Hơn 23 triệu học sinh và hơn 1,6 triệu giáo viên, nhân viên ngành giáo dục cả nước đã chính thức bước vào năm học mới 2024-2025, năm học đầu tiên thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Đây cũng là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở tất cả các lớp học từ lớp 1 đến lớp 12.
Trong thư gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nhân dịp năm học mới, một trong những vấn đề mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, đó là: “Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm…”
Với khí thế của năm học mới, người đứng đầu Đảng, Nhà nước thêm một lần nữa khẳng định quan điểm: giáo dục đào tạo phải hướng tới phát triển con người và vì hạnh phúc của con người.
Như chúng ta đã biết, con người là yếu tố quan trọng nhất là chủ thể trong mọi hoạt động. Giáo dục đào tạo lại liên quan trực tiếp đến con người, bắt đầu ở bậc mầm non là nuôi dưỡng rồi ở các bậc học tiếp theo đó là cung cấp kiến thức, phát hiện năng lực và bồi dưỡng trí, thể, đức để con người phát triển toàn diện.
Từ đó phát huy những thế mạnh của mình để hoàn thiện bản thân, cống hiến, đóng góp công sức, trí tuệ cho đất nước.
Nói đến con người - chủ thể của giáo dục đào tạo là nói đến thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên.
Để thực hiện hiệu quả quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm, có lẽ cần phải chuẩn bị nhiều điều kiện, trong đó, trước hết là đội ngũ giáo viên, những người làm công tác giáo dục.
Thầy giáo, cô giáo giỏi, tâm huyết ắt sẽ cho kết quả giáo dục tốt. Cán bộ quản lý giáo dục sáng tạo, công tâm, nghiêm túc thì cơ sở giáo dục mới mạnh, chất lượng dạy và học mới đạt mục tiêu.
Giáo dục đào tạo là một lĩnh vực không ngừng đổi mới, sáng tạo và phát triển, ở đó không có chỗ cho sự lạc hậu và lỗi thời. Chính vì vậy, không có công nghệ hay máy móc nào thay thế được con người.
Người thầy sẽ luôn đóng vai trò khai mở, khơi gợi và dẫn dắt. Muốn vậy, mỗi giáo viên cần tích cực, chủ động vận dụng các phương pháp dạy học tích cực, thực sự là tấm gương về đạo đức và trí tuệ.
Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo có những bước phát triển vượt bậc, khi việc tiếp cận tri thức trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết thì phát triển kỹ năng sống, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn càng quan trọng hơn việc truyền tải kiến thức thụ động, một chiều.
Để đạt được mục tiêu ấy, ngoài vai trò dẫn dắt của người thầy còn cần có sự chủ động học tập, tinh thần khát khao chiếm lĩnh tri thức của các em học sinh, sinh viên. Các em chính là chủ thể, là trung tâm của quá trình giáo dục với mục tiêu học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình.
Giáo dục hướng đến sự phát triển con người và hạnh phúc của con người còn ở sự đổi mới phương thức thi cử.
Thi thế nào để giảm áp lực học hành mà vẫn đánh giá đúng năng lực, sở trường của mỗi học sinh? Vẫn tạo ra sự hứng thú học tập, tạo ra cơ hội phát triển bản thân, khơi gợi những đam mê và cống hiến.
Khi giáo dục lấy con người làm trung tâm và vì con người, tất yếu sẽ nhận được sự đồng thuận, sự hợp tác từ chính người học, từ các bậc phụ huynh và cộng đồng xã hội. Khi đó, vị thế của người thầy trong xã hội ắt sẽ được khẳng định và tôn vinh.
Năm học 2024-2025 là một năm học đặc biệt, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử giáo dục Việt Nam khi chính thức khép lại chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 và triển khai đồng loạt chương trình giáo dục phổ thông năm 2018-chương trình mang theo những cải tiến quan trọng và toàn diện với những kỳ vọng lớn.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới từng nhấn mạnh: "Trước đây, chúng ta cũng đã nghiên cứu quan điểm giáo dục lấy người học làm trung tâm nhưng chưa triển khai được nhiều. Lần đổi mới này phải thực hiện cho kỳ được quan điểm trên, tích cực hoá hoạt động của người học".
Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức đòi hỏi sự nỗ lực của ngành giáo dục trong đó có cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, sự thay đổi nhận thức của phụ huynh và sự vào cuộc của toàn xã hội.
Những quyết sách kịp thời của Đảng, nhà nước chính là đòn bẩy, tạo đà cho sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục mà “con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu của sự phát triển”. Như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Giáo dục đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, đó chính là nền tảng vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.