Mở đầu hồi ký của mình, PGS.TS.Bác sĩ Nguyễn Thị Phượng viết: “Trong trí óc tôi, hình ảnh của ba vẫn trẻ mãi. Ba là người đẹp trai, cao tầm thước, khuôn mặt hiền lành, phúc hậu. Ông khá vui tính, tuy ít nói nhưng mỗi lần ông nói chuyện pha trò thì rất dí dỏm. Ngày bé ở quê mỗi lần gặp ba chỉ là trong giấc ngủ vì quê tôi là vùng tạm chiếm. Mỗi lần ông ghé thăm nhà chỉ là những lần đơn vị của ba về đánh bốt, nên toàn về ban đêm, rồi vội vã đi ngay trước khi trờ sáng ba về hôn tôi trong giấc ngủ, chính vì vậy tôi đâu có biết mặt ba…”

PGS.TS.Bác sĩ Nguyễn Thị Phượng- là con gái lớn trong 4 người con của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thọ. Thời kỳ chiến tranh, hầu như các gia đình phải đi sơ tán mỗi người một nơi vì thế, bà Phượng không được ở gần ba của mình. Thế nhưng vì là chị lớn nhất trong nhà nên bà thường nhận được những lá thư của cha viết từ chiến trường. Bức thư đầu tiên bà Phượng nhận được là ngày 19-09-1965, khi ấy bà đang theo học ngành y. Trong thư, ông luôn động viên con gái học tập thật tốt: “Con cố gắng thì kết quả tiền đồ của con cũng sáng sủa hơn nhiều người. Quyết định vẫn là sự cố gắng của con. Ba mạ biết rằng con cũng nhớ nhà nhiều. Mạ cũng nhớ con nhiều. Nhưng mạ con tự đấu tranh tốt đấy. Vì mạ cũng việc lâu dài, việc to lớn hơn là khuôn khổ gia đình. Con chắc cũng vậy. Nhớ thì năng viết thư. Vài năm có dịp nghỉ hè thì cũng được về thăm. Ba muốn nóí nhiều với con nhưng thư sau. Chúc con khỏe. Con cư xử với nhân dân nước bạn cho hết sức tốt. Nhất là phải hết sức khiêm tốn..”

Suốt 22 năm ở trong quân ngũ từ chống Pháp, rồi đi theo cách mạng chống Mỹ, mặc dù trong chiến trường bận rộn nhưng liệt sĩ Nguyễn Hữu Thọ vẫn dành từng giờ, từng phút viết thư cho vợ, con ở ngoài Bắc, để gia đình yên tâm và các con gái phấn đấu học hành. Những bức thư ông viết về cho vợ, cho con giống như một cuốn hồi kí về cả chặng đường tham gia chiến đấu và cách mạng của ông. Bức thư cuối cùng ông gửi cho con gái là trước chiến dịch tổng tấn công Mậu Thân 1968 và ở trận đánh này, ông đã anh dũng hy sinh ngày 16 tháng 1 âm lịch. Trước khi hy sinh ông vẫn tin rằng ngày giải phóng Miền nam sắp đến nơi rồi, vì thế những bức thư ông viết trong thời điểm này luôn có tâm trạng hồi hộp chờ đợi ngày chiến thắng. Nhưng phải 7 năm sau, đất nước mới sạch bóng quân thù, Nam Bắc sum họp một nhà.

Lật dở gần 60 bức thư úa màu thời gian, nét chữ đã nhòe đi, PGS.TS Nguyễn Thị Phượng nghẹn ngào kể: “Những bức thư này là di vật của cả đời bà bởi cho dù không sống gần ba nhưng nhờ những lá thư này mà bà và các em có được sự động viên và sức mạnh phấn đấu vươn lên trong cuộc sống khi không còn cha nữa”.

LS Nguyễn Hữu Thọ sinh năm 1919 tại thôn Đại hòa xã Triệu Bình (nay là xã Triệu Đại), huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Sau tháng 8 năm 1945 LS Nguyễn Văn Thọ đã trực tiếp tham gia vào lực lượng vũ trang giữ các chức vụ- Huyện đội trưởng huyện đội Triệu phong, tỉnh đội trưởng tỉnh đội Quảng Bình, trưởng phòng động viên dân quân Quân khu 4, Tham mưu phó quân khu Trị Thiên Huế. LS Thọ luôn được đồng đội quý mến và nể phục bởi tính anh dũng, quyết tâm diệt giặc bảo vệ Tổ quốc.

“Trong lòng chúng tôi, ông lúc nào cũng sống mãi, những lời căn dặn chúng tôi trong những bức thư tôi vẫn luôn ghi nhớ và cho đến bây giờ thắp hương trước mộ ông, tôi vẫn tự hào rằng con đã làm theo đúng lời ba dặn, con đã thành đồng chí của ba, thành chiến sĩ, con đã xứng đáng với tất cả những gì ba căn dặn và con luôn tự hào về ba.” Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ Quân khu Thủ đô- người con gái theo nghiệp binh của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thọ tự hào về cha mình như vậy.

Liệt sĩ Nguyễn Hữu Thọ hy sinh năm 1968 và theo như thư của các đồng đội ở Quân khu Trị Thiên gửi về gia đình thì thi hài được an táng tại nghĩa trang Chợ Thông, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. Ở đấy có hơn 40 ngôi mộ đều là của bộ đội ta hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968, nhưng không có tên ghi trên bia vì thế gia đình bà Phượng khẳng định đó chưa phải là mộ của Liệt sĩ Nguyễn Hữu Thọ. Thời gian cứ trôi dài mãi, mà nỗi đau khoắc khoải của gia đình Liệt sĩ vẫn chưa thể nguôi ngoai.

Mỗi lần cứ nghĩ đến ba, bà Phượng và các em lại khóc thầm, cầu mong ông sống khôn, thác thiêng phù hộ độ trì cho bà và mấy chị em đưa được mộ ông về với quê hương, gia đình. Thế rồi may mắn, nhờ sự chỉ dẫn của đồng đội và linh thiêng của liệt sĩ, hài cốt của ông cuối cùng đã được tìm thấy chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. “Ba tôi và bác Tráng hy sinh ngay ngày đầu tiên của cuộc phản kích. Ngay tối hôm đó Bộ chỉ huy tiền phương chuyển về thôn An Ninh Thượng. Số anh em bộ đội hy sinh sau này chôn ở nghĩa trang Chợ Thông. Cho nên thư mộ ba tôi ở Huế và đưa ra mai táng tại nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9- Đông Hà – Quảng Trị với nghi thức trang trọng nhất.", bà Phượng cảm động chia sẻ.

Giờ đây, sau hơn 50 năm kể từ ngày Liệt sĩ Nguyễn Hữu Thọ hi sinh, những người con gái của ông đã phấn đấu trở thành những người thành đạt theo đúng lời dặn dò của cha. Họ đã xứng đáng với tấm gương chiến đấu hi sinh anh dũng của cha mình- một người con kiên trung của Tổ quốc.

Mời quý vị và các bạn nghe bài viết trong clip âm thanh dưới đây: