Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với truyền thống đoàn kết “thương người như thể thương thân” của mọi tầng lớp nhân dân, nước ta đã đạt được nhiều thành quả đáng kể trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Các quốc gia và tổ chức quốc tế ghi nhận Việt Nam là điểm sáng và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, theo các tiêu chí bảo đảm mức sống tối thiểu và khả năng tiếp cận 6 dịch vụ xã hội cơ bản như: việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh và thông tin.
Tại các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn,vùng đồng bào các dân tộc, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm, chú trọng thể hiện bằng những chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều năm qua, như Chương trình 134, 135, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Nhờ các chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đặc biệt khó khăn và sự cần cù, chịu thương, chịu khó nỗ lực vươn lên thoát nghèo của bà con các dân tộc, bức tranh về đời sống kinh tế của các tỉnh miền núi đã có nhiều khởi sắc. Cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xây dựng. Nhiều địa phương, thôn bản đã phủ sóng mạng 4G giúp người dân dễ dàng tiếp cận với những thông tin, kiến thức hiện đại để ứng dụng trong đời sống, sản xuất, giao lưu văn hóa và phát triển thương mại, dịch vụ. Đã xuất hiện nhiều nhân tố, nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, mô hình hợp tác xã… trong đồng bào các dân tộc miền núi, đã có những nhóm vươn lên thoát nghèo, những gương điển hình tiên tiến làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Mặc dù đạt được nhiều thành quả trong xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách về kinh tế xã hội giữa miền núi và miền xuôi, song theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, một số nơi đời sống vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc – nơi có địa hình chia cắt, hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, thiếu đất ở, đất sản xuất, thu nhập từ nông nghiệp ngày càng không đủ sống, nguồn lợi từ rừng không còn nhiều, tình trạng suy giảm hệ sinh thái rừng, lũ quét và sạt lở diễn ra ngày càng trầm trọng… đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ trong công cuộc giảm nghèo và duy trì kết quả thoát nghèo đối với khu vực này.
Đặc biệt, sau cơn bão số 3 vừa qua, một số vùng ở miền núi phía Bắc bị lũ quét, sạt lở, ngập lụt trên diện rộng, có nơi cả một ngôi làng bị xóa sổ, nhà cửa, tài sản của bà con bị vùi lấp, cuốn trôi… Cảnh tái nghèo bữa no, bữa đói đang hiện hữu với nhiều hộ gia đình vùng cao.
Trong và sau bão lũ, với tinh thần “tương thân tương ái”, chính quyền các cấp và nhiều đơn vị, tổ chức cũng như các cá nhân, đồng bào trong và ngoài nước đã kịp thời tổ chức cứu trợ, ủng hộ tiền của, chung tay góp sức giúp bà con vùng bị nạn chuyển đến nơi ở mới, dần ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, tái cấu trúc không gian sống của đồng bào dân tộc ở miền núi ra khỏi các khu vực nguy cơ và tạo sinh kế cho bà con sau thảm họa cũng là điều không dễ dàng. Ngoài việc hỗ trợ về tiền của, vật chất, xây dựng, sửa sang nhà cửa, chuyển bà con đến nơi ở mới đủ an toàn, ổn định… cần có những chính sách mới; thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương, cán bộ, chính quyền địa phương tận tâm, tận lực giúp người dân gây dựng lại và phát triển kinh tế.
Ngay sau bão lũ, Chính phủ lập tức chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ngay các chương trình hành động để giúp người dân bị thiệt hại trong bão lũ sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Nhưng về lâu dài, làm thế nào để công tác xóa đói giảm nghèo thoát khỏi thế “chông chênh” và đạt mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”?
Nhiều chuyên gia cho rằng, từ thực tế hiện nay, việc giảm nghèo, phát triển kinh tế ở vùng miền núi không đơn giản chỉ là hỗ trợ một vài chương trình vay vốn ở quy mô hộ gia đình, trồng cây gì, nuôi con gì mà cần có những cách tiếp cận mới, dài hơi, bền bỉ, hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững. Ngoài nguồn lực của nhà nước, nên có những giải pháp thu hút thêm nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp thường không mặn mà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở những khu vực này. Vì vậy cần có những những chính sách ưu đãi hấp dẫn, những chương trình giải quyết nguy cơ rủi ro, phát triển bảo hiểm nông nghiệp… Đặc biệt, cần có những con người tâm huyết, gắn bó với đồng bào vùng cao.
Nâng cao trình độ dân trí, giáo dục dạy nghề, đào tạo và nâng cao năng lực quản lý, khơi dậy tinh thần vươn lên, không cam chịu đói nghèo đối với bà con các dân tộc… cũng là một vấn đề cần được quan tâm hơn để góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn của đất nước.