đăng Hảo và đồng đội lại tìm đến thắp hương tưởng niệm, bày tỏ lòng tri ân và biết ơn sâu sắc với các liệt sĩ đã không tiếc xương máu, anh dũng hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào như Trần Văn Cảnh đã góp phần làm rạng rỡ và tô thắm thêm trang sử vàng của dân tộc hai nước, thắt chặt hơn tình cảm thủy chung, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào./.