Chùa Cầu, biểu tượng hơn 400 năm tuổi của Hội An mới đây đã khiến dư luận phải xôn xao khi “khoe áo mới” sau quá trình trùng tu, tôn tạo. Người bảo, chùa Cầu “mới quá”, “trẻ quá”, người khác lại nói “khập khiễng”, chẳng ăn nhập với cảnh quan, không gian di tích phố Hội… Câu chuyện có thể xem như một sự nối dài cho những bức xúc, thậm chí là phẫn nộ của rất nhiều người về ứng xử với di tích, để rồi cứ trở đi trở lại sau mỗi cuộc trùng tu không như ý.
Thực tế là, thời gian qua, sau nhiều trường hợp di tích bị biến dạng, thậm chí bị hủy hoại vì trùng tu, tôn tạo, nhiều người cảm thấy dần mất niềm tin, dẫn đến tâm lý có phần cực đoan khi cho rằng “trùng tu là phải giữ nguyên trạng”, là “không được phép có bất cứ sự thay đổi nào”. Điều này đúng với nhiều trường hợp, nhưng không có nghĩa là tất cả.
Với chùa Cầu, chúng ta hãy thử nhìn vào những con số thống kê sau: gần 60% khối lượng gỗ, gần 30% số viên ngói, 80% số đĩa cổ, 20% cấu kiện đá nền, 35% số con giống trang trí bờ mái… được tái định vị tại di tích sau khi tu bổ. Để thấy, trùng tu chùa Cầu đã đảm bảo khá tốt việc giữ gìn sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu. Từng bộ phận, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa.
Cũng có ý kiến cho rằng, có thể làm cho chùa Cầu bớt “mới đi”, bớt “trẻ ra” bằng cách chọn tông màu, sắc thái sao cho gần nhất với hình ảnh trước khi tu bổ. Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên môn, nhiều chuyên gia cho rằng điều này chưa hẳn đã phù hợp với quan điểm, nguyên tắc “không làm giả” mà dự án đã đề ra. Các mảng sơn thếp dù không toàn vẹn cũng không được tùy tiện cạo xóa đi mà phải giữ lại, bên cạnh những mảng mới sơn phủ. Đó là chưa nói đến chuyện, sự lạm dụng chất liệu tạo màu rất có thể sẽ làm mất các thông tin, dữ liệu xác thực về lịch sử, độ tuổi của di tích, gây ảnh hưởng đến kết quả công tác nghiên cứu về sau.
Song, trước nhiều luồng ý kiến, lãnh đạo Hội An mới đây cũng đã cho biết sẽ cân nhắc để xử lý lại màu sơn của di tích – trong điều kiện phù hợp nhất có thể. Một tinh thần biết lắng nghe, một sự cầu thị cần có và rất đáng hoan nghênh từ những người đứng đầu thành phố.
Không có công trình đại trùng tu nào mà không thay đổi, không có việc phục dựng nào được vẹn nguyên như thuở ban đầu; và di tích rồi cũng sẽ “nhuốm bụi thời gian”, như tự thân nó vốn có. Quan trọng là phải giữ cho được yếu tố gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong việc trùng tu, phù hợp với bản chất của di tích và đảm bảo công trình có tính bền lâu.
Chùa Cầu không phải là phế tích mà là một “di tích sống”, vẫn đang ngày ngày phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân. Có nghĩa là, ngôi chùa hơn 400 năm tuổi này gánh trong mình hai trọng trách - vừa là di tích, vừa là công trình văn hóa công cộng, vậy nên việc trùng tu thế nào, tôn tạo ra sao… đều phải được cân nhắc, tính toán hết sức kỹ lưỡng và dựa trên nhiều yếu tố, không thể tùy tiện.
Di tích chỉ “sống” được khi nó có một “sức khỏe” thực thụ theo đúng nghĩa. Và sau tất cả, điều còn lại vẫn là những giá trị cốt lõi, là những thông điệp ẩn chứa bên trong mà dẫu có trải qua bao thời gian, bao cuộc trùng tu, tôn tạo, vẫn không thể xóa nhòa dấu tích.