Đã gần 50 năm kể từ ngày người đồng đội Nguyễn Văn Tạc gửi lại thân thể nơi chiến trường lạnh lẽo, cựu chiến binh Triệu Quang Đạt ở Văn Giang, Hưng Yên vẫn không thể quên được gương mặt, hình ảnh của bạn. Với ông Đạt, đó không chỉ là nỗi ám ảnh về sự hy sinh của đồng đội, cùng là nỗi nhớ khôn nguôi về một thời tuổi trẻ hết mình cho lý tưởng độc lập, tự do của dân tộc.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi của xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên như Nguyễn Văn Tạc, Triệu Quang Đạt xung phong vào chiến trường ác liệt. Với ước nguyện đóng góp sức trẻ cho lý tưởng dành lại độc lập, tự do cho dân tộc, các chiến sĩ không ngần ngại tình nguyện ra tuyến đầu chiến đấu. Ngày 3/10/1974 - ngày nhập ngũ vào Sư đoàn 324 là ngày ông Đạt không thể quên suốt cuộc đời. Đồng hành cùng ông năm đó là người bạn cùng làng Nguyễn Văn Tạc.

Sau thời kỳ huấn luyện gian khổ ở Quảng Trị, đơn vị ông Đạt hành quân vào A Sầu, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nằm trên biên giới Việt - Lào. Đây là thung lũng có vị trí trọng yếu để quân đội ta vận chuyển người và hàng hóa vào chiến trường miền Nam dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Tại đây cũng từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Ông Đạt xúc động chia sẻ: “Vào đó anh em sống có đồng nào tiêu chung đồng đó, coi nhau như anh em ruột”. Năm 1974, các ông vào huấn luyện ở Cam Lộ, Quảng Trị, huấn luyện được 2 tháng thì được bổ sung vào đơn vị đánh nhau. 8 ngày hành quân đường rừng với đồng đội Nguyễn Văn Tạc với biết bao kỷ niệm khiến ông Đạt chẳng thể quên.

Những thông tin về liệt sĩ Nguyễn Văn Tạc ông Đạt nhớ từng câu từng chữ. Anh Nguyễn Văn Tạc sinh năm 1956, quê ở thôn Sâm Hồng, xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nhập ngũ ngày 3/10/1974 vào đơn vị C6, D8, E3, F320 thuộc Quân đoàn 2, hy sinh ngày 17/3/1975 trong trận đánh tại đồi 273 huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên.

Ông Đạt bồi hồi nhớ lại, những năm tháng ấy đi qua chiến trường Thừa Thiên - Huế, Mỏ Tàu là một cao điểm nổi tiếng ác liệt, được ví như lô cốt đầu cầu của một trận địa hai chiều. Biết bao kỷ niệm vui buồn trong những ngày chiến tranh ác liệt ấy, vậy mà người đồng đội của ông Đạt là Nguyễn Văn Tạc đã hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. “Anh ấy tham gia đánh mũi mở cửa để tấn công vào đồi 273, khu Mỏ Tàu, đánh nhau rất ác liệt, tôi vào cáng thương binh ra thì biết anh ấy hy sinh” - ông Đạt cho biết.

Bao năm qua, ông Đạt vẫn luôn nhớ về hình ảnh, gương mặt của bạn: “Chúng tôi ở ngoài Bắc 20 ngày thì hành quân vào Nam, không bao giờ quê hình ảnh anh ấy ôm mặt khóc khi lên tàu ở Thường Tín, rồi khi bổ sung vào đại đội tại A SẦu, Thừa Thiên...”

Nguyễn Văn Tạc hy sinh ở tuổi 19 với biết bao nhiệt huyết chưa tròn khiến cựu chiến binh Triệu Quang Đạt vẫn luôn khắc khoải mỗi khi nhớ về. Nhiều năm qua nỗi nhớ về đồng đội vẫn chẳng thể nguôi ngoai, ông Đạt luôn tự nhủ phải sống tốt, sống thay cả phần của đồng đội. Nhưng có một điều ông vẫn luôn canh cánh trong lòng khi chưa biết đồng đội nằm ở nơi đâu. Với tình cảm sâu nặng, biết ơn, cựu chiến binh Triệu Quang Đạt quyết tâm trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm phần mộ của đồng đội.

Quá khứ chiến đấu vẻ vang và đau thương chưa bao giờ phai mờ trong ký ức cựu chiến binh Triệu Quang Đạt. Ông vẫn sống bằng ký ức về những trận đánh, những năm tháng hào hùng và cả nỗi nhớ thương thương về đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại./.