1. Vận động thường xuyên
Sau khi nghỉ hưu, cụ bà Yoshiko đã hình thành thói quen lành mạnh là đi bộ khoảng 6km vào mỗi buổi sáng. Năm 1990, ở tuổi 76, bà thậm chí còn tham gia cuộc thi chạy marathon.
Đi bộ có thể giúp người cao tuổi cải thiện chức năng vận động, tim phổi, khả năng giữ thăng bằng và đặc biệt có tác dụng phòng ngừa các bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, béo phì... Không chỉ vậy, việc đi bộ còn có thể giảm nguy cơ lão hóa ở một mức độ nhất định.
2. Có nhiều sở thích
Với cụ bà Yoshiko, việc giữ cho cơ thể cũng như tâm trí luôn vận động là liều thuốc tốt nhất để kéo dài tuổi thọ. Bà có rất nhiều sở thích như đọc sách, ikebana (còn gọi là "hoa đạo" - nghệ thuật cắm hoa của người Nhật), vẽ tranh, sashiko (là một loại hình thêu hoặc khâu truyền thống của Nhật Bản)...
Những sở thích này có thể giúp trí não thường xuyên được luyện tập, giúp ngăn ngừa suy giảm nhận thức và duy trì tuổi thọ. Trên toàn cầu, cứ ba giây lại có một người cao tuổi mắc chứng suy giảm nhận thức, bệnh tăng dần theo độ tuổi.
3. Tham gia các hoạt động cộng đồng
Tuổi tác cao khiến cụ bà Yoshiko Miwa bị hạn chế khả năng vận động. Tuy nhiên, bà chưa từng quên việc tham dự các buổi lễ tại chùa cũng như các hoạt động tình nguyện xã hội khác như hỗ trợ đo huyết áp cho người cao tuổi, chuẩn bị bữa trưa cho Viện Văn hóa Nhật Bản tại địa phương...
Một nghiên cứu kéo dài 85 năm của các nhà nghiên cứu thuộc đại học Harvard đã phát hiện, những mối quan hệ tích cực, lành mạnh, những hoạt động cộng đồng... sẽ giảm mức độ căng thẳng. Căng thẳng kéo dài là tiền thân của các bệnh mãn tính, viêm nhiễm, suy kiệt về sức khoẻ... Chính điều này dẫn đến sự tương quan giữa căng thẳng về tinh thần và sức khoẻ thể chất cũng như tuổi thọ.
Theo, Leslie Kenny, người đồng sáng lập Dự án về tuổi thọ Oxford cũng cho biết, sau khi nghiên cứu về những vùng đất có tuổi thọ trung bình cao và khoẻ mạnh nhất trên thế giới, phát hiện ra đây cũng là những nơi mọi người tập trung vào các kết nối xã hội.
Ngoài ra, sự đồng hành và tương tác của các thành viên trong gia đình cũng là một phần quan trọng mang lại niềm vui cho người cao tuổi và ngăn ngừa chứng mất trí nhớ. Cụ bà Yoshiko từng chia sẻ: "Vì mẹ mất sớm nên tôi chưa từng cảm nhận được tình cảm gia đình trọn vẹn. Phải mãi đến khi có con, tôi mới nhận ra điều này quan trọng và hạnh phúc đến nhường nào."
4. Thường ăn mì
Bà Yoshiko Miwa chia sẻ, một trong những món ăn yêu thích của bà là mì, bao gồm các loại mì tươi không qua chiên rán như mì udon, mì kiều mạch... và đây trở thành món ăn hàng ngày của bà. Nhiều người cao tuổi sợ rằng việc tiêu thụ quá nhiều carbohydrate như các loại mì sẽ làm tăng gánh nặng thể chất nên thường hạn chế ăn. Tuy nhiên, điều này có thể vô tình khiến cơ thể suy yếu.
Cùng với đó, bà cũng tin rằng việc duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, làm những điều bà yêu thích là chìa khóa giúp bà sống lâu và hạnh phúc.
Theo phân tích của Mikiko Kawaguchi, chuyên gia dinh dưỡng tại Khoa Kinh tế gia đình, Đại học Phụ nữ Otsuma (Nhật Bản), không kén ăn là đặc điểm nổi bật của những người khoẻ mạnh, sống lâu. Khi cơ thể thiếu năng lượng, nguồn năng lượng từ carbohydrate không đủ sẽ khiến cơ thể sử dụng chất béo và protein làm nguồn năng lượng, từ đó không thể duy trì cơ bắp và giảm khả năng miễn dịch.
Theo Phunuvietnam